Nhiều ích lợi từ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

.

Sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong những vấn đề được Sở Khoa học và Công nghệ đặc biệt quan tâm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu. Dẫu vậy, để mang kiến thức về SHTT đến nhiều đối tượng hơn, nhất là sinh viên thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

Sở hữu nhãn hiệu chứng nhận giúp bà con nông dân Hợp tác xã SXKD- DV Hoa, cây cảnh Vân Dương thuận lợi hơn khi đưa hàng hóa ra thị trường. (Ảnh chụp tại vườn hoa của ông Lê Duy Tâm, thành viên Hợp tác xã Vân Dương)Ảnh: XUÂN SƠN
Sở hữu nhãn hiệu chứng nhận giúp bà con nông dân Hợp tác xã SXKD- DV Hoa, cây cảnh Vân Dương thuận lợi hơn khi đưa hàng hóa ra thị trường. (Ảnh chụp tại vườn hoa của ông Lê Duy Tâm, thành viên Hợp tác xã Vân Dương)Ảnh: XUÂN SƠN

Trong phiên hỏi - đáp của một hội thảo về khởi nghiệp được tổ chức tại Đà Nẵng, một sinh viên đặt câu hỏi: “Tôi có ý tưởng muốn đem đi thi để tìm cơ hội nhận vốn triển khai. Nhưng lỡ trong lúc tôi trình bày, một khán giả nào đó chép lại ý tưởng của tôi, hoặc thậm chí… giám khảo lấy mất ý tưởng đó để làm thì sao…?”.

Câu hỏi khiến mọi người cười ồ, nhưng thực tế đây cũng chính là băn khoăn của một số bạn trẻ mới bước đầu tìm hiểu về khởi nghiệp. Sau khi phân tích rằng, giữa ý tưởng và triển khai ý tưởng thành công là một chặng đường dài và gian nan, diễn giả nói trước hội trường: “Những ai đã biết về quyền SHTT xin hãy giơ tay lên”, rất nhiều cánh tay được đưa lên.

Nhưng khi diễn giả tiếp tục nói: “Những ai biết có thể đăng ký quyền SHTT cho những đối tượng nào và làm thế nào để đăng ký thì hãy tiếp tục giơ tay” thì chỉ còn 4-5 cánh tay “sót lại”. Điều này chứng tỏ đối với nhiều sinh viên, “SHTT” mới chỉ là một từ khoá thường được nghe đến, chứ cụ thể nó là gì, cách hoạt động như thế nào thì vẫn còn khá mù mờ.

Theo thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), SHTT là khái niệm pháp lý chỉ sự bảo hộ của Nhà nước đối với các thành quả lao động sáng tạo, gồm 2 nhánh là sở hữu công nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý) và bản quyền (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý). Khái niệm “sở hữu công nghiệp” bảo hộ quyền sở hữu đối với các thành quả nghiên cứu triển khai có thể áp dụng trong công nghiệp.

Tại Việt Nam, các đối tượng sở hữu công nghiệp có thể là: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, bí quyết kinh doanh… Trong khi đó, bản quyền áp dụng cho các đối tượng như tác phẩm văn học, khoa học, giáo trình…

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Vũ Thị Bích Hậu nhìn nhận, SHTT là một loại tài sản quan trọng, có giá trị nhất đối với mỗi doanh nghiệp. Các công ty lớn trên thế giới như Microsoft, IBM, Coca Cola… có giá trị thương hiệu, tài sản SHTT lên tới hàng chục tỷ USD, mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Theo bà Bích Hậu, những năm gần đây, nhận thức của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố về việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT đã được nâng lên đáng kể. Trong năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ xây dựng hồ sơ xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 5 tổ chức, tập thể trên địa bàn huyện Hòa Vang để đăng ký bảo hộ 2 nhãn hiệu chứng nhận (dẫn chiếu những tiêu chuẩn nhất định mà các sản phẩm dùng nhãn hiệu đó đáp ứng) và 5 nhãn hiệu tập thể (thể hiệu sự liên minh giữa 1 nhóm doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu).

“Việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, tạo lập và khai thác quyền SHTT của doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể, các doanh nghiệp trong quá trình thương mại hóa tài sản trí tuệ”, bà Bích Hậu nói.

Hợp tác xã SXKD-DV Hoa, cây cảnh Vân Dương (huyện Hòa Vang) là một trong những đơn vị được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể trong năm 2018.

Ông Phan Hiền, Giám đốc Hợp tác xã Vân Dương cho biết, để được chứng nhận, bà con nông dân hợp tác xã đã được tham gia các lớp học về kỹ thuật nông nghiệp do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn hỗ trợ. Đến tháng 6-2018, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ Hợp tác xã Vân Dương làm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể.

“Hợp tác xã Vân Dương hiện có nhiều dòng sản phẩm như dưa hấu, hoa, nếp đắng, vú sữa bản địa… Sau khi có nhãn hiệu tập thể, bà con thuận lợi hơn trong việc đưa hàng hóa ra thị trường. Mình tự tin bán hàng, không sợ hàng giả, hàng nhái trà trộn. Khách hàng cũng tự tin mua vì biết đó là sản phẩm “chính hãng” Vân Dương”, ông Hiền nói.

Đối với đối tượng sinh viên, Sở Khoa học và Công nghệ đã có nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm phổ biến kiến thức, pháp luật về SHTT, từ đó khuyến khích và thúc đẩy phong trào sáng kiến trên địa bàn thành phố.

Trong đó, nổi bật là chuỗi các lớp tập huấn hướng dẫn khai thác thông tin sáng chế, giới thiệu chính sách hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế và giải pháp hữu ích trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Các lớp tập huấn này được tổ chức rải rác trong năm 2018 cho gần 700 giảng viên, sinh viên trên toàn địa bàn thành phố.

Trong khuôn khổ chương trình Tọa đàm Liên kết phát triển nguồn nhân lực và đổi mới khoa học công nghệ vào cuối tháng 3 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã ký kết thỏa thuận với các doanh nghiệp và trường đại học nhằm hỗ trợ hướng dẫn bảo vệ quyền SHTT đối với kết quả nghiên cứu và sản phẩm khoa học của sinh viên và doanh nghiệp.

Hiện Đà Nẵng có 5 doanh nghiệp khoa học công nghệ. Mục tiêu đến cuối năm nay, trên địa bàn thành phố có 8-10 doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đến hết năm 2020, con số này phải được nâng lên thành 10-15, trong đó có ít nhất 5 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Để làm được điều này, một trong các giải pháp của Sở Khoa học và Công nghệ là ưu tiên các doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp tiềm năng tham gia chương trình phát triển tài sản trí tuệ; đồng thời tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về SHTT.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.