Sự kiện - Lễ hội
Lễ hội Quán Thế Âm
Là một trong 15 lễ hội trên toàn quốc được Tổng cục Du lịch Việt Nam đầu tư đưa vào chương trình quảng bá văn hóa du lịch vào năm 2000 với mục tiêu “Việt Nam - Điểm đến thiên niên kỷ mới”, Lễ hội Quán Thế Âm là lễ hội lớn nhất Đà Nẵng hiện nay.
Các tín nữ dâng hoa chúc mừng Lễ hội Quán Thế Âm. Ảnh: L.G.L |
Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1960, nhân lễ khánh thành tượng Bồ tát Quán Thế Âm tại động Hoa Nghiêm (núi Thủy Sơn, phía tây Ngũ Hành Sơn); hai năm sau lại được tổ chức nhân lễ khánh thành chùa Quan Âm ở động Quan Âm, là nơi phát hiện một khối thạch nhũ có hình tượng Phật bà Quán Thế Âm. Sau đó, vì nhiều lý do, lễ hội không được tổ chức trong một thời gian khá dài.
Mãi đến ngày Lễ vía đức Phật bà Quán Thế Âm năm 1991 (nhằm ngày 19-2 năm Tân Mùi), Lễ hội Quán Thế Âm mới được khôi phục trở lại với nhiều hoạt động đậm nét văn hóa dân tộc, trong đó có phần trình diễn múa Tứ linh ngoạn mục của đội Múa Tứ linh đến từ phường Khuê Trung (lúc đó thuộc quận Hải Châu). Trên nền nhạc bát âm, các linh vật Long, Lân, Quy, Phụng lần lượt xuất hiện trên sân khấu với ngọn pháo cần xoay gắn trên đầu, vừa phun lửa vừa phun khói làm tăng thêm vẻ thiêng liêng cho không gian Ngũ Hành Sơn huyền bí. Đặc biệt, diễn viên đóng vai linh vật Long đã thể hiện hết tài năng của mình để minh họa truyền thuyết Ngũ Hành Sơn được sinh ra từ quả trứng Rồng.
Từ đó, hằng năm, qua mỗi lần tổ chức, lễ hội Quán Thế Âm lại có một tầm vóc quy mô hơn. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, phần lễ mang màu sắc nghi lễ truyền thống Phật giáo, phần hội diễn ra sôi nổi với các hoạt động văn hóa - thể thao truyền thống xen lẫn với hiện đại. Nhờ vào vị thế sơn thủy hữu tình trời cho, các nội dung của lễ hội đã được đổi mới hằng năm nhằm thu hút đông đảo khách hành hương, khách du lịch trong và ngoài nước đến với phía Tây thắng tích Ngũ Hành Sơn.
Qua hơn 20 kỳ lễ hội, nhiều loại hình văn hóa - thể thao đã được tổ chức giữa không gian sơn thủy hữu tình ở phía tây núi Ngũ Hành. Nếu các cuộc thi kéo co, đua thuyền, lắc thúng,… sôi nổi, hào hứng thì khu vực triển lãm thư pháp, tranh thủy mặc,… lại đưa khách hành hương quay về với sự tĩnh tâm đầy thiền vị. Đêm xuống, trên các đường phố diễn ra lễ rước đuốc, rước cộ; bên Bến Ngự - nơi được cho là vua Minh Mạng từng ghé thuyền trong những lần ngự du Ngũ Hành Sơn, hàng nghìn hoa đăng được các vị cư sĩ và thiện nam tín nữ thả xuống sông Cổ Cò, gởi lời cầu nguyện cho ánh sáng trí tuệ mãi trường tồn như dòng nước.
Năm 2000 đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của lễ hội Quán Thế Âm khi lễ hội tuy mang màu sắc đạo pháp nhưng lại đi sâu vào tự tình dân tộc này được Tổng cục Du lịch Việt Nam xếp vào một trong 15 lễ hội trên toàn quốc và đầu tư đưa vào chương trình quảng bá văn hóa du lịch với mục tiêu “Việt Nam - Điểm đến thiên niên kỷ mới”. Lễ hội, ngoài địa điểm chính là khuôn viên chùa Quán Thế Âm phía tây, còn mở rộng ra các địa điểm phụ khác là Ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, các tuyến đường Sư Vạn Hạnh, Lê Văn Hiến…
7 năm sau, năm 2007, Hòa thượng Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai từ nước ngoài về dự lễ hội và mở khóa tu tại các chùa trong Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Sự kiện này đã góp phần khẳng định lễ hội thật sự xứng đáng tầm cỡ quốc gia.
Một năm sau, năm 2008, Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc nhằm kỷ niệm ngày Đản sanh, Thành đạo và Niết bàn của Đức Phật đã được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam. Sự kiện được xem là dịp truyền bá thông điệp tình thương, hòa bình, bất bạo động và lòng từ bi của thế giới này cũng là cơ hội để Lễ hội Quán Thế Âm ở Đà Nẵng quảng bá hình ảnh của mình ra toàn thế giới.
Năm nay, 2014, sẽ có đoàn sư sãi, cao tăng của Vương quốc Thái Lan và phật tử tham gia lễ hội và dự Lễ gia trì về ý nghĩa ngọc xá lợi mà chùa Quán Thế Âm được Đức Tăng thống Thượng phụ Vua Sãi Hoàng gia Thái Lan ban tặng. Sau đó, đoàn sẽ tham gia Lễ pháp đàn cầu nguyện theo Phật giáo Nam Tông và thiền tọa, hoa đăng.
Lễ hội Quán Thế Âm là lời cầu nguyện quốc thái dân an, mưa hòa gió thuận; là dịp để mọi người, mọi giới chan hòa trong không khí hội hè, soi mình vào bản sắc văn hóa dân tộc để ngày một sống đẹp hơn. Sở hữu một lễ hội lớn nhất Đà Nẵng, Ngũ Hành Sơn có đủ điều kiện để xây dựng một sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù, có sức cạnh tranh cao đó là du lịch tâm linh, du lịch hành hương.
LÊ GIA LỘC