Du lịch Đà Nẵng

Khám phá "nữ hoàng linh trưởng"

14:50, 04/02/2016 (GMT+7)

Bán đảo Sơn Trà thuộc thành phố Đà Nẵng được xem là một trong những “bán đảo tề thiên” ở miền Trung, bởi nơi đây có rất nhiều loài khỉ. Điều đặc biệt, bán đảo Sơn Trà tập trung voọc chà vá chân nâu (gọi tắt là voọc CVCN, thuộc họ khỉ), loài động vật đặc biệt quý hiếm trong Sách đỏ. Voọc CVCN có độ tinh khôn được xem là gần giống loài người nhất (96%), có vẻ đẹp mê hồn và được ví là “nữ hoàng linh trưởng”.

Voọc mẹ đang ru con ngủ.
Voọc mẹ đang ru con ngủ.

Chúng tôi được anh Nguyễn Đức Bồi, nhân viên của Ban quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà đưa đi ngắm voọc quanh bán đảo Sơn Trà bằng xe máy. Ngước lên phía những cành cây cao thì có vài ba con voọc “nhô” ra… rón rén.

Chúng chuyền từ cành này sang cành kia, có con cứ ngồi yên nhìn chúng tôi. Thấy chúng tôi, chúng không hề bỏ chạy, nhưng ngó nghiêng, bay nhảy cũng cầm chừng. Lần đầu tiên thấy cảnh tượng thú vị này, chúng tôi cầm máy ảnh bấm lia lịa. Chắc ngợp với máy ảnh của người lạ nên khoảng 5 phút, chúng kéo nhau vào trong rừng sâu.

Anh Bồi nói, do có người lạ chứ nếu có một mình anh thì đám voọc chẳng đi đâu. “Có lần tôi thấy đàn voọc cách chỉ 5m, thế mà chúng không bỏ chạy, trái lại còn leo lên cây nhỏ ngay trước mặt để trêu đùa. Thấy tôi cầm điện thoại, chúng còn “làm dáng” để tôi chụp ảnh. Chúng thấy ai thân quen rồi thì thân thiện lắm”, anh Bồi chia sẻ.

Theo anh Bồi, có hơn 10 điểm trên bán đảo Sơn Trà thường gặp voọc. Đó là những điểm mà BQL và TS Ulrike Streicher (người Đức) làm cầu khỉ cho voọc qua bên kia đường để ra… ngắm biển. Trong chuyến đi sáng hôm ấy, chúng tôi nhiều lần thấy voọc CVCN ngay trong lòng thành phố.

Mất nhiều thời gian nghiên cứu voọc

Tại Việt Nam có 3 loài voọc chà vá là chân xám (khu vực cao nguyên), chân đen (miền Nam) và chân nâu (từ Quảng Nam đến Hà Tĩnh), tập trung hầu hết ở bán đảo Sơn Trà.

Theo chị Lê Thị Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), bán đảo Sơn Trà có khoảng 200-300 cá thể voọc CVCN.

Việc tìm hiểu tập tính, thu mẫu để nghiên cứu sâu về ADN của 5 đàn mất rất nhiều thời gian. 6 tháng nhận diện chọn đàn, 6 tháng lẽo đẽo theo chúng. Ban đầu, chúng trốn tránh, về sau khi thân thiện thì chúng mới cho lại gần (cách khoảng 10m).

Sang năm thứ hai, chúng đi đâu, ăn, ngủ như thế nào thì nhóm nghiên cứu đều ở phía dưới thu nhặt từ mẫu thức ăn thừa, mẫu nước tiểu, phân… để nghiên cứu, phân tích, tìm hiểu tập tính.

Theo nghiên cứu, trên giống phả hệ, loài voọc này có 96% giống con người. Cấu trúc đàn từ 5-11 cá thể, voọc đực (bố) đầu đàn, thường ăn nhanh, sau đó leo lên cây cao nhất để canh chừng. Còn voọc mẹ, voọc con (cái) ăn nhởn nhơ.

Loài voọc này 2-3 năm mới sinh một lần, mỗi lần 1 con, nguồn thức ăn của voọc sơ sinh cũng là sữa mẹ. Con đực được voọc bố trang bị… bản lĩnh ngay từ nhỏ, khi lớn lên 2-3 năm thì ra ở riêng, lập đàn mới.

Voọc thường ăn lá cây (nhất là cây chò), ngủ trên cây, vì có bộ lông dày nên không sợ mưa. Khi mặt trời sắp lên, chúng đã dậy tìm thức ăn; đến 11-12 giờ, chúng ngồi nghỉ, sau đó dậy ăn; đến khoảng 17 giờ 30 lại ngủ nghỉ. 1 năm chúng không đi quá trong vòng bán kính 1km. Sở dĩ dễ thấy voọc ở bán đảo Sơn Trà do có đường bao quanh, và sở thích của voọc là đứng ở cây cao nhất, hướng ra phía ánh sáng, thoáng đãng…

Anh TS Minnesota, người cùng nghiên cứu voọc với GreenViet, đã bảo vệ xuất sắc nghiên cứu sinh tiến sĩ với ý tưởng táo bạo: xây dựng ngân hàng ADN về linh trưởng trên toàn cầu để phục vụ khoa học, đối chứng gen, phát hiện, so sánh, tìm hiểu loài…

Với chiến dịch bảo tồn loài voọc quý hiếm này, chị Lê Thị Trang cũng đã nhận giải thưởng quốc tế “Nhà bảo tồn trẻ xuất sắc thế giới 2015” (Future For Nature Award 2015).

Tour ngắm voọc - tại sao không?

Theo GreenViet, voọc CVCN có nguy cơ tiệt chủng rất cao, như sống tách biệt, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề vệ sinh môi trường sẽ ảnh hưởng không nhỏ… Nhưng trái lại, công tác tuyên truyền để bảo vệ loài voọc cực kỳ quý hiếm này rất thuận lợi vì không có chỗ nào dễ quan sát, có điểm nhấn như ở Sơn Trà.

Ông Nguyễn Đức Vũ, Phó BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng rất trăn trở về việc khai thác du lịch như thế nào cho hiệu quả tại bán đảo Sơn Trà, đặc biệt với loài voọc CVCN, nhưng phải bảo đảm vấn đề bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm này. “Chúng tôi cũng đã nghĩ đến việc mở tour ngắm voọc nhưng phải hết sức thận trọng.

Liệu khai thác tour đó có ảnh hưởng đến sinh thái, môi trường sống, tâm tính… của voọc hay không là vấn đề đang bàn. Ở đây, việc khai thác du lịch chưa nói đến vấn đề lợi nhuận, nhưng thông qua đó để tuyên truyền bảo vệ loài voọc quý hiếm này”, ông Vũ nói.

TS Ulrike Streicher (Đức) - chuyên gia động vật học, người đã sống và nghiên cứu linh trưởng ở Việt Nam hơn 15 năm từng nhận định “Loài voọc chà vá chân nâu sống trên núi Sơn Trà là “báu vật” của thế giới nhưng giá trị quý hiếm đó không phải ai cũng biết. Vì vậy, nếu quá vô tình hoặc không quan tâm bảo tồn đúng mức trong quá trình phát triển kinh tế, du lịch thì nguy cơ đánh mất “báu vật” rất cao”.

Bài và ảnh: BÌNH GIANH

.