Thăng trầm của iTunes, ứng dụng bị ghét nhất của Apple

.

Ra mắt năm 2001, ứng dụng iTunes của Apple đã cách mạng hóa ngành âm nhạc thế giới. Tuy nhiên, đến ngày 4-6-2019, ứng dụng này cuối cùng đã bị Apple “khai tử” sau một thời gian dài bị “thất sủng”.

Khi Apple ra mắt macOS Catalina, phiên bản mới nhất của macOS - hệ điều hành chạy trên máy Mac, các chức năng cơ bản của iTunes sẽ có trong các ứng dụng riêng rẽ là Apple Music, Apple TV và Podcasts. Đó sẽ là ngày iTunes chính thức ngừng hoạt động trên hệ sinh thái phần cứng và phần mềm của Apple sau hai thập kỷ.

Để đồng bộ hóa thiết bị, người dùng giờ sẽ dùng ứng dụng Finder để sao lưu, cập nhật hoặc khôi phục thiết bị.

iTunes – chiến lược Trung tâm Kỹ thuật số

iTunes bị Apple
iTunes bị Apple "khai tử". Ảnh: Apple

Theo tờ The Verge, mặc dù iTunes bị “khai tử” nhưng không mấy ai tiếc thương cho ứng dụng ngày càng lộn xộn này. Chính vì gói quá nhiều chức năng trong ứng dụng nên phần mềm này rất phức tạp với những ai mới dùng.

iTunes chính là giao diện chiến lược Trung tâm Kỹ thuật số của Apple mà Steve Jobs ra mắt năm 2001.

Theo chiến lược, chiếc máy tính Mac là trung tâm trong cuộc sống kỹ thuật số của mọi người, kết nối với máy ảnh kỹ thuật số, máy chơi nhạc và các công cụ cầm tay.

Chiến lược này trở thành triết lý phát triển của iTunes, một phần mềm chứa mọi hoạt động giải trí của người dùng.

iTunes có hỗ trợ cho video vào tháng 5-2005, Podcasts vào tháng 5-2005 và Books vào tháng 1-2010.

Khi iTunes hỗ trợ quản lý máy nghe nhạc iPod, iTunes đã trở thành phần mềm đồng hành của iPhone. Với phiên bản hệ điều hành iOS 5 và các phiên bản về trước, người dùng phải sử dụng iTunes để kích hoạt điện thoại. Người dùng cũng có thể dùng iTunes để cài đặt và quản lý ứng dụng.

iTunes đã không còn được yêu thích. Ảnh: Apple
iTunes đã không còn được yêu thích. Ảnh: Apple

Dần dần, cách tiếp cận này khiến iTunes ban đầu chỉ là một máy hát tự động và là bạn đồng hành của iPod đã trở thành một phần mềm quá tải, liên tục đòi cập nhật gần như mỗi lần người sử dụng mở nó ra.

Trong Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu của Apple (WWDC), lãnh đạo Apple thậm chí cũng thừa nhận là định bổ sung chức năng lịch, trình duyệt web và thư điện tử vào iTunes, nhưng sau đó đã quyết định thay thế hẳn iTunes.

Là phần mềm chơi nhạc, iTunes ra đời trước cả kho nhạc và iPod. Nhưng khi iTunes tích hợp tất cả tính năng thì nó trở thành phần mềm quá nặng.

Với iTunes, người dùng có thể mua một bài hát với giá 99 xu và sắp xếp thành một danh sách nhạc, sau đó đồng bộ vào iPod. Apple biết rằng người dùng có xu hướng trả tiền mua nhạc kỹ thuật số hơn là nghe nhạc lậu nếu quá trình thao tác thuận tiện. Thành công của kho iTunes đã chứng minh điều đó.

Trong những năm đầu, iTunes chủ yếu tập trung xây dựng hộp âm nhạc kỹ thuật số cho iPod. Kho nhạc iTunes Store cũng đầy các bài hát của những nghệ sĩ nổi tiếng nhất.

iTunes ban đầu xuất hiện trên máy Mac tháng 1-2001, trước khi chiếc iPod đầu tiên ra đời tháng 10-2001. iTunes Store ra mắt tháng 4-2003 với danh sách ban đầu chỉ gồm 200.000 bài hát.

