Doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số

.

Những tác động tiêu cực của Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là không thể phủ nhận. Song, ở một góc độ nào đó, chính Covid-19 lại đang thúc đẩy sự phát triển công nghệ và quy trình làm việc theo hướng chuyển sang mô hình trực tuyến.

Doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số và phát triển công nghệ.  TRONG ẢNH: Các kỹ sư công nghệ thông tin  đang làm việc tại Công ty TNHH FPT Software Đà Nẵng.Ảnh: PHONG LAN
Doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số và phát triển công nghệ. TRONG ẢNH: Các kỹ sư công nghệ thông tin đang làm việc tại Công ty TNHH FPT Software Đà Nẵng.Ảnh: PHONG LAN

Một buổi sáng đầu tuần tháng 4, thay vì đến công ty như thường lệ, anh Bùi Ngọc Vinh, Giám đốc Công ty TNHH STUnited (quận Ngũ Hành Sơn) ngồi vào bàn làm việc tại nhà để chuẩn bị cho cuộc họp với các nhân viên công ty. Thông thường các cuộc họp đầu tuần sẽ diễn ra ở phòng họp lớn, song hôm nay cuộc họp được triển khai theo hình thức trực tuyến, bởi toàn bộ người lao động của công ty đều ở nhà để thực hiện lệnh giãn cách xã hội.

Anh Vinh cho biết, Công ty STUnited vốn thường sử dụng các ứng dụng công nghệ kết hợp với việc gặp mặt, trao đổi trực tiếp để việc giao tiếp nội bộ. Trong thời điểm giãn cách xã hội, công ty chỉ có lựa chọn duy nhất là phải tận dụng triệt để các phần mềm giao tiếp. Anh nói: “Chúng tôi dùng một loạt phần mềm miễn phí sẵn có như Trello, Redmine để quản lý công việc; Slack, Skype, Telegram để giao tiếp; Zoom, Google Hangouts để họp… Tuy nhiên, việc giao tiếp bằng công nghệ rất khác so với giao tiếp trực tiếp khi làm việc ở văn phòng, đòi hỏi các trưởng nhóm phải thực sự năng động và biết cách kích thích các thành viên trao đổi công việc”.

“Đồng cảnh ngộ”, Công ty CP Tư vấn DataHouse Asia (quận Hải Châu) cũng đã triển khai các phương án ứng dụng công nghệ để làm việc tại nhà nhằm giảm các tiếp xúc trực tiếp, phòng ngừa Covid-19 lây lan. Anh Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc đơn vị cho hay, DataHouse Asia sử dụng các phần mềm như Slack để liên lạc, Jira để phân chia công việc… Ngoài ra, công ty còn tổ chức các cuộc gọi nhóm trực tuyến ít nhất một lần mỗi ngày nhằm thông báo ngắn gọn về tình trạng công việc của mỗi người, đồng thời tạo cơ hội để các nhân viên chia sẻ kinh nghiệm và các vấn đề.

Không chỉ tác động đến các doanh nghiệp “văn phòng”, Covid-19 còn trở thành “cú hích” để nhiều doanh nghiệp của tất cả các ngành áp dụng công nghệ trong sản xuất và phân phối. Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ đều đồng loạt chỉ bán hàng mang đi, sản phẩm từ quầy được đem lên mạng một cách triệt để. Anh Đỗ Giang Chung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tradeline Việt Nam (sàn giao dịch thương mại điện tử Tradeline, ở quận Liên Chiểu) cho biết trong quý 1-2020, công ty anh đã ghi nhận hàng ngàn lượt đăng bán sản phẩm trực tuyến của các doanh nghiệp xây dựng, nội thất, máy móc công nghiệp… Trong khi đó, Cashbag - một startup Đà Nẵng chuyên về tiếp thị liên kết trực tuyến (giúp hoàn một phần tiền cho người dùng sau khi mua hàng trên các trang thương mại điện tử) cũng liên tục lọt vào top những ứng dụng được tải nhiều nhất trên Google Store, phần nào chứng tỏ nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dùng trong thời điểm giãn cách xã hội vì Covid-19 là rất lớn.

Trong dòng chảy số hóa, một số đơn vị đã tập trung vào việc cung cấp công cụ chuyển đổi số cho các cơ quan, doanh nghiệp khác. Giữa tháng 4, Trung tâm Phát triển Phần mềm Đại học Đà Nẵng (SDC) đã triển khai thành công và đưa vào sử dụng giải pháp Hội nghị truyền hình và đào tạo trực tuyến miễn phí cho các cơ sở giáo dục trong Covid-19 với tên gọi Click & Meet, dựa trên các giải pháp công nghệ nguồn mở tiên tiến hiện nay trên thế giới. TS Trịnh Công Duy, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết với mong muốn giúp các trường học, cơ quan Việt Nam sử dụng một phần mềm “made-in-Việt Nam” dễ sự dụng và có tính bảo mật cao, Click&Meet đã ra đời với khả năng tạo hội nghị hoặc lớp học trực tuyến lên đến 200 người đồng thời hoàn toàn miễn phí, không yêu cầu người sử dụng phảỉ có kiến thức về phần mềm hay kỹ năng về công nghệ. TS Duy nói: “Máy chủ của phần mềm này được đặt ở trung tâm dữ liệu đối tác của SDC tại Việt Nam, cực kỳ an toàn tính nhờ tính năng mã hóa cuộc gọi với DTLS/SRTP”.

Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Công ty TNHH FPT Software Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, FPT xác định chuyển đổi số tiếp tục là con đường chiến lược để phát triển trong tương lai. Trong giai đoạn này, công ty sẽ tập trung nâng cao năng lực tư vấn thông qua việc tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện phương pháp luận chuyển đổi số FPT Digital Kaizen; đầu tư mở rộng hệ sinh thái nền tảng, giải pháp chuyển đổi số toàn diện và tập trung phát triển các giải pháp dựa trên công nghệ mới; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ chuyên sâu và nâng cao năng lực quản trị thông qua các dự án chuyển đổi số nội bộ.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số là công cụ hiệu quả nhất trong lúc Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Nó sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản suất, tăng hiệu quả công việc và đặc biệt là ngăn chặn dịch bệnh phát tán do tiếp xúc trực tiếp. Giữa tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Theo đó, việc thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển nền kinh tế số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu được xem là một trong các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong 5 năm tới.

PHONG LAN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.