Để xây dựng “công dân điện tử”, thời gian qua, xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) triển khai nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với công nghệ thông tin (CNTT), sử dụng các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) một cách tốt hơn. Trong đó, mô hình “Điểm ứng dụng CNTT nông thôn mới kiểu mẫu” phát huy hiệu quả rõ rệt khi nối gần khoảng cách giữa người dân và chính quyền điện tử.
Thành viên tổ tuyên truyền, hỗ trợ thực hiện cải cách hành chính xã Hòa Phước (bên trái) nhiệt tình hỗ trợ người dân. |
Biết sáng thứ năm hằng tuần, “Điểm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nông thôn mới kiểu mẫu” tại Nhà văn hóa thôn sẽ có cán bộ thuộc Tổ tuyên truyền, hỗ trợ thực hiện cải cách hành chính (viết tắt là Tổ CCHC) của xã hướng dẫn làm giấy tờ, anh Nguyễn Thành Việt ở thôn Trà Kiểm thu xếp công việc để liên hệ trích lục giấy khai sinh. Sau khi nhiệt tình tư vấn về thủ tục hành chính (TTHC), chị Phạm Thị Phương Thảo, cán bộ Văn phòng UBND xã Hòa Phước, thành viên của Tổ CCHC- tiếp tục hỗ trợ anh Việt lập tài khoản công dân trực tuyến.
Vẫn còn mới mẻ với điều này, anh Việt bối rối chia sẻ: “Tôi không rành rẽ về CNTT nên ban đầu hơi e ngại việc sử dụng tài khoản công dân trực tuyến. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ xã tận tình giới thiệu và kiên nhẫn hướng dẫn sử dụng, tôi thấy vừa nhanh chóng, vừa tiện lợi. Sau này, khi có nhu cầu làm giấy khai sinh, khai tử..., tôi sẽ thao tác trên máy tính”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Sơn ở thôn Miếu Bông tâm sự: “Trước đây, cha mẹ là người liên hệ giải quyết TTHC nên tôi không biết nhiều về các dịch vụ công. Cách đây hơn 2 tuần, Điểm ứng dụng CNTT được xã đưa về tại thôn, gần nhà nên tôi tò mò, “giành quyền” đi đăng ký khai sinh cho con. Được làm quen với DVCTT, tôi thấy cách làm này hay và rất hài lòng. Tôi sẽ giới thiệu và hỗ trợ người thân mình về tài khoản công dân trực tuyến”.
Chị Phạm Thị Phương Thảo chia sẻ, khả năng sử dụng, cập nhật internet của đa số người dân tại địa bàn này còn thấp nên việc triển khai DVCTT gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để hỗ trợ người dân xây dựng thói quen giao dịch TTHC trực tuyến, thời gian đầu, xã vận động 8 tình nguyện viên CCHC để tập huấn kỹ năng sử dụng phần mềm ứng dụng các TTHC mức 3, 4 cấp huyện, xã. 100% cán bộ, công chức xã biết và có khả năng sử dụng thành thạo quy trình, phần mềm để mỗi cá nhân là một tuyên truyền viên CCHC.
“Hiện tại, Tổ CCHC đã lên đến con số 25 người (trong đó có 10 đoàn viên thanh niên của thôn, 14 người là cán bộ trẻ của UBND xã, 1 đoàn viên thanh niên trường học). Sáng thứ năm hằng tuần, tại mỗi “Điểm ứng dụng CNTT nông thôn mới kiểu mẫu”, có 2 thành viên Tổ CCHC túc trực để hướng dẫn người dân cách giải quyết các TTHC. Ngoài thời gian làm việc tại nhà văn hóa, người dân trong thôn có thắc mắc về TTHC sẽ liên hệ với Tổ CCHC để được hỗ trợ 24/24 giờ”.
Chủ tịch UBND xã Hòa Phước Lê Đình Ca cho biết, mô hình thí điểm “Điểm ứng dụng CNTT tại thôn kiểu mẫu nông thôn mới Trà Kiểm” đi vào hoạt động vào tháng 8-2017 với một số trang thiết bị bước đầu. “Cách làm này tạo được nhiều tiện ích cho tổ chức, công dân trong việc lựa chọn thực hiện dịch vụ công nhằm thực hiện phương châm: giảm phiền hà, bảo đảm nhanh chóng, chính xác. Sau một năm đi vào hoạt động, mô hình đã đem lại hiệu quả nhất định. Đến nay, xã đã hướng dẫn tạo được 163 tài khoản công dân trực tuyến cho cán bộ quân dân chính và công dân tại thôn, đã có 56 hồ sơ hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp được tiếp nhận và giải quyết mức độ 4”, ông Lê Đình Ca hồ hởi.
Từ những kết quả thiết thực mà mô hình đạt được, ngày 21-8, UBND xã tổ chức khai trương “Điểm lồng ghép hỗ trợ DVCTT mức độ 3, 4 đối với Bộ TTHC cấp huyện” kết hợp “Điểm ứng dụng CNTT tại thôn” tại nhà văn hóa thôn Miếu Bông. Bên cạnh đó, xã Hòa Phước cũng triển khai mô hình “2 trong 1” về CCHC, với 2 thành viên phụ trách 1 địa bàn, đẩy mạnh thực hiện DVCTT, hướng dẫn cấp mã số công dân điện tử; qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện DVCTT mức độ 3, 4 ngay từ cơ sở.
Bài và ảnh: KHA MIÊN