Điểm đến
Đỉnh Bàn Cờ - Đà Nẵng
Đứng ở nơi này ai cũng muốn hét lên thật to, vang thật xa, để rồi tan vào không gian bao la, bất tận. Thế là đỉnh Bàn Cờ đã nằm dưới chân mình và truyền thuyết về nó sẽ được viết tiếp. Và đỉnh Sơn Trà mây phủ sẽ mãi là đích đến cho những tâm hồn thích chu du.
Bán đảo Sơn Trà mang một vẻ đẹp huyền ảo và thơ mộng. |
Từ một truyền thuyết
Bán đảo Sơn Trà là một địa điểm khá nổi tiếng từ xưa đến nay, là một vị trí đắc địa nên từ xa xưa nó đã được nhiều sử sách nhắc đến. Người dân ở đây kể rằng, tiên thường hay giáng xuống để tắm, chơi đùa nên cũng gọi là núi Tiên Sa. Và Sơn Trà không chỉ nổi tiếng với tương truyền về các vị tiên nữ giáng trần mà còn cực kỳ nổi tiếng về truyền thuyết ván cờ của hai vị tiên ông.
Cũng có trong ghi chép của nhà sử học Lê Quý Đôn “chuyện kể rằng: Có hai vị tiên ông ngồi đánh cờ trên đỉnh núi Sơn Trà nhưng trong nhiều ngày vẫn bất phân thắng bại. Rồi một hôm, những tiên nữ bay xuống bãi biển để tắm, trong lúc lơ là nhìn tiên nữ vui đùa, một tiên ông đã bị đối thủ đánh bại. Bực mình, tiên ông đá văng bàn cờ xuống biển, rồi bay về trời.
Bãi biển mà tiên nữ tắm ấy bây giờ trở thành bãi biển đẹp nhất Việt Nam với cái Tiên Sa, còn bàn cờ tiên bây giờ vẫn còn nằm dưới biển để minh chứng một truyền thuyết thực ảo về Sơn Trà. Và theo truyền thuyết này, người dân đã đặt một bức tượng Đế Thích ngồi một mình bên tảng đá có hình bàn cờ, đỉnh Bàn Cờ có tên từ đó. Và hàng năm có hàng ngàn lượt khách đã tới đây, rất nhiều người đã để lại chữ kí cũng như tận hưởng cảm giác ngồi đánh cờ với Đế Thích giữa không gian bao la để tận hưởng cảm giác bồng lai tiên cảnh.
Bán đảo Sơn Trà với nhiều truyền thuyết càng làm cho nơi này thêm kỳ bí và hấp dẫn. Những con đường bê tông nhỏ uốn lượn quanh co dưới những tán cây rừng, lúc lại cheo leo bên men theo bờ biển, có khi lại như nằm trên những tầng mây khi sương kéo về. Đúng cảnh đẹp nơi đây khó nơi nào có được, huyền ảo và u tịch như chốn tiên bồng. Có tận hưởng được cảm giác khám phá Sơn Trà mới hiểu được vì sao khi xưa các tiên nữ cũng chọn nơi đây để giáng trần. Và đường lên đỉnh Bàn Cờ cũng hấp dẫn như những truyền thuyết về nó.
Đường lên đỉnh Bàn Cờ quanh co, uốn lượn |
Vì đường nhỏ quanh co uốn lượn, nhiều đoạn dốc dựng đứng như thách thức những tay lái cừ khôi. Thực vật vẫn còn hoang sơ, cây cối phủ um tùm, càng lên cao thì sương càng dày và lạnh nên muốn đánh được một ván cờ với Đế Thích cũng không hề đơn giản. Nhưng chính những khó khăn đó lại chính là những điều mà bất cứ ai đến sơn trà mong muốn, vì những cảm giác đó là những trải nghiệm vô cùng thú vị và đáng nhớ.
Đánh cờ với Tiên ông
Hòn Sơn Trà mang tên Tiên Sa vì từ ngày xưa truyền lại nơi đây vốn là xứ sở quyến rũ thần tiên sa xuống chơi cờ, thưởng ngoạn, tắm suối và đùa giỡn với sóng biển. Du khách gần xa bây giờ cũng bị cuốn hút bởi bối cảnh “tiên sa” của chốn trần gian ấy.
