Mua sắm - Giải trí
Ăn vặt ở chợ Cồn
Chỉ vài chiếc ghế nhựa, vài cái mẹt nhỏ để bày biện nhưng cũng đủ để hàng ăn vặt ở chợ Cồn làm nên bức tranh ẩm thực đa màu sắc. Dường như, không gian nhỏ hẹp, đông đúc, ồn ào của chợ đã giúp cái dung dị, mộc mạc của các món ăn vặt thêm đậm đà, lôi cuốn, hấp dẫn.
Phải ăn trong vội vã, hối thúc nhưng hầu hết các thực khách đều kiên nhẫn đứng đợi đến lượt mình thưởng thức. Ảnh: M.T |
Hàng ăn vặt của chợ Cồn chỉ kéo dài khoảng 15m. Trong diện tích khiêm tốn đó, 20 mẹt thức ăn gọn gàng, khéo léo đan vào nhau. Không ai bố trí, không có chủ đích nhưng hàng quà cay mặn, nóng sốt, bốc khói nghi ngút được xếp xen kẽ giữa những hàng chè nước mát ngọt như một sự cân bằng hoàn hảo giữa nóng - lạnh, ngọt - mặn, chua - cay. Để thực khách sau khi toát mồ hôi, xuýt xoa vì món ăn cay mặn sẽ ngay lập tức được xoa dịu bằng ly sâm bổ lượng hay chén chè hạt sen mát lịm.
Hàng chen hàng, mẹt chen mẹt, chật chội và xập xệ nhưng khách vẫn đông đúc tấp nập. Người đang ăn cố gắng ăn thật nhanh hoặc thu người, nép vào nhau để kê thêm một chiếc ghế cho người đến sau. Ăn trong vội vàng, hối thúc, sốt sắng nhưng hầu hết khách hàng đều kiên nhẫn đứng đợi đến lượt mình thưởng thức chứ không mua mang về. Bởi “cũng từng đấy nguyên liệu, cũng cách pha chế đấy nhưng không hiểu sao ăn tại đây thì món ăn lại đậm đà hơn nhiều.
Hình như, cứ phải ngồi trong không gian nhỏ hẹp, đông đúc thì mới cảm nhận hết cái thi vị của món ăn. Càng tạm bợ lại càng ngon”, chị Dương Thị Thúy Phượng, nhân viên ngân hàng BIDV khẳng định. Đây có lẽ cũng là lý do khiến những hàng ăn tươm tất với ghế bàn, bảng hiệu nghiêm chỉnh trong chợ Cồn không thể có được cái rộn ràng, sống động bằng việc ngồi trên những chiếc ghế nhựa thấp tè, chen chúc ở hàng ăn vặt.
Một trong những món ăn lôi cuốn nhiều thực khách nhất, phải kể đến bún mắm. Bên cạnh bún mắm ăn với thịt ba chỉ truyền thống, món bún mắm chợ Cồn còn ăn kèm cùng thịt heo quay thái lát vuông vắn, tai, mui heo, chả và các khoanh nem hồng được điểm xuyết những lát tỏi ớt. Theo người bán, vị ngon của bún mắm không chỉ phụ thuộc vào nguyên liệu tươi, mắm cái chế biến khéo léo, đậm đà, mặn ngọt cay hòa quyện hợp lý mà còn được quyết định rất nhiều bởi cách ăn của người thưởng thức. Đũa bún khi đưa lên miệng phải đầy đủ tất cả các nguyên liệu để đạt tới độ tròn vị. Nếu nhỏ nhẻ ăn từng đũa, tách rời bún, thịt, rau sẽ khiến tô bún trở nên nhạt nhẽo, vô vị.
Người lớn tuổi nhất đang bán tại hàng ăn vặt của chợ Cồn là bà Lê Thị Đã, năm nay 75 tuổi và gắn bó với chợ hơn 50 năm. Thức quà bà bán là duy nhất trong chợ: cháo gạo lứt. Gạo được bà ninh nhừ trong thời gian và liều lượng nước phù hợp để hạt cháo bung nở, dẻo quánh nhưng không nát. Cháo được ăn kèm với cá nục cắt khúc, cá cơm và cá de. Hỗn hợp cá này được bà tẩm ướp kỹ và rim lửa nhỏ với tiêu, ớt, dầu, đường cho đến khi cá ngậm đều gia vị, có màu vàng cánh gián, thịt cá rắn lại nhưng không khô. Ớt được kho khéo chuyển sang màu đỏ trong suốt, lóng lánh có thể nhìn rõ được hạt bên trong. Nước kho cá được bà chắt ra một bát nhỏ đặt bên cạnh để khách hàng tự gia giảm vào bát cháo theo khẩu vị của mình.
