Khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển

.

Trong suốt 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cụ thể hóa nhiều chủ trương, chính sách về KH&CN để phù hợp với đặc thù của địa phương. Trên chặng đường ấy, ngành KH&CN thành phố đạt được một số kết quả nổi bật, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng.

Dây chuyền công nghệ sản xuất tại Công ty CP Kim Cương Kính.
Dây chuyền công nghệ sản xuất tại Công ty CP Kim Cương Kính.

Xem nghiên cứu khoa học là động lực quan trọng trong phát triển sản xuất, kinh doanh và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, 15 năm qua, Đà Nẵng triển khai nghiên cứu 395 nhiệm vụ KH&CN thuộc nhiều lĩnh vực với tổng kinh phí đầu tư trên 181 tỷ đồng, trong đó, ngân sách sự nghiệp KH&CN thành phố dành cho hoạt động này khoảng 78,5 tỷ đồng.

Các nghiên cứu về y dược đã đưa ra các quy trình phối hợp trong điều trị bệnh hiệu quả và các khuyến cáo đối với cộng đồng; đồng thời, hình thành mạng lưới hỗ trợ cộng đồng như: mạng lưới sàng lọc ung thư cổ tử cung, sàng lọc sơ sinh; nghiên cứu sản xuất thuốc, nuôi trồng dược liệu...

Nghiên cứu, ứng dụng trong nông nghiệp đã góp phần cải tạo nguồn giống địa phương, vừa nâng cao trình độ sản xuất cho người dân, sản xuất theo hướng thâm canh, hình thành các vùng sản xuất như: nấm, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu…

Theo đánh giá của Sở KH&CN, những nghiên cứu của thành phố cơ bản được ứng dụng hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất, đời sống, quản lý. Người dân và nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất ở các ngành nhờ ứng dụng các kết quả nghiên cứu đã dần cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, phát triển sản phẩm mới góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Trong bối cảnh một số chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ (ĐMCN) trên cả nước còn chưa đủ mạnh và thiếu tính thực tế, cuối năm 2016, Đà Nẵng ban hành Quyết định số 36-QĐ/UBND quy định một số chính sách hỗ trợ DN.

Từ khi có chính sách này, 5 DN ở thành phố đã nhận được sự hỗ trợ với kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng để thực hiện các dự án ĐMCN, chuyển giao công nghệ và đăng ký nhãn hiệu, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Để mở rộng hơn nữa đối tượng được hỗ trợ, UBND thành phố phê duyệt dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020” (Dự án 2799).

Theo đó, hàng trăm DN đã được hỗ trợ tập huấn chính sách, chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng để kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm, kiểm soát rủi ro. Đến nay, có 27 DN vừa và nhỏ được hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống quản lý; chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; kiểm toán năng lượng… với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Quỹ Phát triển KH&CN thành phố hỗ trợ 3 DN, nhóm khởi nghiệp nghiên cứu sản phẩm mới với tổng kinh phí 210 triệu đồng.

Ông Hà Quốc Dũng, Giám đốc Công ty CP Kim Cương Kính (quận Liên Chiểu) cho biết: “DN chúng tôi rất quan tâm đến đầu tư ĐMCN và nhờ có sự đồng hành của ngành KH&CN thành phố, DN mạnh dạn đầu tư để đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe hơn của người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình”.

Có thể thấy, DN Đà Nẵng đang ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động ĐMCN. Các ngành chức năng ở Đà Nẵng đang thực hiện hỗ trợ DN tiếp cận các chương trình trọng điểm quốc gia về KH&CN, giúp các DN hoàn thiện các tiêu chí để tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2018.

Phát triển thị trường KH&CN

Thị trường KH&CN tại Đà Nẵng hình thành chưa lâu, nhưng bước đầu đã thiết lập mối quan hệ cung-cầu. Hiện Sở KH&CN đã khảo sát nhu cầu công nghệ của gần 1.000 DN, vận hành phần mềm “Đánh giá trình độ công nghệ” để nắm bắt nhu cầu, định hướng phát triển phù hợp cho DN.

Ngoài ra, Đà Nẵng đã xây dựng và vận hành sàn giao dịch công nghệ và thiết bị (do Trung tâm Thông tin KH&CN thuộc Sở KH&CN quản lý), tổng số DN tham gia trực tiếp trên sàn và liên kết với các sàn khác hiện nay là 7.580 DN.

Bên cạnh đó, nhờ tham gia và tổ chức các sự kiện kết nối cung-cầu quy mô lớn hằng năm, thành phố dần tạo nên một thị trường KH&CN tiềm năng. Điển hình như: Hội chợ-triển lãm “Giống cây trồng, vật nuôi và máy-thiết bị phục vụ nông nghiệp”; chợ “Công nghệ và thiết bị Việt Nam”; sự kiện “Ứng dụng chuyển giao và ĐMCN” quy tụ hơn 120 gian hàng với 1.800 nguồn cung công nghệ, 500 thông tin chuyên gia tư vấn về công nghệ và giới thiệu trên 500 sản phẩm/quy trình/công nghệ/thiết bị nghiên cứu…

Các kết quả đạt được cơ bản của ngành KH&CN thành phố cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố và sự quyết tâm của ngành KH&CN trong việc không ngừng cụ thể hóa các chính sách của Trung ương vào từng lĩnh vực quản lý cụ thể.

Lãnh đạo Sở KH&CN bày tỏ hy vọng sắp đến các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ thành phố trong việc xúc tiến đầu tư và hợp tác KH&CN với các tổ chức KH&CN, các viện nghiên cứu, các trường đại học ngoài nước; tiếp tục hỗ trợ thành phố Đà Nẵng thực hiện các dự án đầu tư phát triển KH&CN từ nguồn đầu tư phát triển của Trung ương; chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực công thông qua các chương trình của Bộ KH&CN.

Bài và ảnh: THANH THẢO

;
.
.
.
.
.
.