Có lẽ ai lên đây cũng thấy hồi hộp lẫn thích thú khi lượn xe trên đường núi lắm quanh co, trắc trở, kích thích óc phiêu lưu, cảm thấy đê mê trong làn sương dày đặc phả vào người khi xe leo lên đỉnh; và khi phóng tầm mắt về phía thành phố đã thu nhỏ từ đỉnh lòng thấy khoan khoái tuyệt vời. Nhưng cảm giác đã nhất vẫn là được ngồi đối diện đánh ván cờ với tiên ông để bạn bè ghi lại trong một tấm ảnh làm kỷ niệm…
Nhiều người còn không ngần ngại khắc tên mình trên vách núi mong lưu danh thiên cổ cùng danh thắng. Lên đỉnh Bàn Cờ từ lúc thành phố còn ngái ngủ sau lưng, thế mà xe của chúng tôi không nhanh chân hơn mặt trời mọc. Trên đường lên đỉnh, chúng tôi bắt gặp một bàn tay âm thầm với nghĩa cử đẹp đẽ: mỗi sáng sớm tinh mơ với chiếc xe máy thoăn thắt vượt các ngọn núi, đoạn đèo, thắp nén nhang cho ấm lòng những linh hồn được thờ phụng trong các am, khám nhỏ trên núi.
Đỉnh Bàn Cờ (ảnh: internet) |
Chưa kịp hỏi, nhưng không cần phải hỏi vì tấm lòng ấy chẳng cần ai hỏi han, quan tâm mình. Có lẽ chẳng ai biết đến cái ơn của người đàn ông ấy đã cứ lặng lẽ cầu mong bình an cho bước chân của du khách đến đây. Nhìn từ đỉnh Bàn Cờ, tôi biết rằng “Cảng Con hến” hiện ra có lẽ là đúng với ý nghĩa của nó nhất chứ chẳng cần phải từ ngoài biển khơi xa xôi kia.
“Cảng Con hến” dịch từ Hiện Cảng vốn là danh xưng mà người Trung Hoa gọi vùng đất Đà Nẵng theo hình thể của núi Sơn Trà và vũng nước theo hướng nhìn thấy từ ngoài khơi vào. Thiên nhiên thật khéo tạo hình thể đẹp đẽ ấy cho con người! Chiêm ngưỡng vẻ đẹp toàn thể của thành phố từ đỉnh Bàn Cờ thì chẳng thể dùng đến một lời lẽ nào vì sợ ngôn từ của mình không đủ để diễn đạt. Vậy nên, cứ để cho ai muốn ngắm thì hãy một lần lên đỉnh…
Nhiều du khách cả trong nước, ngoài nước mong lưu niệm phút trầm tư giữa tiên cảnh mà không ngần ngại ngồi đối diện chống cằm, đặt tay lên quân cờ, đứng cạnh tiên ông… Nhưng chính mắt tôi đang đứng nhìn cái bàn cờ ấy: tiên ông ngồi đó ngón tay phải trỏ lên đầu, tay trái cầm bầu rượu, bàn cờ không còn nhiều quân cờ như trước (mỗi bên còn 3 quân: bên xanh còn tướng với cặp pháo; bên đen còn tướng với cặp chốt), các quân cờ xi-măng bây giờ nhỏ hơn, đã được đính cứng vào bàn xi-măng. Thế cờ trên bàn cờ đã được cao nhân đặt thành thế cờ tàn cuộc.
Cảnh thành phố Đà Nẵng nhìn từ đỉnh Bàn Cờ |
Sơ khởi trong ý nghĩ của tôi, nếu đặt bàn cờ này theo đúng truyền thuyết, vị tiên ông ngồi đây không phải là Đế Thích - “vua cờ” thì lời giải thích đã trở nên rõ ràng. Vị tiên ông bay đi trước vì biết bạn cờ lạc nước, còn vị tiên ông ngồi lại đây đang vắt óc suy nghĩ còn nước nào để cứu cuộc cờ trong nụ cười không mấy tươi tắn trước khi đá văng bàn cờ xuống biển rồi ngậm ngùi bay đi…
Nhưng dù sao, qua truyền thuyết về tượng Tiên ông chơi cờ ở đây cũng giúp tôi và nhiều người hiểu rằng để cứu vãn một thế cờ tàn khi cuộc cờ đã định như vị tiên ông kia hay bận tâm về được mất, thắng thua trong cuộc cờ như vị tiên ông ngồi lại không phải là mục đích sống tối thượng trong cuộc đời này. Vậy nên, câu hỏi ai thắng thua về ván cờ khi mới bước lên đỉnh trong tôi đã không cần phải giải đáp nữa… Rốt cuộc, phải rời đỉnh Bàn Cờ truyền thuyết, rời khỏi chốn tiên cảnh để về với phố phường.
Theo Thời trang trẻ