Ý kiến đóng góp Đại hội lần thứ XIII của Đảng

.

Ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố:

Vì hạnh phúc của nhân dân

Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân”. Quan điểm trên không chỉ thể hiện tính nhân văn sâu sắc mà còn chỉ rõ nội dung và giải pháp để đạt được mục tiêu xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân của Đảng ta.

Điều thực sự có ý nghĩa là quan điểm trên đã trở thành tư tưởng chỉ đạo thực tiễn cuộc sống xã hội nước ta, nhất là từ khi Đảng ta giành được chính quyền, nhân dân thực sự làm chủ cuộc sống. Nhờ vậy, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn được công nhận là nước có chỉ số hạnh phúc vào loại cao của thế giới.

Được sự chỉ đạo và soi sáng bởi tư tưởng nhân văn sâu sắc đó, suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng luôn luôn coi việc chăm lo hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu nhiệm vụ chính trị. Nhờ vậy cuộc sống của nhân dân luôn luôn được quan tâm; đời sống vật chất không ngừng được cải thiện biểu hiện ở các chỉ tiêu kinh tế không ngừng được tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao; đời sống tinh thần ngày càng phong phú hơn thông qua việc hưởng thụ văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội ngày càng bảo đảm.

Tuy nhiên cuộc sống luôn vận động, phát triển và hạnh phúc luôn là một biến số với mục tiêu ngày càng cao đẹp và hoàn thiện. Thực tiễn đã chứng minh mỗi kỳ Đại hội của Đảng là một mốc son trên con đường phát triển, mở ra một chặng đường mới và nâng lên một tầm cao mới về hạnh phúc của nhân dân. Với quan điểm được nêu trên, trong Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, mỗi người dân đều có thể kỳ vọng về một cuộc sống hạnh phúc hơn trong tương lai gần.

Để được như vậy, chúng ta đều biết rằng hạnh phúc không thể tự đến mà thật sự là cuộc chiến đấu cam go với mọi thử thách, cản trở, thậm chí là với những kẻ thù hữu hình hay vô hình. Và do đó, hơn lúc nào hết, để thực sự “nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân”, thì bài học giữ vững, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng và tăng cường, nâng cao sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và trách nhiệm của mỗi người dân là yếu tố then chốt bảo đảm thành công và thắng lợi cho việc thực hiện mục tiêu đó.

Ông Huỳnh Minh Chức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố:

Cần có cơ chế tuyển dụng người tài, có tâm huyết cống hiến

Từ nhiều tháng nay, cán bộ, đảng viên, các thế hệ cựu chiến binh thành phố đều hướng về Đại hội với niềm tin và kỳ vọng vào những quyết sách đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong nhiệm kỳ mới. Đây là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của đất nước nhanh và bền vững.

Về công tác cán bộ, tôi kỳ vọng Đại hội lần thứ XIII của Đảng cần phải có cơ chế tuyển dụng người tài, có tâm huyết cống hiến, khát vọng phát triển đất nước. Việc đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí sử dụng nguồn cán bộ, theo tôi Đại hội lần thứ XIII của Đảng cần nhìn nhận, đánh giá đúng thực chất để có cơ chế đánh giá đúng, công tâm, khách quan đối với tất cả cán bộ các cấp dù là cán bộ thuộc diện “hạt giống đỏ” (con của lãnh đạo).

Chúng ta cần tránh lối tư duy dè chừng, thận trọng kiểu “con ai”, “con đồng chí nào” khi xem xét, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm. Thực trạng này đã từng tồn tại ở Đà Nẵng, Quảng Nam và một số địa phương khác sau khi có những trưởng hợp “hạt giống đỏ” vấp ngã. Nhiều người là “hạt giống đỏ” có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, mục tiêu phấn đấu rõ ràng thì cần công bằng và minh bạch, mạnh dạn sắp xếp, tạo điều kiện cho họ phấn đấu, trưởng thành và cống hiến. Đây vừa là lợi thế không nhỏ bởi lớp con cháu cán bộ có lịch sử chính trị tốt, gia đình có truyền thống cống hiến cho cách mạng, góp phần nâng cao chất lượng chính trị, độ tin cậy của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị của cả nước nói chung.

Ông Nguyễn Trường Ngàn, Trưởng thôn An Ngãi Tây 2 (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang):

Phát huy hơn nữa vai trò của đồng bào các tôn giáo

Đại hội lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị quan trọng nhằm phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; giữ vững kỷ cương trong Đảng và xã hội, góp phần củng cố và bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Những năm qua, Đảng đã có nhiều chủ trương, chính sách để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc; công tác an sinh xã hội; hỗ trợ đời sống nhân dân trong đó có đồng bào Công giáo.

