Công nghệ

Mở rộng phát triển công nghệ thực tế ảo

13:58, 24/07/2021 (GMT+7)

Trong bối cảnh hoạt động du lịch bị hạn chế, du khách khó có thể đi lại, tham quan như hiện nay thì công nghệ thực tế ảo VR360 chính là giải pháp giúp các điểm tham quan, du lịch đến gần hơn với du khách.

Ngành du lịch thành phố đang triển khai thực hiện thực tế ảo tại hai bờ sông Hàn và một số khu điểm du lịch của Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Một góc bờ tây sông Hàn. 		Ảnh: XUÂN SƠN
Ngành du lịch thành phố đang triển khai thực hiện thực tế ảo tại hai bờ sông Hàn và một số khu điểm du lịch của Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Một góc bờ tây sông Hàn. Ảnh: XUÂN SƠN

Năm 2020, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch bị hoãn, hủy, ngành du lịch thành phố đã chủ động, tiên phong trong việc thường xuyên đổi mới phương thức, ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 vào công tác truyền thông, quảng bá điểm đến du lịch Đà Nẵng. Điều này đã tạo sức mạnh lan tỏa và hiệu ứng cao đối với người dùng mạng xã hội. Trong đó, mô hình thực tế ảo ứng dụng công nghệ Scan 3D và VR360 được triển khai thí điểm tại Bảo tàng điêu khắc Chăm nhận được nhiều phải hồi tích cực.

Không cần phải đi đến tận nơi, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, người dân, du khách đã có thể tham quan các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Tất cả hình ảnh, không gian, màu sắc của hiện vật, các góc trưng bày đều được tái hiện chính xác khi đưa lên môi trường thực tế ảo. Bên cạnh đó, các hiện vật cũng được giới thiệu và thuyết minh tự động mang đến cho người xem cảm giác như đang được trải nghiệm tại chỗ.

Sau khi xem xong mô hình thực tế ảo này, anh Huỳnh Đức Huy (trú phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) bày tỏ, khi không thể đi ra ngoài vui chơi tham quan được do dịch bệnh kéo dài thì đây cũng là một cách hay để giải trí. Nếu được, ngành du lịch thành phố nên mở rộng các điểm tham quan thực tế ảo tại các điểm du lịch nổi tiếng sẽ tăng tính hấp dẫn hơn nữa. Còn theo đánh giá của bà Huỳnh Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, việc đưa vào thí điểm tham quan ảo với công nghệ quét 3 chiều sẽ giúp du khách khám phá điểm đến một cách chân thật mà không cần dịch chuyển trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.

Tại Việt Nam, các mô hình công nghệ thực tế ảo quảng bá du lịch được áp dụng khá phổ biến. Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai công nghệ thực tế ảo cho tất cả các điểm nổi bật (như chỉ điểm sơ về các điểm, không thuyết minh). Hà Nội triển khai công nghệ thực tế ảo VR 360 cho hồ Hoàn Kiếm và thành Thăng Long; Thừa Thiên Huế triển khai VR 360 cho điểm du lịch Đại Nội Huế; Quảng Bình triển khai VR 360 cho hang Son Đoong... Tại Đà Nẵng, ngoài Bảo tàng Điêu khắc Chăm, hiện Trung tâm Xúc tiến du lịch đang triển khai thí điểm hệ thống du lịch ảo cho các điểm đến của thành phố dựa trên công nghệ thực tế ảo VR360.

Đánh giá về loại hình du lịch ảo này, những người làm du lịch cho rằng, ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR360 sẽ giúp tạo ra một tour du lịch ảo (bao gồm hình ảnh và audio), giúp người xem dễ dàng hình dung được không gian, cảnh vật một cách trực quan và sinh động nhất như đang có mặt ở địa điểm được thể hiện trong ảnh.

Tuy nhiên, loại hình này cũng có một số nhược điểm như các hướng di chuyển và xoay quanh với góc quay 360 dễ tạo cảm giác chóng mặt cho người dùng và do phụ thuộc vào phần cứng chuyên dụng. Nếu muốn trải nghiệm nội dung này ở chất lượng cao thì việc đầu tư thiết bị rất tốn kém. Bên cạnh đó, do tính năng phát trực tuyến trên web VR, một lượng lớn dữ liệu được truyền khi nội dung có độ phân giải cao nên kết nối internet phải ổn định và nhanh chóng.

Bà Huỳnh Thị Hương Lan cho rằng, Covid-19 đã làm thay đổi hành vi du lịch của du khách. Ứng dụng công nghệ thực tế ảo này sẽ giúp tăng cơ hội tiếp xúc nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế thông qua ứng dụng công nghệ 4.0. Với điểm đến Đà Nẵng, tour du lịch thực tế ảo tại Đà Nẵng là giải pháp cần thiết triển khai để tăng cường hình ảnh và gợi mở điểm đến cho người dùng khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Trung tâm đang triển khai ứng dụng công nghệ thực tế ảo dưới hình thức tour du lịch trải nghiệm, sẽ bao gồm các hình ảnh từ Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, toàn cảnh biển Đà Nẵng (bãi biển Mỹ An, Mỹ Khê, Mân Thái...) đến bán đảo Sơn Trà (chùa Linh Ứng, Voọc chà vá chân nâu, Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort, tích hợp VR360 của khách sạn Danang Golden Bay); Khu du lịch nước nóng trong nhà Mikazuki; Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài; Khu du lịch Sun World Ba Na Hills (Cầu Vàng, toàn cảnh Bà Nà).

Đặc biệt là thực hiện thực tế ảo tại cảnh quan hai bờ sông Hàn dưới hình thức bay flycam 360 trên không toàn cảnh hai bờ sông Hàn (từ cầu Thuận Phước đến cầu Trần Thị Lý); trong đó nhấn mạnh các cầu: Thuận Phước, Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi, chợ Hàn; cầu Tình yêu và cá chép hóa Rồng.

“Hiện tại đã thực hiện các cảnh quay và đang hoàn thiện hậu kỳ và hoàn chỉnh thuyết minh bằng tiếng Việt và Tiếng Anh. Sản phẩm thí điểm ứng dụng công nghệ thực tế ảo này dự kiến sẽ ra mắt du khách vào tháng 8-2021. Du khách chỉ việc ở nhà và bấm vào đường link có sẵn để trải nghiệm các cảnh đẹp của Đà Nẵng. Từ đó có thể ấp ủ dự định, lên kế hoạch cho chuyến đi của mình khi dịch bệnh hoàn toàn được khống chế”, bà Huỳnh Thị Hương Lan cho hay.

Công nghệ thực tế ảo VR360 photo được biết đến với việc tạo ra những bức ảnh toàn cảnh 360 độ (từ trên cao và dưới đất) và liên kết lại chúng lại với nhau tạo thành 1 tour du lịch ảo 360 độ, giúp người xem dễ dàng hình dung được không gian, cảnh vật một cách trực quan và sinh động nhất, người xem sẽ có cảm giác như đang có mặt ở địa điểm được thể hiện trong ảnh, không gian.

THU HÀ

.