Đà Nẵng - điểm sáng công nghệ thông tin

.

Để có thể trở thành điểm sáng về công nghệ thông tin (CNTT) trong khu vực, Đà Nẵng cần thu hút đầu tư có trọng điểm, ưu tiên các dự án có hàm lượng cao chuyển giao công nghệ, có khả năng triển khai ở quy mô khu vực và góp phần tăng trưởng bền vững cho thành phố. Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Thành Hưng trong cuộc tọa đàm cấp cao về “Xây dựng thành phố thông minh và xúc tiến đầu tư, phát triển CNTT” do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 27-10.

Để thu hút các dự án công nghệ thông tin có hàm lượng chuyển giao công nghệ cao, cần nguồn nhân lực có trình độ.  	                 Ảnh: KHANG NINH
Để thu hút các dự án công nghệ thông tin có hàm lượng chuyển giao công nghệ cao, cần nguồn nhân lực có trình độ. Ảnh: KHANG NINH

Tham dự tọa đàm có Phó ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố và gần 100 doanh nghiệp CNTT tại Đà Nẵng và cả nước.

Thành phố thông minh gắn với phát triển bền vững

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết: “Từ năm 2000, Đà Nẵng quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, cung cấp dịch vụ công, quản lý và vận hành đô thị. Năm 2014, Đà Nẵng cơ bản hoàn thành và đưa vào vận hành các hạng mục chính của “Hệ thống thông tin chính quyền điện tử”, đồng thời ban hành đề án “Thành phố thông minh” để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đến nay, Đà Nẵng đã có hệ thống quản lý xe buýt công cộng, hệ thống điều khiển đèn giao thông và camera thông minh, hệ thống giám sát nước uống và nước hồ, điều khiển máy bơm nước tự động, cổng góp ý, hệ cơ sở dữ liệu mở Opendata…”.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel Tống Viết Trung cho rằng, việc chuyển đổi từ thành phố truyền thống sang thành phố thông minh là tất yếu, bởi dân số phát triển kéo theo các khó khăn về kinh tế - xã hội, cần có kế hoạch quản lý để bảo đảm phát triển kinh tế bền vững.

Ông Trung nói: “Dựa trên nền tảng chính là viễn thông và CNTT, thành phố thông minh có thể thay đổi phương thức điều hành của chính quyền, sự tham gia của người dân và các doanh nghiệp theo hướng hiệu quả hơn. Chính quyền thành phố cần tập trung 3 hướng tiếp cận chính: xây dựng tầm nhìn dài hạn; bắt đầu với ứng dụng công nghệ từ mức cơ bản nhất, giải quyết vấn đề ảnh hưởng tới đa số người dân; theo dõi quá trình chuyển đổi theo các bộ chỉ số đo lường được.

Để giải quyết khó khăn về nguồn lực, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ DTT Nguyễn Thế Trung cho rằng, cần đẩy mạnh triển khai hình thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, các địa phương nên xây dựng danh mục các dự án PPP trong thành phố thông minh, trong đó nêu rõ hình thức hoàn vốn cho nhà đầu tư và cho đấu thầu rộng rãi.

Ngoài những mô hình đã triển khai như BT, BOT đối ứng bằng đất…, cần nghiên cứu thêm các mô hình bền vững và lan tỏa như ứng dụng Internet vạn vật (IoT) tiết kiệm tiêu thụ điện, nước và trích hiệu quả cho nhà cung cấp, chia sẻ doanh thu từ dịch vụ thông minh bán vé tham quan, khai thác trên hạ tầng có sẵn…

Đại diện lãnh đạo các địa phương chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư công nghệ thông tin tại tọa đàm.
Đại diện lãnh đạo các địa phương chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư công nghệ thông tin tại tọa đàm.

