Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tạo động lực phát triển nông nghiệp nông thôn

.

Ngày 4-11, tại Đà Nẵng, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cụm thi đua số 4 tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Phát biểu góp ý các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng Nguyễn Kim Dũng đánh giá: nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn không ít hạn chế, bất cập, sản xuất nhỏ lẻ, năng suất và khả năng cạnh tranh chưa cao, chưa bền vững. Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định, chưa đa dạng và lệ thuộc vào một vài thị trường truyền thống, xuất khẩu trực tiếp qua đường tiểu ngạch nên tiềm ẩn nhiều rủi ro; tình trạng được mùa mất giá, giải cứu sản phẩm nông nghiệp diễn ra liên tục, chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.

Ông Nguyễn Kim Dũng đề nghị, cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật đồng bộ để tạo môi trường, động lực cho phát triển nông nghiệp nông thôn; hoàn thiện, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp cả nước nhằm định hướng lâu dài, mục tiêu trung hạn và dài hạn để có chiến lược bảo tồn và sử dụng đất nông nghiệp trước khi thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp và đô thị; tổ chức lại sản xuất, cơ chế hóa và hiện đại hóa nền sản xuất lớn, đưa kỹ thuật số, tự động hóa, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, gắn kết sản xuất và tiêu thụ giữa người sản xuất và người tiêu dùng...

Theo ông Nguyễn Hữu Mai, nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, về nội dung mục tiêu cách mạng trong dự thảo các văn kiện cần bổ sung cụm từ “Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nước giàu, dân mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thể hiện sát với thực tế hiện nay. Nhà nước có giàu thì dân mới mạnh, nước giàu mới có điều kiện chăm lo an sinh xã hội cho người dân.

Về nông nghiệp, nông thôn, ông Nguyễn Hữu Mai cho rằng Hội Nông dân Việt Nam nên tham mưu cho Trung ương đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Luật Nông dân; cải tạo tình trạng phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn, tập trung các giải pháp xây dựng nông thôn mới; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tìm đầu ra bền vững. Cần quy hoạch, phân vùng, tổ chức các hợp tác xã nông nghiệp, trang trại sản xuất tại nông thôn; tập trung đầu tư, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng lực lượng lao động nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao...

T. HUY

;
;
.
.
.
.
.