Tháng 10-2003, iTunes xuất hiện trên máy tính chạy Windows, cho phép những người không dùng máy tính Mac (vốn chiếm đa số) mua nhạc từ Apple và đồng bộ hóa vào iPod.

iTunes trên Windows khiến iPod “thăng hoa”

iTunes là bạn đồng hành tuyệt vời của iPod. Ảnh: The Verge
iTunes là bạn đồng hành tuyệt vời của iPod. Ảnh: The Verge

Khi iTunes xuất hiện trên hệ điều hành lớn nhất thế giới, chiếc iPod từ chỗ là phụ kiện dành riêng cho máy Mac nay biến thành máy chơi nhạc mà bất kỳ ai dùng máy tính cũng có thể mua dùng.

iTunes xuất hiện trên Windows có nghĩa là chiếc iPod có thể giúp người dùng chứa cả nghìn bài hát trong túi. iPod và iTunes đều rất thành công trong chục năm sau đó.

iTunes trở thành nơi mọi người có thể tải nhạc hợp pháp, khiến người dùng dễ dàng hơn nhiều khi trả tiền mua nhạc thay vì ăn cắp từ các trang chia sẻ nhạc như Napster. Nhờ sự nổi tiếng của hệ sinh thái iPod và iTunes, Apple nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường tải nhạc kỹ thuật số, tạo quyền lực cho Apple thiết lập các điều khoản – điều mà ngành âm nhạc phản đối.

Khi Apple định giá 99 xu một bài hát, nhiều nghệ sĩ và công ty thu âm đã cáo buộc Apple tước đi giá trị của âm nhạc. Tổng doanh thu của ngành âm nhạc giảm xuống 15 tỷ USD năm 2012 khi xu hướng mua nhạc kỹ thuật số đạt đỉnh điểm. Con số đó giảm so với 20 tỷ USD mà ngành âm nhạc thu về khi bán theo cách truyền thống trong năm 2003.

Sự xuất hiện của dịch vụ truyền phát có nghĩa là iTunes không còn có vị thế như cũ. Tính năng chính của iTunes là tổ chức và quản lý bộ sưu tập âm nhạc không còn cần thiết khi mọi thứ người dùng muốn đều được truyền phát từ đám mây và người dùng chỉ cần trả tiền hàng tháng.

iPhone trở thành trung tâm kỹ thuật số thay vì máy Mac. Ảnh: The Verge
iPhone trở thành trung tâm kỹ thuật số thay vì máy Mac. Ảnh: The Verge

Sự thoái trào của iTunes không chỉ là do thế giới âm nhạc biến đổi. Cách tiếp cận ôm đồm của iTunes không còn hợp lý trong nhiều năm qua vì người dùng thích sử dụng phần mềm hoặc phần cứng chuyên môn hóa hơn. Người dùng video có thiết bị giải mã tín hiệu của Apple TV. Ứng dụng Apple TV trên iOS và TV thông minh của Samsung cũng mới được thiết kế lại.

Với những như như podcast và sách, người dùng có thể tải trực tiếp xuống thiết bị di động.

iCloud xuất hiện khiến người ta không cần sao lưu máy tính. Cập nhật iOS giờ cũng có thể được tải trực tiếp.

“Trung tâm Kỹ thuật số” của Apple không biến mất, mà chỉ chuyển dịch thành dạng đám mây.

Khi iPhone thay thế iPod, máy tính ở nhà không còn là trung tâm kỹ thuật số. Chiếc máy Mac chưa biến thành một phụ kiện iPhone nhưng nó không còn là đứa con cưng của Apple nữa.

Ngay cả cái tên iTunes cũng đã không hợp với chức năng của phần mềm này.

Bản thân Apple dường như cũng chán với chữ cái “i” viết thường khi đặt tên cho các sản phẩm sau này. Đồng hồ Apple là Apple Watch, chứ không phải là iWatch. Các sản phẩm khác cũng không có chữ “i” nữa: Apple Pencil, AirPod hay HomePod.

Dù vậy, thành công của iTunes là không thể phủ nhận. iTunes tồn tại lâu hơn rất nhiều so với những phần mềm khác cùng thời, ví dụ như Winamp.

Tuy nhiên, dần dần, triết lý ban đầu của Apple với iTunes là “cửa hàng một điểm đến” đã khiến ứng dụng này nặng nề, ngốn nhiều dung lượng. Trong khi đó, thế giới đã chuyển sang thời đại mới, nơi mà người dùng kết nối mạng mọi lúc mọi nơi, lưu trữ trên đám mây và sử dụng dịch vụ truyền phát media

iTunes vẫn là một ứng dụng di sản với những ai cần. Nhưng với đa số, iTunes giờ chính thức trôi vào dĩ vãng.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.