Người phụ nữ đầu tiên giành giải Nobel Vật lý sau 55 năm

.

Tiến sĩ Canada Donna Strickland vinh dự trở thành người phụ nữ thứ ba được trao giải Nobel Vật lý trong lịch sử 117 năm của giải thưởng.

 

Donna Strickland, nhà nghiên cứu đến từ Canada, là người phụ nữ thứ ba đoạt giải Nobel Vật lý cùng với Marie Curie (năm 1903) và Maria Goeppert-Mayer (năm 1963), theo BBC. Tiến sĩ Strickland chia sẻ giải thưởng năm nay cùng với hai nhà nghiên cứu Arthur Ashkin (người Mỹ) và Gerard Mourou (người Pháp). Họ được vinh danh nhờ những phát hiện trong lĩnh vực vật lý laser.

Tiến sĩ Ashkin phát triển kỹ thuật laser mang tên nhíp quang học, sử dụng để nghiên cứu hệ thống sinh học. Tiến sĩ Mourou và Strickland tạo ra xung laser ngắn nhất và mạnh nhất trên Trái Đất. Họ phát triển kỹ thuật gọi là Khuếch đại xung laser cực ngắn (CPA), áp dụng trong liệu pháp laser điều trị ung thư và hàng triệu ca phẫu thuật mắt mỗi năm.

Chia sẻ với BBC, tiến sĩ Strickland cho biết bà "cảm thấy bất ngờ khi đã lâu rồi mới có một người phụ nữ được trao giải". Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh bản thân "luôn được đối xử công bằng và hai người đàn ông nhận giải cùng tôi cũng xứng đáng không kém".

Tiến sĩ Donna Strickland. Ảnh: BBC.
Tiến sĩ Donna Strickland. Ảnh: BBC.

Giải thưởng được đưa ra vài ngày sau khi một nhà vật lý học, giáo sư Alessandro Strumia, có bài giảng mang tính xúc phạm ở phòng thí nghiệm vật lý hạt CERN tại Geneva, trong đó ông khẳng định "ngành vật lý do những người đàn ông gây dựng nên". Giáo sư Strumia đã bị đình chỉ công tác ở trung tâm nghiên cứu.

Người phụ nữ trước đó đoạt giải Nobel Vật lý là nhà vật lý học người Mỹ gốc Đức Maria Goeppert-Mayer với những phát hiện về hạt nhân nguyên tử. Nhà vật lý học người Ba Lan Marie Curie chia sẻ giải thưởng cùng với chồng bà, Pierre Curie, và Antoine Henri Becquerel vào năm 1903 nhờ nghiên cứu về hoạt động phóng xạ.

Trước công trình tiên phong của tiến sĩ Strickland và tiến sĩ Mourou, năng lượng đỉnh của xung laser bị hạn chế. Khi đi kèm với cường độ cao, chúng sẽ phá hủy vật liệu dùng để khuếch đại năng lượng. Để khắc phục nhược điểm này, đầu tiên nhóm nghiên cứu kéo giãn xung laser để giảm năng lượng đỉnh của chúng, sau đó khuếch đại và cuối cùng nén chặt chúng. Khi xung laser được nén lại kịp thời và trở nên ngắn hơn, ánh sáng bị dồn lại nhiều hơn vào một không gian nhỏ. Quá trình này làm tăng đáng kể cường độ của xung laser.

Theo VnExpress

;
.
.
.
.
.
.