Tìm hướng đi và điểm đột phá cho du lịch Đà Nẵng

.

Sáng 11-6, UBND thành phố tổ chức “Tọa đàm quy hoạch chiến lược phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng” trên cơ sở tư vấn, định hướng của Công ty tư vấn Roland Berger (Đức).  

Sau hơn một tháng nghiên cứu, Công ty tư vấn Roland Berger đã thể hiện cái nhìn tổng quát đầu tiên về du lịch Đà Nẵng, trong đó đề cập những vấn đề về lữ hành và hướng dẫn viên, nhập cảnh, cơ sở lưu trú, các dịch vụ hỗ trợ du lịch, cơ sở hạ tầng-vận chuyển lưu thông, điểm tham quan…

Qua đó, doanh nghiệp này chỉ ra những hạn chế hiện nay của du lịch Đà Nẵng như: tăng trưởng doanh thu chủ yếu từ số lượng khách, không phải từ mức chi tiêu; các hoạt động phụ trợ kém hấp dẫn hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực; thị trường khách mới tập trung ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản (chiếm đến khoảng 50%); chương trình tour của các hãng lữ hành khá giống nhau, thiếu sự mới mẻ; các khu mua sắm còn rải rác…

Từ thực tế đó, doanh nghiệp này đề xuất thành phố nên mở rộng số lượng khách từ châu Âu, khu vực Đông Nam Á thay vì phụ thuộc vào một số thị trường nói trên; nhanh chóng triển khai xây dựng các khu phố đêm; tập trung nâng cao tính chuyên nghiệp, đa dạng các hoạt động cộng đồng ở các bãi biển Phạm Văn Đồng, Nguyễn Tất Thành; đẩy mạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo kết hợp tham quan, mua sắm theo xu thế toàn cầu…

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh ghi nhận kết quả phân tích chuyên sâu từ đơn vị tư vấn và nhấn mạnh, đây là cơ sở để thành phố tham khảo, đề ra những kế hoạch chi tiết và bước đi tiếp theo cho du lịch Đà Nẵng thời gian tới; trong đó, tập trung làm rõ các giải pháp để giải quyết hiệu quả xung đột giữa phát triển du lịch với những vấn đề xã hội như: giao thông đô thị, hạ tầng cơ sở, đời sống của người dân…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh mong muốn các đơn vị, chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước hiến kế để tìm hướng đi và điểm đột phá cho du lịch Đà Nẵng; tiếp tục xây dựng các sản phẩm, loại hình du lịch, chương trình xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư, xây dựng thương hiệu đào tạo nguồn nhân lực một cách hiệu quả; xác định các dự án mới, quy mô đầu tư vào lĩnh vực du lịch cũng như việc thành phố phải ban hành các chính sách như thế nào cho phù hợp nhằm giải quyết những vấn đề trên.

Hoàng Linh

;
.
.
.
.
.
.