Nữ tiến sĩ đam mê nghiên cứu khoa học

.

TS. Lê Thị Xuân Thùy, giảng viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đam mê nghiên cứu các vấn đề môi trường với mục đích phục vụ cộng đồng.

TS. Lê Thị Xuân Thùy (thứ 2 từ trái) chụp ảnh lưu niệm tại lễ khen thưởng hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ năm 2018 của thành phố.
TS. Lê Thị Xuân Thùy (thứ 2 từ trái) chụp ảnh lưu niệm tại lễ khen thưởng hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ năm 2018 của thành phố.

Hai công trình khoa học: “Xử lý nước thải nhiễm ion kim loại nặng bằng vật liệu từ tính phủ acid gamapolyglutamid (Gama-PGM)” và “Thiết bị lọc nước ngầm đa tầng” của TS. Lê Thị Xuân Thùy vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ năm 2018. Đây là kết quả của nhiều năm nghiên cứu miệt mài của nhà khoa học nữ (sinh năm 1981).

TS. Thùy cho biết, từ khi chị học chương trình thạc sĩ tại Nhật Bản (năm 2007), vật liệu gama do một thầy giáo người Nhật tạo ra đã hấp dẫn chị. Chị có nhiệm vụ giúp thầy đánh giá hiệu quả của nó bằng việc khử kim loại nặng (thủy ngân). “Sau sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima vào năm 2011, nước thải của Nhật Bản có rất nhiều chất Cesi (Cs) và Stronti (Sr), tôi đã nghiên cứu dùng gama để thu hồi chì và xử lý 2 chất này. Khi về Việt Nam, nhận thấy nước thải ở đây cũng chứa khá nhiều kim loại nặng như: niken, đồng, kẽm, chì, sắt... nên tôi quyết định tiếp tục nghiên cứu sử dụng gama để xử lý.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lại gặp không ít khó khăn bởi thành phần các chất trong nước thải không giống nhau; do đó, phải tìm cách xử lý đưa nước thải về trạng thái tối ưu rồi mới sử dụng vật liệu gama để xử lý kim loại nặng. Gama là một vật liệu mới có giá thành cao. Vì vậy, làm thế nào để tìm ra loại vật liệu có tính năng tương đương nhưng giá rẻ hơn khiến tôi luôn trăn trở”, chị Thùy chia sẻ. Và rồi công trình “Xử lý nước thải nhiễm ion kim loại nặng bằng vật liệu từ tính” của chị đã ra đời từ đó. Đến nay công trình đã được áp dụng tại một nhà máy xi mạ ở Đà Nẵng - một trong những loại hình sản xuất thường thải ra nước có độ kim loại nặng cao nhưng dùng phương pháp này để xử lý, đã cho ra kết quả tốt.

Bên cạnh đó, công trình “Thiết bị lọc nước ngầm đa tầng” của chị cũng mang tính ứng dụng cao. TS. Lê Thị Xuân Thùy bày tỏ, sau khi về Việt Nam, đọc tin tức báo chí, chị thấy người dân vẫn còn dùng nước nhiễm phèn khá nhiều. Gia đình chị ở trung tâm thành phố Đà Nẵng nhưng nước sinh hoạt cũng bị nhiễm phèn. Rõ nhất, sau một thời gian sử dụng, trên các bồn cầu xuất hiện vệt ố vàng (do phèn trong nước xả đọng lại). Chị cho biết, trước nay, đã có nhiều phương pháp xử lý nước phèn (bằng các ống nhựa dài chứa những vật liệu như cát, sạn, bông...).

Tuy nhiên, điểm yếu của các phương pháp này là khi các ống được sử dụng xong sẽ bị vứt đi hoặc đẩy ngược nước lên để rửa lọc nên sẽ không hay. Còn trong thiết bị của chị, các vật liệu như bông, cát, sạn... được phân thành từng ngăn riêng nên khi thay cũng rất dễ, giúp tiết kiệm hơn. Đây chỉ là môt thay đổi nhỏ so với phương pháp truyền thống nhưng mang lại hiệu quả lớn… Công trình của chị không chỉ áp dụng ở các thành phố mà còn cho nhiều khu vực nông thôn của tỉnh Quảng Nam.

Về định hướng trong thời gian tới, chị Thùy mong muốn những công trình nghiên cứu sớm được thương mại hóa để ngày càng có nhiều người có thể sử dụng trong đời sống. Chị cho biết, 2 công trình của chị đều có sự đóng góp của các cộng sự, trong đó có những sinh viên, học viên cao học. Chị luôn xác định đối tượng nghiên cứu trong mỗi giai đoạn khác nhau để có thể phục vụ tốt nhất cho lợi ích của cộng đồng. Ngày 10-11 vừa qua, TS. Lê Thị Xuân Thùy được UBND thành phố Đà Nẵng tặng Bằng khen vì có thành tích trong hoạt động khoa học-công nghệ xuất sắc tiêu biểu năm 2018.

Bài và ảnh: HỒNG ANH

;
;
.
.
.
.
.