Ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố:

Bài học "vì dân" phải là bài học gốc, bài học muôn thuở

.

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tôi thấy dự thảo Báo cáo chính trị lần này viết gọn hơn, rõ hơn, chất lượng hơn, cả về phần đánh giá kết quả nhiệm kỳ qua, thành quả công cuộc đổi mới (thành tựu, hạn chế, nguyên nhân), những bài học kinh nghiệm và mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ đến. Đặc biệt, dự thảo đã đề ra mục tiêu cho nhiệm kỳ mới khá cụ thể, trong đó nổi bật là đặt mục tiêu, nhiệm vụ cho 5 năm, 10 năm và tầm nhìn đến năm 2045 có sức cổ vũ về cơ đồ phát triển của Tổ quốc.

Bên cạnh những ưu điểm, tôi cũng xin góp ý một số vấn đề cụ thể như sau: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhận định 4 nguy cơ lớn chúng ta đã và đang đối mặt là: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ chống phá, diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xa rời lý tưởng của Đảng, xa rời lợi ích của nhân dân và mục tiêu xây dựng đất nước của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; nguy cơ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội, làm suy yếu Đảng và nguy cơ về bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, nhất là chủ quyền biển, đảo trước âm mưu, thủ đoạn các nước lớn. Do đó, tôi đề nghị trong dự thảo lần này cần đánh giá lại rõ ràng hơn về các nhận định trên. Đây là vấn đề rất quan trọng để hoạch định phương hướng cho nhiệm kỳ đến và những năm tiếp theo sau nhiệm kỳ khóa XIII.

Ở phần đánh giá thành tựu nhiệm kỳ khóa XII về lĩnh vực giáo dục-đào tạo; văn hóa và bảo vệ môi trường, tôi cho rằng cần đầu tư, bổ sung kỹ hơn, vì đây là các lĩnh vực còn nhiều hạn chế, nhân dân rất quan tâm. Cụ thể, về lĩnh vực văn hóa: chưa quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về “Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Theo đó, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, nhưng trong thực tế còn rất nhiều bất cập, như: nạn buôn thần bán thánh; mê tín dị đoan; hàng loạt tệ nạn về sự xuống cấp đạo đức, lối sống… gây nên sự bất an xã hội. Do đó, văn kiện cần đánh giá rõ và có phương hướng, biện pháp khả thi cho lĩnh vực này. Về giáo dục-đào tạo, còn quá nhiều vấn đề cần quan tâm, từ sách giáo khoa, chất lượng học tập, thi cử, đạo đức học sinh…

Riêng về sách giáo khoa, nhiều ý kiến cho rằng toàn quốc cần thống nhất 1 bộ sách giáo khoa chuẩn, còn sách tham khảo thì có thể xã hội hóa. Về bảo vệ môi trường, trước thực tế nạn sạt lở gây chết người và thiệt hại tài sản trong mùa mưa lũ như những năm qua, nhất là năm 2020 này, tôi đề nghị dự thảo Báo cáo chính trị cần đánh giá và có giải pháp cụ thể, khả thi hơn.

Về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, dự thảo chưa nêu cụ thể, chưa nêu được nhiều điểm mới cả về ưu điểm, thành tựu lẫn tồn tại, nhược điểm. Theo tôi, cần nêu được vấn đề chính là vai trò, vị trí của Mặt trận được xác định như thế nào và thực hiện ra sao trong thực tế; bản lĩnh của Mặt trận, đoàn thể, nhất là người đứng đầu được thể hiện ra sao. Điều này liên quan trực tiếp đến sự lãnh đạo của Đảng trong việc đặt vị trí của Mặt trận, trong việc bố trí cán bộ, nhất là người đứng đầu sao cho đúng tầm cả về trí tuệ, năng lực, bản lĩnh và uy tín.

Trong dự thảo Báo cáo chính trị rút ra 5 bài học kinh nghiệm rất chính xác. Tuy nhiên, theo tôi, bài học kinh nghiệm thứ 2 “dân là gốc” phải được đưa lên đầu tiên, sau đó mới đến bài học về “xây dựng Đảng”. Bởi vì, bài học “vì dân” phải là bài học gốc, bài học muôn thuở. Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định như vậy.

LAM PHƯƠNG ghi

;
;
.
.
.
.
.