Tiện ích từ điện mặt trời áp mái

.

Với công suất nhỏ, tiện dụng, điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mà còn góp phần giảm áp lực về đầu tư nguồn điện, giảm ô nhiễm môi trường.

Công trình điện mặt trời áp mái hộ gia đình công suất 3 kWp.
Công trình điện mặt trời áp mái hộ gia đình công suất 3 kWp.

Ngày 13-3-2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai áp dụng trên phạm vi cả nước. Tại Đà Nẵng, nguồn năng lượng điện mặt trời có cường độ bức xạ trung bình là 4,89kWh/m2/ngày và số giờ nắng là 2.124 giờ/năm, có tiềm năng lớn để phát triển ĐMTAM. Hiện nay, việc thí điểm lắp đặt ĐMTAM công suất lớn đã triển khai tại 11 cơ sở trên địa bàn thành phố.

Theo ông Ngô Huy Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (CPC EMEC), ĐMTAM là các nhà máy điện mặt trời sử dụng pin quang điện; các tấm pin này được lắp đặt trên các mái nhà, sẽ hấp thu ánh nắng mặt trời và chuyển thành điện năng. Dòng điện được dẫn tới bộ điều khiển (charge controller) là một thiết bị có chức năng tự động điều hòa dòng điện từ pin mặt trời và dòng điện nạp cho ắc quy. Thông qua bộ đổi điện DC/AC (Inverter) tạo ra dòng điện xoay chiều chuẩn 220V/50Hz để chạy các thiết bị điện trong gia đình như đèn chiếu sáng; quạt… nếu còn thừa sẽ được tích trữ lại dưới dạng ắc quy hoặc phát lên lưới điện quốc gia để giảm lượng điện phải mua.

Trường hợp muốn bán điện thừa lên lưới điện quốc gia thì khách hàng nên lắp hết diện tích mái, và có thể tận dụng những khoảng không khác khi có đủ ánh nắng chiếu vào. Việc bán lại thông qua công-tơ điện đo đếm hai chiều giao và nhận, được theo dõi dữ liệu qua điện thoại thông minh, máy tính. Hệ thống này hoạt động hoàn toàn tự động, không tốn chi phí vận hành. Việc thi công lắp đặt ĐMTAM không ảnh hưởng đến kết cấu mỹ quan công trình và hệ thống.

Như vậy, ĐMTAM tạo ra một nguồn điện độc lập, xanh, sạch, bảo vệ môi trường và giúp làm giảm hóa đơn tiền điện. Đối với doanh nghiệp, tận dụng được diện tích mái nhà xưởng rất lớn, lắp đặt hệ thống ĐMTAM sẽ tạo ra lượng điện lớn. Đối với hộ gia đình, cần xem nhu cầu sử dụng điện mỗi ngày là bao nhiêu để lắp đặt công suất phù hợp, cũng như nhu cầu sử dụng điện khi mất điện là bao nhiêu để tính toán chi phí lắp đặt phù hợp.

Khi điện mặt trời đạt hiệu suất cao nhất (từ khoảng 11-13 giờ), điện sản sinh ra khoảng 4kWp. Công suất này đủ cung cấp đồng thời cho khoảng 10 bóng đèn (200W), 2 máy lạnh (2.000W), 1 tủ lạnh (500W) và ti-vi, bếp từ, quạt gió (tổng 1.300W). Trường hợp khách hàng dùng nhiều thiết bị điện hơn thì hệ thống điện sẽ tự động lấy điện từ lưới điện quốc gia bù vào.

Theo TS Dương Minh Quân, chuyên gia đào tạo dự án phát triển ĐMTAM tại Đà Nẵng cho biết, ban đêm khi không còn ánh sáng mặt trời, hệ thống điện trong nhà sẽ sử dụng lưới điện quốc gia. Nhưng nhờ sử dụng điện mặt trời, lượng điện sử dụng từ hệ thống lưới quốc gia sẽ giảm, giúp tránh lượng điện rơi vào những bậc thang lũy tiến giá cao. Một trong những “rào cản” khiến khách hàng đắn đo chưa sử dụng ĐMTAM là đầu tư ban đầu cao so với các nguồn năng lượng khác, khoảng 1.000USD/kWp.

Bên cạnh đó, hiện trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp và lắp đặt các hệ thống điện mặt trời với các nhãn hiệu, xuất xứ khác nhau dẫn đến tâm lý e ngại, không dám lắp đặt, sử dụng điện mặt trời; chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quy định của cơ quan có thẩm quyền đối với các thiết bị liên quan như tấm pin, khung đỡ, bộ biến tần… để hạn chế các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

Theo ông Phạm Sỹ Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), đối với công trình điện mặt trời lắp trên mái nhà, mái nhà của trang trại có sẵn (công suất nhỏ hơn 1MWp) sẽ nhận được ưu đãi theo quy định là được ngành điện mua với giá cao (9,35 cent/1kWh) khi dự án được phát điện trước ngày 30-6-2019 và giá này được kéo dài đến 20 năm. Đồng thời, ngành điện lực sẽ chịu toàn bộ chi phí đầu tư đồng hồ đo điện hai chiều để đo lường sản lượng khách hàng sử dụng cũng như bán lên lưới điện quốc gia.

ThS. Nguyễn Thanh Ân, Tổng Giám đốc Công ty CP Điện mặt trời ĐNH cho biết, hiện có rất nhiều mô hình hỗ trợ người dân triển khai ĐMTAM. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư khá lớn nên mô hình hiện đại sẽ là các công ty điện lực tài trợ cho thuê mái nhà hoặc hệ thống điện mặt trời… Tất cả các mô hình này đều có thể hỗ trợ thúc đẩy sử dụng ĐMTAM trong thời gian tới.

Phát triển điện mặt trời nói chung, ĐMTAM nói riêng là quá trình lâu dài. Vì vậy, cần quy định rõ phương thức thanh toán việc mua bán sản lượng ĐMTAM thể hiện bằng hợp đồng cụ thể, tạo cơ chế thanh toán hợp lý, phù hợp thực tiễn, nhằm khuyến khích đầu tư ĐMTAM.

Việc lắp đặt thí điểm hệ thống năng lượng mặt trời thuộc dự án phát triển Năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng (DSED) do Liên minh Châu Âu tài trợ và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ (DECC), Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng thực hiện. Mục tiêu dự án nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn năng lượng sạch tại thành phố với tổng số vốn đầu tư là 444.169 EUR, trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại là 393.000 EUR trong thời gian 40 tháng (từ tháng 7-2017 đến 10-2020). 

Bài và ảnh: MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.