Thu hút đầu tư CNTT có trọng điểm

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng đánh giá Đà Nẵng là thành phố luôn đi đầu về ứng dụng và phát triển CNTT của cả nước. Hiện Công viên phần mềm Đà Nẵng là một trong những khu CNTT hoạt động hiệu quả nhất cả nước, với tỷ lệ sử dụng hơn 99% diện tích, thu hút vốn đầu tư hơn 1.520 tỷ đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đề nghị trong giai đoạn phát triển mới, chính sách thu hút đầu tư của thành phố cần có trọng điểm, ưu tiên tiếp nhận các dự án có nhiều hàm lượng chuyển giao công nghệ, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có khả năng triển khai ở quy mô khu vực và toàn cầu.

Về vấn đề này, ông Ngô Đông Hải cho biết: “Các quốc gia đứng đầu nhóm đầu tư vào Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore đều có thế mạnh về kinh tế số và có chỉ số sáng tạo cao. Song, những năm qua, đa phần các tập đoàn lớn chỉ mang lại lợi ích thương mại, thu ngân sách, việc làm. Vấn đề cốt lõi hiện nay là làm thế nào để huy động thực chất nguồn vốn đầu tư sáng tạo, trong đó có chuyển giao công nghệ”.

Để làm được điều này, theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, Đà Nẵng cần xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực CNTT chất lượng cao, có cơ chế thu hút, tạo môi trường làm việc để có nhiều người tài trong và ngoài nước đến làm việc tại thành phố. Ngoài ra, để đưa Đà Nẵng thành điểm sáng của khu vực trong lĩnh vực CNTT, thành phố cần có hướng đi dài hơi và bền vững phù hợp với chiến lược phát triển chung.

“Công nghiệp điện tử sẽ thu hút nguồn vốn lớn, tạo ra nhiều việc làm, nhưng cũng kéo theo các vấn đề môi trường. Trong khi đó, công nghiệp phần mềm và nội dung số - dù yêu cầu chất lượng nhân lực cao - nhưng đem lại giá trị thặng dư lớn cho xã hội và có thể cung cấp sản phẩm trên phạm vi toàn cầu”, ông Hưng khẳng định.

Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm hoàn thiện hạ tầng các khu CNTT tập trung, phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp CNTT từ nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội hóa; xây dựng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư CNTT; tăng cường triển khai đề án “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp”, khuyến khích phát huy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối với các cơ sở đào tạo phát triển nguồn nhân lực CNTT thành phố.

Tăng cường thu hút đầu tư CNTT từ Nhật Bản

Chiều 27-10, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam (VINASA), CLB Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản tổ chức Ngày CNTT Nhật Bản (Japan ICT Day). Sự kiện nhằm giới thiệu các ưu đãi cho doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào lĩnh vực CNTT tại Đà Nẵng, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp CNTT địa phương và doanh nghiệp CNTT Nhật Bản.

Tính đến tháng 10-2017, trên địa bàn thành phố có hơn 150 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư và hoạt động, trong đó có trên 52 doanh nghiệp CNTT. Tính riêng từ đầu 2017 đến nay, 12 nhà đầu tư Nhật Bản đã được cấp phép đầu tư mới tại Đà Nẵng. Trong tổng số doanh thu xuất khẩu phần mềm của thành phố, thị trường Nhật Bản chiếm đến 47%.

Xác định CNTT là một trong 3 hướng đột phá kinh tế, trong đó Nhật Bản là thị trường trọng điểm, Đà Nẵng dành nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực này.

Ông Tsuginori Furukawa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng (JBAD) nhận định: Đà Nẵng có môi trường đầu tư tốt so với các tỉnh, thành khác tại Việt Nam và trong khu vực. Tuy nhiên, ngành CNTT tại Đà Nẵng đang vướng phải khó khăn khi thiếu nhân sự có kỹ năng phát triển phần mềm và năng lực quản lý. Ông Furukawa đề nghị thành phố có phương án hợp tác cùng doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nhân lực CNTT, làm cơ sở tiếp tục thu hút đầu tư từ Nhật Bản.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.