Sẵn sàng số hóa hoạt động thư viện

.

Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng đã sẵn sàng để chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện trên địa bàn thành phố và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại.

Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng đang từng bước số hóa dữ liệu để phục vụ bạn đọc. TRONG ẢNH: Bạn đọc đang tìm kiếm thông tin tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng. (Ảnh chụp tháng 4-2021)      	                 Ảnh: THU HÀ
Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng đang từng bước số hóa dữ liệu để phục vụ bạn đọc. TRONG ẢNH: Bạn đọc đang tìm kiếm thông tin tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng. (Ảnh chụp tháng 4-2021). Ảnh: THU HÀ

Để thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tại thư viện, nhiều hoạt động chuyển đổi số đã được triển khai như: các phần mềm thư viện điện tử; thư viện số tích hợp; bạn đọc có thể mượn, trả sách điện tử, sách số, đọc sách số trên mạng... Đến nay, thư viện đã cấp quyền sử dụng cho bạn đọc và cung cấp user miễn phí cho người dân sử dụng hai trang mạng: thuviendientu.thuvien.danang.gov.vn sachdientu.thuvien.danang.gov.vn. Đồng thời tuyên truyền và giới thiệu cho bạn đọc biết hai trang thư viện số này trên các trang mạng xã hội và tại các phòng đọc của thư viện. Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng hợp đồng thuê sử dụng trang thư viện số của Công ty Tài liệu số trực tuyến Vina Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 619.035 tài liệu đủ thể loại, phù hợp với đối tượng chính là học sinh, sinh viên các chuyên ngành.

Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng cũng tham gia vào Liên hợp thư viện thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia để mua quyền truy cập sử dụng chung các cơ sở dữ liệu như: cơ sở dữ liệu tài liệu khoa học và công nghệ Việt Nam; bộ cơ sở dữ liệu ProQuest Central; cơ sở dữ liệu Credo Reference...; bổ sung và gia hạn sách điện tử trong năm 2021. Đến nay, thư viện có 11.884 bản sách điện tử có bản quyền để phục vụ bạn đọc.

Từ năm 2018, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng đã số hóa toàn bộ kho sách địa chí với hơn 2.000 đầu sách và để thuận tiện phục vụ bạn đọc. Từ cuối năm 2020, thư viện triển khai cấp thẻ online cho bạn đọc. Theo ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, thư viện đã xây dựng triển khai “Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn thành phố. Trong đó nhiệm vụ chính hiện nay là nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo và người làm công tác thư viện về vai trò và yêu cầu sớm triển khai chuyển đổi số ngành thư viện đồng bộ với chuyển đổi số ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (bảo tàng, di sản, du lịch...) để xây dựng hệ sinh thái với nội dung phong phú, sinh động...

Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số ngành thư viện thông qua phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác, tôn vinh những trường hợp đạt nhiều kết quả tích cực về chuyển đổi số để lan tỏa, nhân rộng. Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng hoàn thiện và phát triển hạ tầng số của các thư viện, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu các dịch vụ thư viện số theo hướng kết nối mạng lưới hiện đại, linh hoạt theo thời gian thực, số hóa tài nguyên thông tin nhằm phục vụ kết nối liên thông, đồng bộ, phù hợp với quy mô, đặc thù của từng loại thư viện, phát triển thư viện điện tử, thư viện số.

Song song đó, thư viện tập trung thúc đẩy các dự án số hóa tài liệu và tài nguyên, sản phẩm thông tin thư viện trên cơ sở tạo mới và tích hợp với cơ sở dữ liệu số sẵn có theo hướng mở, hợp đồng, thuê, mua các cơ sở dữ liệu sách số, chú trọng tài nguyên giáo dục mở, trong đó duy trì phát triển thư viện số, thư viện điện tử. Đồng thời ưu tiên số hóa tài liệu địa chí, tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học; khuyến khích các thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, các tổ chức, cá nhân cùng tham gia số hóa tài nguyên, sản phẩm thông tin thư viện.

Thư viện cũng xây dựng, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu, trao đổi tài nguyên thông tin số giữa các thư viện trong cả nước và nước ngoài; hợp tác trong bổ sung, chia sẻ, dùng chung cơ sở dữ liệu hoặc quyền truy cập tài nguyên thông tin số, sách số. Đơn vị sẽ phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh (điện thoại di động, máy tính bảng...) để cung cấp các dịch vụ và khả năng truy cập vào các nguồn tài nguyên thông tin của thư viện ở mọi lúc, mọi nơi; trang bị các thiết bị mượn trả tự động ở Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng và thư viện quận, huyện, trung tâm hành chính thành phố và quận, huyện...

Trong quá trình chuyển đổi số, ông Phạm Hồng Thái cho rằng cần triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng; quản lý và giám sát an toàn thông tin; bảo mật dữ liệu, bảo đảm cơ chế sao lưu, phục hồi máy chủ, máy trạm, các thiết bị đầu cuối liên quan. Đặc biệt, chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích