Công nghiệp phần mềm 'made in Đà Nẵng' vươn xa

Bài cuối: Chìa khóa chiến lược phát triển kinh tế

.

Để phát triển công nghiệp phần mềm, UBND thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phần mềm, mở rộng mặt bằng làm việc, tăng cường quảng bá các sản phẩm phần mềm địa phương đến thị trường trong và ngoài nước; đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm về công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn thành phố.

Phần lớn nhân sự ngành công nghệ thông tin làm trong lĩnh vực phần mềm tại Đà Nẵng có chuyên môn, được đào tạo bài bản tại các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước. (Ảnh chụp tại Công ty TNHH Phần mềm FPT, chi nhánh Đà Nẵng). Ảnh: TRIỆU TÙNG
Phần lớn nhân sự ngành công nghệ thông tin làm trong lĩnh vực phần mềm tại Đà Nẵng có chuyên môn, được đào tạo bài bản tại các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước. (Ảnh chụp tại Công ty TNHH Phần mềm FPT, chi nhánh Đà Nẵng). Ảnh: TRIỆU TÙNG

Đón nhận nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao

Động lực cho sự thay đổi tích cực của ngành phần mềm Đà Nẵng là việc nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực. Theo thống kê của Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT), trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 36.500 lao động trong ngành công nghiệp CNTT, trong đó có gần 11.000 lao động trong lĩnh vực phần mềm với thu nhập bình quân khoảng 23,5 triệu đồng/tháng (cao nhất trong các lĩnh vực ngành công nghiệp CNTT). Phần lớn nhân sự CNTT làm trong lĩnh vực phần mềm tại Đà Nẵng có chuyên môn, được đào tạo bài bản tại các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước.

Những năm qua, nhiều doanh nghiệp CNTT tại Đà Nẵng liên kết với đối tác nước ngoài để đưa nhân sự sang làm việc, học tập. Công ty CP Tư vấn DataHouse Asia (quận Thanh Khê) là doanh nghiệp chuyên thiết kế và phát triển phần mềm cho các thị trường Mỹ, Úc, châu Âu… Năm 2019, công ty cử kỹ sư lập trình Phạm Viết Kỳ, người chuyên thiết kế trải nghiệm người dùng, sang Mỹ để làm việc cho doanh nghiệp đối tác trong lĩnh vực ngân hàng.

Anh Kỳ cho biết: “Công việc của tôi tại Công ty DataHouse Asia trước đây chỉ chuyên về thiết kế trải nghiệm người dùng, thường làm việc độc lập. Tại Mỹ, tôi tham gia dự án hiện đại hóa hệ thống ngân hàng với vai trò điều phối viên, buộc phải làm việc với nhiều đối tượng khác nhau, phải đặt mình vào nhiều vị trí khác nhau. Nhờ vậy, tôi rèn luyện kỹ năng giao tiếp, học được cách quản lý, điều hòa các vai trò trong dự án”. Sau khi trở về làm việc tại Công ty DataHouse Asia, anh Kỳ trở thành người quản lý dự án đấu trường tri thức XAGOe – nền tảng trò chơi thách đấu học tập theo thời gian thực đầu tiên tại Việt Nam.

Giám đốc Sở TT-TT thành phố Nguyễn Quang Thanh cho biết, hiện Đà Nẵng đang đón nhận nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao từ trong và ngoài nước. Ông Thanh nói: “Khoảng những năm 1997, 1998, Đà Nẵng đã đào tạo được nhiều kỹ sư phần mềm giỏi, song vào thời điểm đó, ở thành phố gần như chưa có “đất dụng võ” nên nhiều người đã đi Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… để phát triển sự nghiệp. Đến nay, một số người đã rất thành công, có vị trí cao trong các tập đoàn lớn. Nay họ muốn trở về Đà Nẵng để tiếp tục công việc bởi thành phố có môi trường sống tốt, nhiều chính sách phát triển CNTT, nguồn nhân lực chất lượng…”.

Năm 2019 và nửa đầu năm 2020, Đà Nẵng chứng kiến sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp phần mềm lớn trong và ngoài nước đến đặt trụ sở. Đầu tháng 6, Công ty Ubisoft Việt Nam thuộc tập đoàn lập trình game Ubisoft (Pháp) khai trương văn phòng tại quận Hải Châu. Ubisoft hiện là 1 trong 4 thương hiệu hàng đầu trên thế giới về lập trình phần mềm và trò chơi điện tử. Ông Aurelien Palasse, Quản lý Ubisoft Đà Nẵng nhận định, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng phát triển công nghệ và văn hóa, đồng thời là 1 trong những thành phố đáng sống nhất châu Á.

Thời điểm thành lập, Ubisoft Đà Nẵng có 32 nhân sự, mục tiêu đến cuối năm 2020 sẽ có khoảng 100 nhân viên và ra mắt sản phẩm đầu tiên vào đầu năm 2021. “Nhân sự tại Ubisoft hiện nay đến từ 8 quốc gia, trong đó phần lớn là người Việt Nam. Chúng tôi đang tuyển những kỹ sư giỏi (lập trình viên, nhà thiết kế, kiến trúc sư máy chủ…) từ Việt Nam, Đông Nam Á và các nơi khác trên thế giới.

Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một môi trường năng động, giúp các nhân sự phát triển về chuyên môn cũng như kỹ năng cá nhân. Chúng tôi muốn Ubisoft Đà Nẵng trở thành nơi các lập trình viên trẻ có được bước đệm khởi đầu tốt nhất, từ đó tiến lên trên con đường sự nghiệp”, ông Palasse cho biết.

Ông Lê Trí Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư vấn giải pháp công nghệ thông tin Toàn Cầu Xanh (quận Hải Châu) cho rằng, ngoài bài toán về nhân sự, Đà Nẵng còn một điểm nữa cần phát triển, đó là xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp CNTT vững mạnh với các dịch vụ đi kèm như hosting, server, thiết bị phần cứng… giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo. Ông Hải nói: “Trong bối cảnh doanh nghiệp CNTT nước ngoài tại Đà Nẵng ngày càng nhiều, chúng ta nên tạo ra môi trường, điều kiện để đẩy mạnh sự phát triển doanh nghiệp nội, tạo ra những mạng lưới hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau, góp phần tạo ra môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn, một động lực thúc đẩy ngành CNTT của thành phố bứt phá trong năm tới”.

Trong khi đó, ông Phạm Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tâm Hợp Nhất (quận Hải Châu) đề nghị, thành phố nên đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào ngành công nghiệp phần mềm, bởi dư địa phát triển của ngành vẫn còn lớn. “Thành phố không nên ngần ngại trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng làm công viên phần mềm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Khi các doanh nghiệp này được hoạt động ở một không gian như vậy, họ sẽ có uy tín với khách hàng hơn rất nhiều. Hơn nữa, đây cũng là nơi các doanh nghiệp có thể giao lưu, học hỏi, hợp tác với nhau”, ông Tiến đề xuất.

Phát triển Đà Nẵng thành “Thung lũng Silicon mở rộng”

Theo thông tin từ Sở TT-TT, thành phố đã phê duyệt đề án mở rộng Khu CNTT tập trung Công viên Phần mềm Đà Nẵng có diện tích 32.895m2 tại Khu dân cư phía nam cầu Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ). Trong năm 2020, thành phố sẽ hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư và triển khai xây dựng. Đây là một trong những dự án trọng điểm thu hút đầu tư giai đoạn 2020-2025. Dự kiến đến hết năm 2020, sẽ hoàn thành đầu tư công về hạ tầng cơ bản. Từ năm 2021-2025, sẽ kêu gọi các doanh nghiệp CNTT, viễn thông đầu tư theo hình thức xây dựng các phân khu sản xuất phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT. Bên cạnh đó, trong năm 2020, thành phố khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT lớn như FPT, Viettel, VNPT... đầu tư xây dựng, mở rộng các khu công viên phần mềm của doanh nghiệp.

Đầu tháng 7-2020, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã ký Quyết định 2487/QĐ-UBND phê duyệt danh mục quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất năm 2020 trên địa bàn thành phố. Trong đó, khu đất gần 24.500m2 sẽ đấu giá làm Công viên Phần mềm số 2 (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) với mục tiêu đầu tư xây dựng nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực CNTT.

Trước đó, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Ai20X Silicon Valley, Hoa Kỳ về hợp tác trong việc xây dựng, phát triển Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và Khu Công nghệ thông tin tập trung (DITP) trở thành nơi tốt nhất để ươm tạo, thích ứng, đổi mới công nghệ và cũng là cửa ngõ chuyển giao công nghệ, tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển đội ngũ chuyên gia, phát triển Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng trở thành “Thung lũng Silicon mở rộng”.

Đầu năm 2020, Nghị quyết số 270/2019/NQ-HĐND ngày 12-12-2019 của HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ phát triển CNTT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, hỗ trợ 50% chi phí thuê mặt bằng; 50% chi phí đào tạo; 50% chi phí xây dựng, áp dụng và lấy chứng nhận quy trình sản xuất phần mềm... Về xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, thành phố hỗ trợ chi phí đăng ký lần đầu bảo hộ bản quyền phần mềm trong nước; hỗ trợ chi phí quảng bá sản phẩm phần mềm, nội dung số trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng.

Với nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước, sự thu hút các doanh nghiệp CNTT và phần mềm trên thế giới cùng chiến lược phát triển CNTT, triển khai các dự án trọng điểm, động lực nêu trên, ngành CNTT, công nghiệp phần mềm của Đà Nẵng đang đứng trước nhiều cơ hội bứt phá, phát triển để trở thành một trong những ngành công nghiệp chủ lực, chìa khóa phát triển kinh tế theo hướng bền vững của thành phố.

Từ đầu năm đến nay, dù Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, Đà Nẵng vẫn đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực CNTT. Giữa tháng 6, đoàn công tác Đà Nẵng do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh dẫn đầu đã làm việc với Tập đoàn Công nghệ CMC, Tập đoàn VNG để đặt vấn đề hợp tác phát triển CNTT, phần mềm và nội dung số tại Đà Nẵng. Đầu tháng 7, Sở TT-TT đã có công văn đề nghị các doanh nghiệp CNTT trên địa bàn cung cấp thông tin để giới thiệu, quảng bá doanh nghiệp, sản phẩm trong Chương trình ưu tiên phát triển CNTT, điện tử, viễn thông của thành phố. Những chuyển biến tích cực trong ngành công nghiệp phần mềm sẽ là mũi đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.