TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LẦN THỨ XXII, NHIỆM KỲ 2020-2025

Nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng xu thế hội nhập

.

5 năm qua, với sự đầu tư đúng hướng của thành phố và Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học tại Đà Nẵng từng bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và xu thế hội nhập.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng trong giờ thực hành tại trường. Ảnh: P. MINH
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng trong giờ thực hành tại trường. Ảnh: P. MINH

Chú trọng phát triển chất lượng giáo dục mũi nhọn

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Lê Thị Bích Thuận cho biết, để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục, những năm qua, mạng lưới trường lớp được quy hoạch vừa phù hợp với hệ thống giáo dục quốc dân, vừa đáp ứng phát triển quy mô, yêu cầu phát triển đô thị và nhu cầu học tập của mọi người dân Đà Nẵng. Cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị trường học được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tạo nên hệ thống trường lớp khang trang, sạch đẹp.

Nhiều công trình trường học được đầu tư, sửa chữa và xây mới. Đến tháng 10-2020, toàn thành phố có 163 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 39,4%, tăng 36 trường so với năm 2015; có 163 thư viện đạt chuẩn, tỷ lệ 84%, tăng 12 trường so với năm 2015; 100% trường tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.

Cùng với sự đầu tư của thành phố, các đơn vị, trường học đã tích cực, chủ động tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh thông qua việc tăng cường các hoạt động thực hành, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, chú trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội cho học sinh.

Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu nhìn nhận: “Ngoài việc chú trọng dạy và học trong chương trình, nhiều trường còn tổ chức các buổi học ngoại khóa tại các bảo tàng, các khu di tích lịch sử, ở nông thôn, nhằm giúp học sinh hiểu hơn về địa lý, lịch sử, đời sống người dân; qua đó, rèn luyện kỹ năng, giúp học sinh xử lý tốt các vấn đề của xã hội”.

Theo bà Lê Thị Bích Thuận, từ sự đầu tư có chiều sâu trong dạy và học, trong 5 năm 2015-2020, kết quả xếp loại học lực - hạnh kiểm, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp, đỗ đại học, đỗ thủ khoa các trường đại học ngày càng cao.

Chỉ tính riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, học sinh Đà Nẵng đỗ tốt nghiệp gần 100%, có thủ khoa toàn quốc, số điểm 8-10 chiếm tỉ lệ cao. Điều đáng nói, số lượng học sinh đạt giải học sinh giỏi, học sinh năng khiếu cấp quốc gia, khu vực và quốc tế hằng năm được duy trì cả về số lượng và chất lượng. Từ năm 2015 đến nay, số lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu quốc gia, quốc tế tiếp tục được duy trì ổn định với 34 giải quốc tế, 754 giải quốc gia.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Mai Tấn Linh chia sẻ, trước yêu cầu ngày càng cao của việc đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa, công tác bồi dưỡng, đào tạo cho cán bộ được thành phố chú trọng. Bên cạnh việc Sở GD&ĐT tổ chức các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên các bậc học, UBND thành phố đã tạo điều kiện cho nhiều cán bộ quản lý và giáo viên được tham gia học tập, nghiên cứu trong và ngoài nước bằng nguồn ngân sách thành phố.

Đến nay, có 100% cán bộ quản lý và giáo viên đạt trình độ chuẩn; trong đó, có 10 tiến sĩ, 650 thạc sĩ và hơn 70 cán bộ quản lý, giáo viên đang tham gia học cao học và nghiên cứu sinh trong và ngoài nước bằng nguồn ngân sách và tự túc. Nhiều nhà giáo đoạt giải cao trong cuộc thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, đạt danh hiệu cán bộ quản lý giỏi, giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia; nhiều nhà giáo đã được công nhận và tặng thưởng các danh hiệu cao quý của các cấp.

Theo ông Mai Tấn Linh, trong giai đoạn 2020-2025, để đáp ứng nhu cầu dạy và học, duy trì chất lượng giáo dục mũi nhọn, ngành GD&ĐT tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động GD&ĐT, trong đó, chú trọng việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới.

Tiếp tục xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch và mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu, trong đó chú trọng các vùng khó khăn, vùng có học sinh dân tộc thiểu số. Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống phòng học ngoại ngữ, phòng học bộ môn, trang thiết bị hỗ trợ công nghệ thông tin, bảo đảm 100% trường tiểu học dạy học 2 buổi/ngày, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

Đào tạo nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển xã hội

Cùng với giáo dục phổ thông, giáo dục đại học từng bước khẳng định thương hiệu, trở thành đại học vùng trọng điểm quốc gia. PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, trong 5 năm qua, Đại học Đà Nẵng đã tập trung rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo nhằm bảo đảm, phù hợp với những thay đổi của nhu cầu xã hội và tiếp cận xu hướng phát triển của thế giới; đồng thời đổi mới phương thức, phương pháp giảng dạy và học trong toàn hệ thống. Triển khai áp dụng phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ trong tất cả các cơ sở đào tạo, quản lý đào tạo theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng đào tạo được nâng cao.

Đặc biệt, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Đại học Đà Nẵng thực hiện tốt chủ trương “giữ ổn định quy mô một cách hợp lý và nâng cao chất lượng bậc đại học”, phát triển về quy mô đúng với quy định của Bộ GD&ĐT. Theo đó, năm 2015, có 40.237 sinh viên, đến năm 2019 phát triển lên 46.816 sinh viên. Ngoài ra, Đại học Đà Nẵng cũng mở thêm 26 ngành đào tạo mới, nâng tổng số ngành, chuyên ngành tuyển sinh đào tạo đến năm 2020 là 134 ngành.

Nhiều chương trình đào tạo chất lượng được mở mới, nâng tổng số chương trình chất lượng cao đang được đào tạo tại Đại học Đà Nẵng 38 chương trình. “Từ năm 2018, các đơn vị thành viên và đơn vị trực thuộc Đại học Đà Nẵng triển khai chương trình đào tạo đặc thù trên lĩnh vực công nghệ thông tin và du lịch, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, góp phần đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của thành phố và cả nước”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ chia sẻ.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Đại học Đà Nẵng lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025, diễn ra cuối tháng 7-2020, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa cho rằng, với vai trò là đại học vùng trọng điểm quốc gia, Đại học Đà Nẵng cần khảo sát, xây dựng các chương trình đào tạo, ngành nghề đào tạo phù hợp với đặc điểm tình hình và đáp ứng được nhu cầu phát triển của các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Trong đó, cần định hướng xây dựng chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho 5 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn phát triển của thành phố theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình số 45-CTr/TU ngày 25-2-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc thực hiện Chuyên đề “Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố”, nhất là các ngành về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tự động hóa, vật liệu mới, nông nghiệp công nghệ cao.

Theo đó, thời gian đến, Đại học Đà Nẵng sẽ tiếp tục đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực với những ngành nghề phù hợp, sẵn sàng cung ứng nguồn lao động chất lượng cao cho các tập đoàn, công ty đa quốc gia nhằm chuẩn bị cho cơ hội đón làn sóng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo gắn với nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước và quốc tế để nâng cao hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ; tạo nguồn thu đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong cán bộ, giảng viên, sinh viên, đồng thời góp phần hỗ trợ thực hiện chủ trương tự chủ kinh phí tại các trường đại học và đơn vị thành viên; tích cực phát hiện và tuyển chọn nhân tài, đặc biệt có cơ chế thu hút các giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học giỏi tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học; phối hợp chặt chẽ với thành phố trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn mới.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.