Nhiều ứng dụng từ công nghệ chiếu xạ

.

Bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực chiếu xạ tiệt trùng thực phẩm, dụng cụ y tế... từ đầu năm 2019, Viện Ứng dụng bức xạ Đà Nẵng (Vinagamma Đà Nẵng) được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ thu hút đầu tư cho thành phố.

Các máy chiếu xạ được điều khiển qua hệ thống máy tính.
Các máy chiếu xạ được điều khiển qua hệ thống máy tính.

Nằm ở thôn Đại La, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Vinagamma Đà Nẵng thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) là cơ sở đầu tiên phục vụ công nghiệp chiếu xạ tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Bắt đầu được xây dựng từ năm 2017, đến nay, Vinagamma Đà Nẵng hoàn thiện giai đoạn 1. Máy chiếu xạ VINAGA1 sử dụng nguồn phóng xạ Cobalt-60 với hoạt độ 200Kci, chuyên dùng để khử trùng các vật phẩm y tế (đĩa, chai, vật dụng thí nghiệm, găng tay phẫu thuật, bơm tiêm, dây truyền dịch, bông, băng, gạc, các sản phẩm mỹ phẩm cần vô trùng...) và thanh trùng hàng thực phẩm (thủy hải sản khô và đông lạnh, các sản phẩm gia vị dạng khô và bột, hàng nông sản, hoa quả).

TS. Phan Việt Cương, Phó Giám đốc phụ trách Vinagamma Đà Nẵng cho biết, kể từ khi đi vào hoạt động, viện đã xử lý chiếu xạ thanh trùng cho hơn 1.000 tấn thực phẩm, trong đó đa phần là hàng thủy hải sản từ Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ngãi…

“Trước đây đa phần các doanh nghiệp phải đưa hàng vào Bình Dương để chiếu xạ trước khi xuất khẩu. Sau đó có nhà máy chiếu xạ Hà Nội thì họ có thêm một lựa chọn nữa, song cả hai lựa chọn này đều tốn kém. Giá một công hàng chuyển vào Bình Dương xấp xỉ 8 triệu đồng, chưa kể thời gian vận chuyển, chờ đợi... Việc Đà Nẵng có một nhà máy chiếu xạ công nghiệp giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí xử lý thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh khi xuất khẩu hàng hóa”, TS. Cương nói.

Vinagamma hiện có công suất xử lý cực đại đạt 60 tấn hàng/ngày. Đối với hàng nông sản, rau củ quả, thủy sản, trung bình công suất 10-20 tấn/ngày tùy liều chiếu và yêu cầu của khách hàng. Đối với dụng cụ y tế, công suất đạt 3-10m3/ngày. Chiếu xạ có thể diệt hầu hết các loại vi sinh vật nguy hại, tăng thời gian bảo quản đối với nông thủy sản, giảm giá thành sản phẩm.

Theo TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ), việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bức xạ đã được triển khai trong lĩnh vực soi chiếu hệ thống công nghiệp, chiếu xạ thủy hải sản và nông sản. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có số lượng các thiết bị chiếu xạ tương đối nhiều trong khu vực Đông Nam Á.

Trên thế giới, công nghệ bức xạ được ứng dụng trong nhiều ngành kinh tế - kỹ thuật và đang được các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp quan tâm đầu tư.  Ở Việt Nam, phát triển ứng dụng bức xạ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội là một nhiệm vụ quan trọng đã được đưa ra trong chiến lược phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, quy hoạch tổng thể và các quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ trong các lĩnh vực như y tế, công nghiệp…

Ông Cương cho biết thêm, hiện Vinagamma Đà Nẵng đang xúc tiến hợp tác với Công ty Dentium (Hàn Quốc, chủ đầu tư dự án Nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT Vina tại Khu Công nghệ cao) để thực hiện công tác tiệt trùng các dụng cụ y tế. Trong thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện chiếu xạ thanh tiệt trùng hàng hóa, Vinagamma Đà Nẵng sẽ bắt đầu triển khai công tác đào tạo, nghiên cứu về công nghệ bức xạ; trong đó, nổi bật là việc dùng phương pháp chiếu xạ để làm sạch nước; nghiên cứu cải biến vật liệu polyme; sản xuất gel hấp thụ nước; chế tạo các vật liệu phân hủy sinh học.

Bài và ảnh: PHONG LAN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.