Món cháo nóng sốt, ăn cùng cá kho mặn, nước rim cá hơi ngọt và vị cay dìu dịu của ớt khiến hàng cháo của bà luôn luôn đông đúc. Lý giải về việc hàng ăn vặt hút khách, bà Đã cho rằng, các thức quà vặt tại chợ Cồn chủ yếu phục vụ sinh viên và nhân viên công sở. Vì thế yếu tố giá rẻ luôn là ưu tiên hàng đầu. Hàng ngon, đầy đặn, sạch sẽ nhưng đắt đỏ sẽ khiến người ăn quay lưng. “Ngon, bổ, rẻ” là tiêu chí hướng đến của cả người bán lẫn người mua nơi đây.
Có một gánh bánh canh đã gắn bó cùng chợ Cồn hơn 40 năm qua, do bà Ba, tên thật là Trần Thị Kiếm bán. Món bánh canh mang tên Nam Phổ (tên một vùng đất ở Huế, nổi tiếng với những gánh bánh canh bán dạo). Nguyên liệu chính, quyết định vị ngon của nồi bánh canh phụ thuộc vào chả được xay nhuyễn từ thịt cua, tôm và thịt heo. Theo bà Ba, tất cả các nguyên liệu phải tươi, cua chắc thịt để cho vị ngọt thanh tự nhiên cho nước dùng. Bột sử dụng là bột mì pha cùng bột năng theo tỷ lệ phù hợp để tạo độ dẻo quánh cho từng sợi cũng như cả nồi nước nhưn.
Trong quá trình nấu, màu đỏ của thịt cua, hạt điều khiến nồi nước nhưn dần dần chuyển sang màu đỏ sậm. Trong suốt quá trình bán, nồi bánh canh luôn được giữ nóng nhưng không sôi để bảo đảm sợi mì không bở nhão. Bát bánh canh khi múc ra, luôn được rưới một lần nước mắm cốt phủ đầy ớt xanh đỏ. Mùi thơm của bột, chả, nước mắm cốt hòa quyện cùng màu sắc rực rỡ từ cua, tôm và màu xanh mát của hành ngò có khả năng níu bước chân của hầu hết các thực khách muốn thưởng thức món ngon.
Hàng ăn vặt dường như giúp những người xa lạ trở nên thân quen hơn, những lời tấm tắc khen ngon từ gánh chè đậu thuyết phục người ăn ở mẹt phá lấu bên cạnh quyết định thưởng thức thêm ly chè ngọt tráng miệng. Từ hàng chè, khách lại bị quyến rũ sang hàng bánh bột lọc, bánh nậm, trứng vịt lộn, nộm bò khô… Thời gian bán hàng ăn vặt kéo dài từ 16 đến 18 giờ hằng ngày.
Buổi sáng được các bà ngoại, các mẹ, các mạ (như cách người ăn gọi thân mật người bán) dành cho việc đi chợ, chuẩn bị và chế biến các thực phẩm tươi mới để bảo đảm thành phẩm vào buổi chiều sẽ có vị ngon hấp dẫn nhất.
Đà Nẵng có nhiều chợ, chợ nào cũng có hàng ăn vặt. Tuy nhiên, không đâu sự ăn vặt lại trở nên độc đáo khi gắn liền với cái thú thưởng thức và ngắm nhìn nhịp sống rộn ràng như tại chợ Cồn. Không hiểu cái đông đúc, nhộn nhịp của chợ là yếu tố giúp các hàng ăn vặt nơi đây luôn đắt khách, hay chính những thức quà ngon, riêng có, luôn gợi cảm giác thèm ăn khi nhớ đến đã giúp chợ Cồn được mệnh danh là “cái bụng” của thành phố, thu hút người dân đến không chỉ mua sắm mà còn để thưởng thức.
MAI TRANG