Xe tập đi cho người bại liệt

.

Ở tuổi gần 90, niềm vui của ông Võ Duy Trữ (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) là nghiên cứu, sáng chế những giải pháp thiết thực phục vụ cuộc sống. Từ tấm lòng của người chồng thương vợ, ông Trữ đã tạo ra chiếc xe hỗ trợ đi, đứng cho người bại liệt và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao bằng độc quyền sáng chế, được UBND thành phố khen thưởng.

Sinh năm 1933, ông Trữ đã bước vào độ tuổi xưa nay hiếm. Tuy vậy, ông vẫn rất minh mẫn, đặc biệt là khi nhắc đến câu chuyện nghiên cứu, sáng tạo thiết bị đặc biệt hỗ trợ đi, đứng cho người bại liệt.

Ông kể, trước đây, vợ ông không may bị tai biến dẫn đến bại liệt. Thương vợ, ngày ngày ông chở bà đến các bệnh viện để điều trị, tập luyện với mong muốn bà có thể đi lại được. Song vào thời điểm đó, các thiết bị hỗ trợ tại bệnh viện còn khá thô sơ, lại được thiết kế cùng một kiểu cho nhiều thể trạng bệnh nhân khác nhau nên không thể đáp ứng tốt nhu cầu của từng người; có lúc còn gây ra đau đớn cho người tập vì không vừa cỡ. Không những thế, mỗi khi vợ ông tập luyện đều phải có người thân ở cạnh hỗ trợ, nếu không sẽ rất dễ ngã.

Ròng rã gần 10 năm đưa vợ đi tập mỗi ngày, ông Trữ chỉ ước có một loại thiết bị phù hợp với nhu cầu của vợ, có thể tự tập ngay tại nhà.

Nghĩ là làm, đầu những năm 2000, ông Trữ bắt đầu mày mò thiết kế chiếc xe tập đi, đứng cho người bại liệt dựa trên hình ảnh chiếc xe tròn tập đi của em bé.

Chưa một ngày học cơ khí bài bản, song ông nhận mình là một người ham quan sát, có khả năng học hỏi. Hơn nữa, với kinh nghiệm nhiều năm chăm sóc vợ, ông hiểu rõ từng nhu cầu của người bại liệt, từ đó suy ra từng đặc điểm chiếc ghế cần có.

Thời điểm đó, thông tin không phổ biến như bây giờ, ông Trữ kết hợp giữa trí tưởng tượng và nhu cầu thực tế để sáng tạo một chiếc xe làm từ hệ khung sắt tròn với 2 vòng chính. Vòng trên có tay cầm, có cột treo võng ngồi để bệnh nhân ngồi nghỉ khi tập mệt, đồng thời gắn với 5 đoạn inox luồn vào 5 ống của vòng dưới tạo thành hệ thống ống trượt có thể điều chỉnh độ cao theo thể trạng từng bệnh nhân. Vòng dưới gắn 6 bánh xe đa hướng có phanh. Phía trước của mỗi vòng đều có một đoạn đóng mở được để bệnh nhân ra vào xe. Khi bệnh nhân đã yên vị và thắt đai an toàn, ghế sẽ được nâng lên phù hợp với tư thế muốn tập.

Người nhà chỉ cần đóng khung sắt lại là thiết bị có thể sẵn sàng sử dụng mà không cần người hỗ trợ, cũng không lo bị ngã. Nếu bệnh nhân tập mỏi có thể ngồi xuống võng, hoặc tựa tay vào nạng (có thể điều chỉnh lên xuống được, gắn kèm hai bên xe). Điểm đặc biệt của xe nằm ở hệ thống nâng bằng hơi, khi cần có thể sử dụng bơm để nâng bệnh nhân lên cao, và xả van hơi để hạ bệnh nhân xuống.

Khi bắt tay vào làm chiếc xe, ông Trữ đặt ra các tiêu chí rõ ràng: xe phải an toàn, bệnh nhân có thể dùng được ở nhà dù không gian chật hẹp, không cần điện, không cần người nhà liên tục trông coi, đa chức năng (đi, đứng, ngồi), dễ tập và giá thành thấp.

Ông Trữ nói: “Với thiết bị này, bệnh nhân sẽ cảm thấy thoải mái, an toàn nên cố tập, nhờ đó bệnh nhân sẽ mạnh dần lên. Đối với gia đình, sẽ tiết kiệm chi phí đáng kể mà người nuôi bệnh cũng bớt phần vất vả”.

Tuy vậy, điều đáng tiếc là khi sản phẩm gần hoàn thành thì vợ ông Trữ qua đời. Nén lại nỗi đau, ông tiếp tục hoàn thiện, cải tiến chiếc ghế của mình để dành cho những người bệnh tương tự. Ban đầu ông cho những người bị liệt mượn dùng thử, thấy hiệu quả, nhiều người đến đặt hàng.

Sản phẩm của ông cũng đã được đem tặng cho một số bệnh viện ở Đà Nẵng, Quảng Nam…và nhiều người liệt khó khăn ở mọi vùng tổ quốc. Với sáng tạo này, ông Trữ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế.

Mong ước của ông là có thể chuyển giao công nghệ cho các đơn vị sản xuất chuyên nghiệp để chiếc xe được sản xuất đại trà, có thể tiếp cận đến nhiều người bại liệt.

Nhằm ghi nhận sự nỗ lực của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng như khuyến khích, động viên tinh thần nghiên cứu, sáng tạo trong tầng lớp nhân dân, trong tháng 5, Sở Khoa học và Công nghệ đã tặng bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố kèm theo tiền thưởng cho các tác giả có sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có ông Võ Duy Trữ với sáng chế “Xe tập đi, đứng an toàn cho người bại liệt”.

Bên cạnh đó, trao bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố kèm tiền thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả có giải pháp hữu ích được cấp văn bằng bảo hộ, đạt giải tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, có bài báo khoa học xuất sắc được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích