Nỗ lực nâng cao chỉ số xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin

.

Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh và chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng mới đây có thông báo kết quả đánh giá, xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) năm 2020. Theo đó, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã nỗ lực để nâng cao và giữ vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng.

Quận Thanh Khê là đơn vị đứng đầu xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin nhóm các quận, huyện trong 4 năm liền. TRONG ẢNH: Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” quận Thanh Khê trong sáng 5-11. Ảnh: VĂN HOÀNG
Quận Thanh Khê là đơn vị đứng đầu xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin nhóm các quận, huyện trong 4 năm liền. TRONG ẢNH: Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” quận Thanh Khê trong sáng 5-11. Ảnh: VĂN HOÀNG

Triển khai ứng dụng CNTT trên nhiều lĩnh vực

Trong nhóm các cơ quan khối Trung ương, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Đà Nẵng là đơn vị tiếp tục giữ ngôi vị đầu bảng với 93,3 điểm. Ông Lê Nho Mẫn, Trưởng phòng CNTT BHXH thành phố cho biết, trong những năm qua, BHXH đã ứng dụng CNTT để giải quyết nhiều thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả và năng suất công việc.

Đặc biệt, đơn vị xây dựng 5 phần mềm riêng của BHXH thành phố, ứng dụng và khai thác hiệu quả các phần mềm, hệ thống phần mềm ngành để phân tích, xử lý dữ liệu, giải quyết những bất cập trong các thủ tục; đồng thời kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội, qua đó tăng độ chính xác, giải quyết kịp thời cho người dân. Kết quả, tỷ lệ giao dịch điện tử trong công tác thu, cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế đạt 100%; áp dụng BHXH số (VssID), kết nối dữ liệu trên Hệ thống thông tin giám định BHXH kịp thời, tỷ lệ liên thông đạt 100%...

Tính từ đầu năm đến nay có 302/302 lượt đánh giá hài lòng của các tổ chức, cá nhân về chất lượng dịch vụ hành chính công, đạt tỷ lệ 100%. Riêng đối với VssID, tính đến ngày 1-11, toàn thành phố có 485.000 người tham gia và sử dụng phần mềm, đạt 83% so với kế hoạch dự kiến của thành phố (574.000 người), đạt 98% so với chỉ tiêu của BHXH Việt Nam (495.000 người).

Trong khi đó, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) là đơn vị có sự bứt phá, nỗ lực khi từ nhóm xếp loại khá trở thành nhóm cơ quan được xếp loại tốt (88.11 điểm) với xếp hạng 6/24 cơ quan, sở, ban, ngành thuộc UBND thành phố. Sở tập trung vào ứng dụng các phần mềm “Quản lý văn bản điều hành”, phần mềm “Một cửa điện tử”, việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đều được thực hiện trực tuyến.

Hoạt động dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, xử lý sớm hạn và đúng hạn hồ sơ của tổ chức, công dân…. Ngoài ra, sở còn triển khai ứng dụng phần mềm quản lý Nhà nước chuyên ngành VH&TT từ thành phố đến các quận, huyện, bao gồm quản lý thông tin sự kiện văn hóa, thể thao và gia đình, quản lý tuyên truyền lưu động và nghệ thuật quần chúng, quản lý cổ động trực quan và tổ chức lễ kỷ niệm, quản lý hoạt động sự kiện, lễ hội của ngành.

Năm 2020 là năm thứ 4 liên tiếp (2017-2020) quận Thanh Khê giữ vững ngôi đầu của bảng xếp hạng ứng dụng CNTT trong nhóm quận, huyện. Theo ông Nguyễn Thanh Hiếu, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Thanh Khê, quận đã chú trọng các tiêu chí chính trong xây dựng Chính quyền đô thị về hạ tầng, ứng dụng, chính sách và con người.

Quận mạnh dạn triển khai, đăng ký thí điểm triển khai các ứng dụng mới, đạt hiệu quả cao. Từ năm 2015 đến nay, địa phương đã nâng cấp ứng dụng phần mềm KIOS tại bộ phận “Một cửa”, thí điểm phần mềm “Một cửa điện tử” mới của thành phố, xây dựng phần mềm cấp phép xây dựng; kết nối với các đơn vị liên quan triển khai xuất biên lai điện tử, thanh toán trực tuyến... Đồng thời, xây dựng phần mềm quản lý chuyên ngành cấp quận với hơn 50 nghiệp vụ được tin học hóa.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số

Theo bà Trần Tường Vân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Thanh Khê, với 3 trụ cột chính về chính quyền số, xã hội số và kinh tế số, quận Thanh Khê xác định tiếp tục dựa trên nền tảng có sẵn trong thành công xây dựng chính quyền điện tử để nâng lên chính quyền số với nhiều giải pháp hiệu quả. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các ứng dụng với 100% thủ tục đưa lên cổng dịch vụ công ở mức 4, triển khai các giải pháp số từ thành phố như DaNang Smart City… Quận đã dự thảo Đề án xây dựng quận Thanh Khê thông minh và sẽ trình thành phố thẩm định trong thời gian tới. Đây là tiền đề để địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển đô thị gắn với ứng dụng số và xây dựng một đô thị thông minh.

Phó Giám đốc Sở VH&TT Nguyễn Thị Hội An cho hay, nhằm thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của ngành, sở đã và đang triển khai những nhiệm vụ liên quan như số hóa, ứng dụng 3D và tương tác ảo, công nghệ kỹ thuật số đối với các tư liệu quý hiếm, di vật, cổ vật quốc gia… được lưu giữ; phát triển mở rộng phần mềm Bản đồ số di sản Đà Nẵng; xây dựng phần mềm quản lý hiện vật dùng chung cho các bảo tàng trên địa bàn thành phố; phát triển và vận hành hệ thống chuyển đổi số trong quản lý thông minh trên các nền tảng website và ứng dụng di động (Mobile app); phát triển các nội dung trên nền tảng mạng xã hội Sở VH&TT thành phố Đà Nẵng, kết nối vận hành theo mô hình kinh tế số...

Theo Giám đốc BHXH Đà Nẵng Đinh Văn Hiệp, để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của ngành, BHXH tiếp tục nâng cao nhận thức, tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Chủ động kết nối, liên thông dữ liệu trong ngành BHXH với các tỉnh, thành phố, các ngành thuế, tư pháp. Qua đó, hoàn thiện các hệ thống ứng dụng ngành, tăng cường, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa cho người dân; bảo đảm việc xử lý, trả hồ sơ sớm và đúng hạn. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng tối đa CNTT để xử lý công việc; đào tạo nguồn nhân lực bảo đảm ứng dụng CNTT được hoàn thiện, xuyên suốt.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.