NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Không chỉ dừng ở sản phẩm

.

Hiện nay, nhiều công trình khoa học của các nhà nghiên cứu tại Đà Nẵng đã được triển khai hiệu quả vào thực tế, mang lại lợi ích thiết thực trong đời sống, thúc đẩy tinh thần nghiên cứu trong thế hệ trẻ.

Nghiên cứu khoa học giúp sinh viên có thêm kiến thức và trải nghiệm thực tế. TRONG ẢNH: Ngô Hồng Thịnh, sinh viên khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa và mô hình bộ chuyển đổi năng lượng một chiều DC/DC. 		Ảnh: KHANG NINH
Nghiên cứu khoa học giúp sinh viên có thêm kiến thức và trải nghiệm thực tế. TRONG ẢNH: Ngô Hồng Thịnh, sinh viên khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa và mô hình bộ chuyển đổi năng lượng một chiều DC/DC. Ảnh: KHANG NINH

Tranh thủ giữa những giờ lên lớp, TS Dương Minh Quân (giảng viên khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng) giới thiệu cho chúng tôi bộ chuyển đổi năng lượng một chiều công suất 20W mà nhóm nghiên cứu đã thực hiện chỉ trong vỏn vẹn 1 năm.

Bộ chuyển đổi này có kích thước bề mặt chỉ xấp xỉ một chiếc điện thoại di động, song có thể giúp nâng hiệu suất làm việc của các tấm pin năng lượng mặt trời lên đến hơn 90% nhờ phương pháp điều khiển bắt công suất cực đại - MPPT.  TS.

Quân cho biết, đề tài nghiên cứu được triển khai từ đầu năm 2019 trong bối cảnh Đà Nẵng đang nỗ lực xây dựng thành phố thông minh và thành phố môi trường, lấy trọng tâm là công nghệ cao và năng lượng sạch. Nhiều năm nghiên cứu về năng lượng tái tạo, anh nhận thấy hầu hết các dự án năng lượng mặt trời tại thành phố chỉ mới ở quy mô nhỏ, hiệu suất làm việc bị hạn chế khi chịu các yếu tố ngẫu nhiên của thời tiết… Bên cạnh đó, hiệu suất chuyển đổi của đa phần các tấm pin mặt trời đã thương mại hóa hiện nay chỉ khoảng 17%.

Sau khoảng 1 năm, nhóm đã nghiên cứu và chế tạo thành công bộ chuyển đổi 20W và 1.650W “made in Việt Nam” có hiệu suất cao, giá thành thấp. Bộ chuyển đổi 20W có hiệu suất trên 90% và giá sản xuất chỉ hơn 200.000 đồng, chuyên dùng vận hành các loại đèn cảm biến báo hiệu mực nước, đèn tín hiệu giao thông, đèn cho các bảng thông báo ở trạm xe bus...

Còn bộ chuyển đổi 1.650W có hiệu suất trên 95%, giá sản xuất chỉ từ 1,5 đến 1,7 triệu đồng. Các sản phẩm này đã được chế tạo và hoàn thiện tại phòng thí nghiệm cũng như trong môi trường công nghiệp ở Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung, được 2 đơn vị độc lập chứng nhận về các thông số kỹ thuật.

Đầu năm nay, đề tài “Chế tạo bộ chuyển đổi năng lượng một chiều DC/DC nhằm nâng cao hiệu suất hệ thống pin quang điện” đã được Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng nghiệm thu với kết quả “Xuất sắc”. Hiện sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, được Công ty CP Tư vấn và Phát triển kỹ thuật tài nguyên nước đặt hàng, lắp đặt sản phẩm trong điều kiện thực tế tại các trạm quan trắc đo mưa tự động cảnh báo lũ lụt. Theo đánh giá ban đầu, bộ chuyển đổi hoạt động ổn định và có hiệu suất cao hơn các sản phẩm tương tự của nước ngoài mà công ty đã sử dụng.

Hiện nay, tại các trường thuộc Đại học Đà Nẵng nói chung và Trường Đại học Bách khoa nói riêng đang xuất hiện xu hướng doanh nghiệp “đặt hàng” nghiên cứu cho nhà trường, sau đó nhà trường thành lập các nhóm nghiên cứu để thực hiện.

Ngô Hồng Thịnh, sinh viên năm 3 khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa là một trong những sinh viên được chọn tham gia vào nhóm nghiên cứu dự án bộ chuyển đổi năng lượng một chiều với nhiệm vụ thực hiện hệ thống mạch.

Thịnh chia sẻ: “Với sự hướng dẫn của các thầy, tôi tự học từ những nguồn tài liệu trên mạng internet. Càng tìm hiểu tôi càng thấy say mê, lại muốn học thêm nhiều điều nữa”. Không chỉ học lý thuyết “chay”, Thịnh còn được giao việc tìm nguồn nguyên liệu lắp ráp bộ chuyển đổi. Nhờ “lăn lộn” trong nhóm nghiên cứu, cậu sinh viên năm 3 đã có những trải nghiệm thực tế về việc lựa chọn nhà cung cấp, cách tiến hành giao dịch...

PGS. TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, việc nghiên cứu, ứng dụng bổ sung rất nhiều cho các kiến thức mà sinh viên thu nhận từ trường lớp. “Ví dụ, để làm được một nghiên cứu, các em phải đi khảo sát, xây dựng quy trình thực hiện, đến các doanh nghiệp để tìm tài liệu hay phỏng vấn...

Nhờ vậy, các em được cọ xát thực tế, tiếp xúc với các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư... Bên cạnh đó, thông qua việc nghiên cứu, sinh viên cũng xây dựng được cho mình tư duy khoa học, đặc biệt là khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề”, PGS.TS Thọ nói.

TS Tào Quang Bảng, Phó phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Trường Đại học Bách khoa) cho biết, sinh viên nhà trường được định hướng tập trung nghiên cứu vào các thiết bị, sản phẩm phục vụ hoạt động khởi nghiệp, phục vụ sản xuất, sinh hoạt, các hướng nghiên cứu về công nghiệp 4.0, thành phố thông minh... như: Robot gắp thức ăn sử dụng tay gắp mềm; hệ thống phân loại sản phẩm trên băng chuyền sử dụng robot delta kết hợp xử lý ảnh; phương tiện thủy bộ thu gom rác thải; hệ thống điểm danh tự động dùng nhận dạng khuôn mặt; thiết bị sản xuất tinh dầu; vật liệu nano composite; nhà ở theo hướng kiến trúc bền vững cho vùng lũ lụt nghiên cứu khoa học... Một số sản phẩm của sinh viên được đánh giá cao vì tính sáng tạo, tính ứng dụng, thân thiện môi trường và được đặt hàng bởi các doanh nghiệp.

Còn theo TS Dương Minh Quân, để có thể tiếp tục thúc đẩy tinh thần nghiên cứu khoa học trong nhà trường, cần phải có sự định hướng rõ ràng trong chương trình đào tạo: theo hướng nghiên cứu hay ứng dụng. Ngoài ra, phải có cơ sở vật chất cơ bản dùng cho nghiên cứu, chứ không chỉ cho việc thực hành ứng dụng. Bên cạnh đó, kinh phí nghiên cứu cũng là một vấn đề quan trọng. Khi có nguồn kinh phí, nhóm nghiên cứu có thể mua các thiết bị phục vụ công việc; đồng thời tạo động lực cho các sinh viên, giúp họ hiểu rằng các nghiên cứu có thể được triển khai vào thực tế chứ không chỉ “nằm trên giấy”.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.