Vì vậy, tôi mong muốn Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành công, sau Đại hội sẽ có những quyết sách quan tâm hơn nữa đến các tôn giáo và tiếp tục thực thi hiệu quả chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục tạo điều kiện phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong xã hội; đồng thời tạo điều kiện cho đồng bào tôn giáo phát huy vai trò, tham gia nhiều hơn nữa trên các lĩnh vực, hoạt động để đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Trần Thị Tuyết, giảng viên (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng):

Quan tâm hơn nữa đến đội ngũ giáo viên

Tôi kỳ vọng, Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ đưa ra những quyết sách đổi mới toàn diện ngành giáo dục nước nhà, nhằm giảm áp lực về sổ sách, lý thuyết cho giảng viên. Đồng thời, có chính sách đầu tư, quan tâm đến trọng tâm từng bậc học, ngành học, bảo đảm đầu ra ổn định cho học viên, sinh viên khi tốt nghiệp.

Hơn nữa, Đại hội lần này sẽ thổi “luồng gió mới” vào công cuộc phát triển giáo dục, cải tiến, nâng cao giáo dục theo hướng trọng tâm, toàn diện, đồng bộ giữa các vùng miền. Ngoài ra, cần đặc biệt chú trọng, quan tâm đến đội ngũ giảng viên, giáo viên nhiều hơn nữa trong sự nghiệp trồng người.

Đảng và Nhà nước cần có những quyết sách liên quan đến lương hoặc phụ cấp; đặc biệt là giáo viên công tác lâu năm nhằm bảo đảm cuộc sống để họ yên tâm gắn bó với nghề mà không cần phải làm thêm nhiều công việc khác để kiếm sống.

Như vậy, công cuộc giáo dục sẽ được chú trọng, tập trung, chất lượng hơn, từng bước đi lên một cách bền vừng. Nhà nước cũng cần có chính sách về an sinh xã hội như hỗ trợ về nhà ở, vốn vay phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên; đặc biệt là giáo viên công tác vùng sâu, vùng xa, vùng núi, vùng hải đảo.

Lê Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang):

Quan tâm hơn nữa phát triển kinh tế và bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số

Tôi và cán bộ, đảng viên cùng nhân dân xã Hòa Bắc đều rất phấn khởi tin tưởng Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ thành công tốt đẹp và đưa ra nhiều chủ trương, quyết sách để tiếp tục đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Chúng tôi kỳ vọng Đại hội quan tâm có những chủ trương, chính sách lớn về khuyến khích, hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; bố trí nguồn lực thích đáng để hỗ trợ đồng bào trong việc phát triển các ngành nghề kinh tế như du lịch cộng đồng, dệt thổ cẩm, trải nghiệm, khám phá các nền văn hóa bản địa…

Qua đó, góp phần gắn việc giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và quảng bá hình ảnh, phong tục, tập quán của văn hóa dân tộc đến đông đảo nhân dân và du khách trong và ngoài nước. Từ thực tế xã Hòa Bắc, tình trạng con em đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học khá nhiều, nhưng sau nhiều năm ra trường chưa có việc làm, tôi mong rằng Đại hội có những chính sách, cơ chế rõ ràng để đội ngũ lao động trí thức là con em đồng bào dân tộc thiểu số có sự đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và rút ngắn khoảng cách chất lượng đời sống giữa miền núi với thành thị.

TS Nguyễn Thị Mỹ Hương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng):

Phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Trong nền kinh tế tuyến tính truyền thống tập trung, tài nguyên môi trường được khai thác để tạo ra sản phẩm và dịch vụ, sau đó các phế thải từ quá trình sản xuất và tiêu dùng lại bị thải ra tự nhiên. Nền kinh tế tuần hoàn là giải pháp để bảo đảm tăng trưởng kinh tế mà vẫn bảo vệ môi trường, giúp phát triển bền vững hơn. Hoạt động kinh tế tại Việt Nam từ trước đến nay chủ yếu dựa vào cách tiếp cận truyền thống (kinh tế tuyến tính), đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt tài nguyên nghiêm trọng và ô nhiễm môi trường.

Cách đây hơn 10 năm, khi tôi tham gia đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XII, chúng tôi đã có nhiều đợt khảo sát, đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại Đà Nẵng xả rác thải ra môi trường. Thời điểm đó, chúng ta không có những giải pháp mang tính hệ thống, bài bản; hiểu biết về môi trường trong những doanh nghiệp sản xuất cũng chưa cao. Những quy trình, cách thức khoa học để tạo sự tuần hoàn chuyển rác thải thành những nguyên liệu hữu ích, ít gây tác động môi trường gần như chưa có.

Bây giờ, Đà Nẵng đang có một sự bắt đầu tuyệt vời trong việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Giữa tháng 1 vừa qua, UBND thành phố đã phê duyệt Dự án nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng. Điều này cho thấy chính quyền thành phố nhận thức rất rõ ảnh hưởng của môi trường đến nền kinh tế - xã hội thành phố. Đây là một bước đi rất đúng thời điểm. Tôi mong rằng chúng ta sẽ là những người hành động, sẽ có những đối thoại, chia sẻ để tạo ra những giải pháp thực sự thiết thực cho Việt Nam và Đà Nẵng.

NHÓM P.V ghi

;
;
.
.
.
.
.