Giám sát để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh

.

Năm 2020 là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Mặt trận thành phố tiếp tục hướng dẫn Mặt trận các cấp trên địa bàn tập trung đẩy mạnh công tác giám sát cán bộ, đảng viên theo tinh thần Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư và Quy định số 06-QĐ/TU ngày 17-4-2018 của Thành ủy Đà Nẵng về “giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện, đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận các cấp thành phố là tham gia giám sát xây dựng Đảng, góp phần vào thành công  của Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: SƠN TRUNG
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận các cấp thành phố là tham gia giám sát xây dựng Đảng, góp phần vào thành công của Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: SƠN TRUNG

Ngay từ đầu năm, Mặt trận thành phố đã hướng dẫn cho các cấp triển khai công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với nhiều nội dung: giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh của công dân; việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, thực hiện nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng (PCTN), thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giám sát công trình đầu tư công, việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU của Thành ủy, giám sát cán bộ, đảng viên sinh hoạt tại KDC; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân liên quan đến những vấn đề còn bất cập, vướng mắc, nổi cộm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân...

Mặt trận thành phố tiếp tục đôn đốc các cấp thực hiện tốt công tác này qua việc giám sát thường xuyên các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên; giám sát việc tiếp công dân của chủ tịch UBND các cấp; việc kê khai tài sản của cán bộ; giám sát cán bộ, đảng viên sinh hoạt giữ mối liên hệ với nhân dân tại nơi cư trú; theo dõi kết quả xử lý, giải quyết, phản hồi của các cơ quan liên quan khi nhận được phản ánh, kiến nghị của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội…

Mặt trận thành phố đã xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí trong hệ thống. Trong đó yêu cầu Ban Thanh tra nhân dân và Ban công tác Mặt trận khu dân cư đa dạng hoá các kênh tiếp nhận thông tin, phản ánh. Mặt trận thành phố đã ban hành hướng dẫn về quy trình tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý thông tin, xử lý đơn thư KNTC của công dân về tham nhũng, lãng phí. Đối với cơ quan Mặt trận thành phố, khi tiếp nhận ý kiến phản ánh và đơn thư KNTC của công dân, đơn vị sẽ cử cán bộ xác minh trực tiếp. Khi cần thiết sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để xác minh, đồng thời thực hiện cơ chế bảo vệ người phản ánh, tố giác, đấu tranh PCTN, lãng phí, chống suy thoái tư tưởng, chính trị và đạo đức lối sống.

Trong năm 2019, công tác giám sát này được thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện việc giám sát theo Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư và Quy định số 06-QĐ/TU của Thành ủy vẫn còn nhiều vướng mắc cho việc giám sát của Mặt trận và đoàn thể. Đó là sự chồng chéo về thẩm quyền xử lý đơn thư KNTC, tiếp nhận ý kiến phản ánh giữa quy định của Đảng và Luật Tố cáo gây khó khăn cho việc giám sát. Cụ thể là Khoản 1 Điều 8 Quy định 124-QĐ/TƯ với Khoản 1 Điều 12 Luật Tố cáo năm 2018 gây rất khó khăn, lúng túng cho Mặt trận các cấp trong việc giám sát và xử lý đơn thư hoặc tiếp nhận, xứ lý các ý kiến phản ảnh của công dân.

Mặt khác, Điều 8 Quy định 124-QĐ/TW cũng chưa bảo đảm việc bảo vệ người tố cáo và bảo mật người cung cấp thông tin về PCTN (như quy định tại Khoản 2 Điều 8 Luật PCTN năm 2018 và Khoản 3 Điều 8 Luật Tố cáo 2018) vì trong thực tiễn xử lý đơn thư đã có tiếp nhận ý kiến tố cáo, phản ảnh của công dân đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị bị tố cáo đồng thời là người đứng đầu cấp ủy. Do đó việc chuyển đơn của Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội cho cấp ủy, tổ chức Đảng cùng cấp là không hợp lý.

Về hình thức giám sát, theo Điều 7 Quy định 124-QĐ/TW có 2 hình thức giám sát (thông qua việc giám sát, tìm hiểu, giao tiếp với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên; thông qua tiếp nhận thông tin báo cáo, phản ánh của các tổ chức, cá nhân, đoàn viên, hội viên và nhân dân; dư luận xã hội, cơ quan truyền thông đại chúng) là chưa đủ. Về quy định, việc “được mời” của chủ thể giám sát tại Khoản 2, Điều 9 Quy định 124-QĐ/TW chưa rõ ràng, chưa thể hiện được tính bắt buộc đối với các bên phải mời đại diện của Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội đến dự trong các cuộc họp của mình.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả giám sát cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cần có hướng dẫn cụ thể và sửa đổi của Trung ương để không chồng chéo giữa quy định của Đảng và pháp luật, qua đó, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia xây dựng Đảng, nhất là trong giai đoạn đang diễn ra Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

TRẦN THỊ MẪN

;
;
.
.
.
.
.