Những điểm nhấn về văn hóa trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

.

Để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, người dân có thu nhập cao thì việc huy động sức mạnh, sức sáng tạo của mọi nguồn lực, trong đó nguồn lực văn hóa, con người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Với tầm nhìn đó, Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra nhiều quan điểm mới về phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Phát huy các giá trị văn hóa

Nếu như trước đây, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa hướng đến mục tiêu gìn giữ, lan tỏa giá trị, bản sắc dân tộc độc đáo với không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; xây dựng, phát triển văn hóa để chấn hưng sự xuống cấp về đạo đức xã hội, văn hóa được xem là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của sự phát triển; thì hiện nay, bên cạnh những sứ mệnh, mục tiêu đó, nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn, vai trò, chức năng của văn hóa được xem xét ở nhiều chiều cạnh, góc độ với mối tương quan với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, phát triển con người. Trong mối quan hệ với kinh tế, văn hóa được xem là nguồn lực nội sinh, là “sức mạnh mềm” (thuật ngữ lần đầu tiên xuất hiện trong Dự thảo) để thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Để gia tăng “sức mạnh mềm” văn hóa, gắn văn hóa với phát triển kinh tế thông qua đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, Dự thảo nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chính sách phát triển văn hóa trong hiện tại và những năm tiếp theo là: “Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn”. Dự thảo nhấn mạnh và khẳng định quan điểm phát triển ngành công nghiệp văn hóa (một quan điểm mới về văn hóa được đề ra tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI năm 2014 với yêu cầu mới đặt ra, đó là “khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hoá, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước là một nội dung quan trọng trong chủ đề Đại hội và cũng là mục tiêu, sứ mệnh của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII. Việc khơi dậy khát vọng phát triển được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết, trong đó vai trò của văn hóa không chỉ là “chất xúc tác” mà phải là “ngọn đuốc soi đường”, cổ vũ, động viên, khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn của mỗi người dân, khích lệ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; khuyến khích tinh thần sáng tạo, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, truyền thống hiếu học, đức tính cần cù, chịu khó, siêng năng, nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách của người Việt để viết lên những trang sử mới cho dân tộc.

Trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, truyền thống, sức mạnh văn hóa cần được khai thác, phát huy mạnh mẽ hơn nữa để đất nước phát triển nhanh và bền vững. Văn hóa phải góp phần duy trì sự ổn định xã hội, điều tiết các mối quan hệ, giảm bớt những xung đột bất đồng; là điểm tựa tinh thần, là mục tiêu, là khát vọng cao đẹp mà con người muốn vươn tới, bởi bản chất của văn hóa là nhân văn, hướng thiện, hướng con người đến những giá trị cao quý.

Nêu cao tinh thần đổi mới sáng tạo

Tại dự thảo lần này, nhiệm vụ phát huy sức mạnh con người Việt Nam được đặc biệt nhấn mạnh, bởi nguồn lực con người được đánh giá là nguồn lực quan trọng nhất trong quá trình phát triển. Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 xác định: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hoá, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”, “tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Cùng với điểm nhấn về khơi dậy khát vọng phát triển đất nước thì tinh thần “đổi mới sáng tạo”, gắn liền với tinh thần, trí tuệ, sức sáng tạo, trí thông minh, nhạy bén của người Việt cũng là một điểm nhấn trong Dự thảo trình Đại hội XIII. Trong Dự thảo đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát huy nguồn lực con người Việt Nam với những phẩm chất tốt đẹp. Theo đó, phải “phát triển con người toàn diện”, “khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội”, “đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật”.
Để xây dựng, hình thành những con người mới có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, Dự thảo đề ra nhiều nhiệm vụ: “Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng. Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho thanh niên”; “Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ”; “Khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân được phát huy các năng lực tự do sáng tạo trong đời sống kinh tế, xã hội”. Trong giáo dục con người, vai trò của gia đình có ý nghĩa quan trọng, vì thế các cấp các ngành cần “đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”; đề cao tinh thần gương mẫu, tiên phong của người lãnh đạo, quản lý, tạo môi trường, không gian văn hóa lành mạnh, dân chủ, nhân văn; khuyến khích tinh thần tự do, đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển đất nước.

Theo tuyengiao.vn

;
;
.
.
.
.
.