Nâng cao hiểu biết về năng lượng mặt trời

.

Dự án “Phát triển năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng” (DSED) được Liên minh châu Âu phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai tại Đà Nẵng trong giai đoạn năm 2017 - 2020. Trong đó, bản đồ tiềm năng năng lượng mặt trời tại thành phố Đà Nẵng và ứng dụng di động Solar Vietnam đã giúp nâng cao nhận thức của người dân về năng lượng mặt trời, là nguồn thông tin đáng tin cậy để người dân tham khảo trước khi quyết định đầu tư lắp đặt các hệ thống điện mặt trời áp mái.

Hệ thống điện mặt trời áp mái nhà được lắp đặt tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. Ảnh: PHONG LAN
Hệ thống điện mặt trời áp mái nhà được lắp đặt tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. Ảnh: PHONG LAN

Hộ gia đình bà Mai Thị Ba (trú đường Lê Văn Hiến, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái từ năm 2019. Bà cho biết, tổng sản lượng điện từ hệ thống tạo ra mỗi năm đạt hơn 3.700kWh, tiết kiệm đến 8,5 triệu đồng tiền điện hằng năm. Trong quá trình sử dụng, bà tìm hiểu thêm thông tin từ ứng dụng Solar Vietnam và bản đồ tiềm năng năng lượng mặt trời Đà Nẵng, giới thiệu đến gia đình một số người thân, bè bạn. Theo bà Ba, việc lắp đặt điện mặt trời áp mái vừa giúp tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, vừa là một khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cho gia đình.

Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), tổng diện tích tiềm năng lắp đặt điện mặt trời áp mái tại Đà Nẵng là gần 1.300km2, điện năng tạo ra hằng năm có thể đạt hơn 3 triệu MWh. Tuy nhiên, thực tế lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà tại thành phố hiện còn rất khiêm tốn. Đến tháng 9, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái ở khoảng 20MW, tức chỉ mới hơn 1% tiềm năng kỹ thuật.

Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) Huỳnh Sang cho biết, một trong những nguyên nhân chính của hiện trạng này là chủ doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình chưa tiếp cận thông tin và công cụ đáng tin cậy về năng lượng mặt trời để đưa ra quyết định đầu tư. Do vậy, Solar Vietnam ra đời với mục tiêu trở thành công cụ đắc lực và dễ sử dụng, cung cấp thông tin về điện mặt trời áp mái theo cách trực quan, dễ hiểu nhất cho người dùng.

Ứng dụng Solar Vietnam được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu số liệu thực tế từ các nhà cung cấp dịch vụ, hệ thống các cơ sở dữ liệu bức xạ tại Việt Nam và Đà Nẵng cùng hệ thống chính sách, quy định của ngành điện. Ông Lê Thanh Tuấn, Trưởng nhóm tư vấn dự án DSED cho biết, Solar Vietnam cung cấp cho người dùng các thông tin về hệ thống điện mặt trời, các công cụ tính toán, nguyên lý hoạt động, thành phần cơ bản của hệ thống, biểu đồ bức xạ… Ứng dụng này có khả năng phân tích dữ liệu người dùng cung cấp như diện tích mái nhà, mục đích đầu tư, vị trí địa lý, hướng nhà… để tính toán hiệu quả kinh tế mà hệ thống điện mặt trời có thể mang lại, giúp người dùng tham khảo trước khi thực hiện đầu tư.

Đặc biệt, Solar Vietnam còn giúp người dùng có cái nhìn tổng quan về nguyên lý làm việc, các thành phần cơ bản của hệ thống điện mặt trời, trình tự, thủ tục đầu tư, quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật khi đấu nối và lợi ích mà hệ thống điện mặt trời áp mái đem lại. Theo ông Tuấn, ứng dụng hiện đã được phát hành trên 2 hệ điều hành di động là iOS và Android, đến nay đã có hơn 110 lượt cài đặt.

Một ứng dụng công nghệ thông tin khác trong khuôn khổ dự án DSED là bản đồ tiềm năng năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng tại địa chỉ trang web http://nlmtdanang.com.vn. Bản đồ thể hiện các tiềm năng lý thuyết, kinh tế và kỹ thuật của năng lượng mặt trời trên bản đồ địa lý thực tế của Đà Nẵng, đáp ứng yêu cầu thông tin cho các cơ quan quản lý khi xây dựng chính sách, quy hoạch, lập kế hoạch phát triển năng lượng mặt trời; yêu cầu thông tin cho nhà đầu tư và người dân khi quyết định đầu tư điện mặt trời tại Đà Nẵng; yêu cầu thông tin cho các bên liên quan (nhà tài trợ, các chuyên gia tư vấn…).

Bản đồ được xây dựng với chức năng hiển thị thông tin tương tác dạng bản đồ và bảng dữ liệu, có thể truy vấn thông tin và tài liệu về năng lượng, nhập và cập nhật thông tin về cơ sở điện mặt trời, hỗ trợ tính toán sơ bộ về tiềm năng năng lượng mặt trời. Đặc biệt, công nghệ mã nguồn mở cho phép cập nhật dữ liệu và có khả năng mở rộng bản đồ.

Dự án Phát triển năng lượng mặt trời tại thành phố Đà Nẵng (DSED) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, được thực hiện từ tháng 7-2017 đến tháng 10-2020 với tổng vốn 444.169 EUR (khoảng hơn 12 tỷ đồng), nhằm góp phần tăng khả năng tiếp cận nguồn năng lượng sạch trên cơ sở phát triển bền vững tại Đà Nẵng. Dự án bao gồm ba hợp phần là hỗ trợ xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển điện mặt trời; hỗ trợ đầu tư lắp đặt thí điểm hệ thống năng lượng mặt trời (NLMT) tại một số địa điểm được lựa chọn (cơ sở công và hộ gia đình); nâng cao năng lực và trao đổi kiến thức về phát triển NLMT. Sau ba năm triển khai, dự án đã lắp đặt 14 hệ thống điện NLMT áp mái, với tổng công suất lắp đặt 70,4 kWp. Mỗi năm, tổng sản lượng điện tạo ra đạt 102.784 kWh; mỗi hệ thống tại các cơ sở công sẽ tiết kiệm 26 triệu đồng; và 8,6 triệu đồng tại hộ gia đình. Dự kiến thời gian hoàn vốn 8 năm/hệ cơ sở công và 6 năm/hệ tại hộ gia đình.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.