Khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu đất đai được số hóa

.

Sau nhiều năm thực hiện số hóa dữ liệu đất đai, đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai của thành phố Đà Nẵng và một số hạ tầng, công cụ, phần mềm... để chia sẻ, khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống dữ liệu này trong thực tế.

Các chuyên viên thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đang trắc địa tại khu vực tuyến đường Tiểu La (quận Hải Châu) vào ngày 7-1-2022. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các chuyên viên thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đang trắc địa tại khu vực tuyến đường Tiểu La (quận Hải Châu) vào ngày 7-1-2022. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Dễ dàng tra cứu, sử dụng thông tin đất đai

Hiện nay, người dân thành phố dễ dàng truy cập Cổng thông tin đất đai Đà Nẵng tại website https://ttdd.tnmt.danang.gov.vn (hoặc ứng dụng “Thông tin đất đai Đà Nẵng” trên điện thoại thông minh) để tra cứu thông tin địa chính về thửa đất đang sở hữu hoặc thông tin địa chính về thửa đất đang muốn mua. Người dân chỉ cần phóng to bản đồ trực tuyến rồi chọn vị trí thửa đất sẽ hiện ra thông tin về số thửa, tờ bản đồ, diện tích, mục đích sử dụng đất...

Những người muốn mua đất cũng dễ dàng biết được các thông tin cơ bản, nhất là tình trạng pháp lý của lô đất muốn mua và giá đất. Bên cạnh đó, dễ dàng truy cập cẩm nang hỏi - đáp về thủ tục đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Nhà đầu tư có thể tra cứu thông tin về quỹ đất đầu tư, trong đó có cả thông tin dự án, chỉ tiêu quy hoạch chi tiết về mật độ xây dựng, tầng cao, khoảng lùi... và tình trạng pháp lý.

Theo Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở TN&MT) Nguyễn Quang Vinh, cổng thông tin đất đai thành phố còn có phân hệ dành cho cán bộ xử lý về giá đất, kế hoạch sử dụng đất, thống kê và kiểm kê đất đai... để tiếp cận, giải quyết các công việc chuyên môn. Với các cán bộ được cấp tài khoản có thể truy cập cổng ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần có mạng internet để phục vụ xử lý, giải quyết công việc liên quan, thay vì phải sử dụng phần mềm chuyên dụng tại cơ quan làm việc, giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý công việc.

Có thể thấy, với cổng thông tin đất đai, điểm yếu nhiều năm về minh bạch thông tin đất đai đã được khắc phục, nhất là nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin về quỹ đất đầu tư. Đặc biệt, vào tháng 11-2021, Sở TN&MT đã ban hành quy chế xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai; chia sẻ và cung cấp thông tin đất đai trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Phòng TN&MT các quận, huyện; UBND các phường, xã (lãnh đạo phụ trách và công chức địa chính) được phân quyền truy cập và khai thác cơ sở dữ liệu đất theo đơn vị hành chính quản lý nhằm phục vụ công tác quản lý đất đai. Quy chế cũng quy định những trường hợp tra cứu trực tuyến công khai trên môi trường internet được cung cấp thông tin thuộc tính địa chính. Đối với người sử dụng đất có nhu cầu thì được cung cấp các thông tin về dữ liệu đất đai đối với thửa đất thuộc quyền sử dụng và tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu có trong cơ sở dữ liệu đất đai. Các tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu thì được cung cấp các thông tin dữ liệu đất đai (trừ các thông tin dữ liệu thửa đất của các cơ quan, đơn vị quốc phòng, an ninh); thông tin về giấy tờ pháp nhân, nhân thân và địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; thông tin tọa độ thửa đất; hồ sơ đăng ký thế chấp...

Tiếp tục hoàn thiện số hóa đất đai

Dữ liệu đất đai của thành phố dần dần được số hóa từ năm 2013, khi UBND thành phố phê duyệt dự án Tổng thể xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2018, định hướng đến năm 2020 với tổng kinh phí thực hiện dự án 205 tỷ đồng. Hiện Sở TN&MT đã cơ bản hoàn thành đo vẽ, thành lập bản đồ địa chính các tỷ lệ 1/500, 1/1.000, 1/2.000; đo đạc, định vị cắm mốc phân lô tái định cư các dự án trên địa bàn thành phố.

Từ kết quả đo đạc, xây dựng bản đồ địa chính, Sở TN&MT đã hoàn thành công tác xây dựng bộ cơ sở dữ liệu đất đai với 560.400 thửa đất được xây dựng dữ liệu không gian, 535.000 thửa đất có thông tin thuộc tính, 409.000 thửa đất có hồ sơ được quét với 8 triệu trang hồ sơ được sao chụp để tích hợp toàn bộ thông tin. Sở cũng xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý 413 lô đất thuộc quỹ đất kêu gọi đầu tư (đất lớn) tại cổng thông tin đất đai; rà soát và xây dựng, hoàn thiện đối với dữ liệu quỹ đất tái định cư gồm 22.286 lô (15.039 lô đất có hạ tầng; 7.247 lô đất chưa có hạ tầng)... Sở đã xây dựng phần mềm tra cứu hồ sơ đất đai phục vụ riêng cho ngành Thuế nhằm phục vụ công tác liên thông thuế điện tử.

Giám đốc Sở TN&MT Tô Văn Hùng cho biết, đơn vị tiếp tục đo, vẽ bổ sung để hoàn thiện bản đồ địa chính theo đúng quy định đến năm 2025; bổ sung, cập nhật và hoàn thiện dữ liệu địa chính đối với các trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trường hợp giao đất, cho thuê đất nhưng chưa được cập nhật vào cơ sở dữ liệu (trong năm 2022); cập nhật thường xuyên đối với dữ liệu đăng ký, đăng ký biến động đất đai theo hồ sơ biến động, chỉnh lý...

Cùng với đó, Sở TN&MT xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất rẻo trong 2 năm 2022-2023; xây dựng cơ sở dữ liệu đối với đất sử dụng cho các trụ sở cơ quan Nhà nước (đất có mục đích sử dụng xây dựng trụ sở công) trong 2 năm 2022-2023; rà soát hoàn thiện toàn bộ dữ liệu quỹ đất tái định cư và thực hiện phân quyền, phân cấp quản lý theo quận, huyện. Đặc biệt là xây dựng phần mềm quản lý giao đất, cho thuê đất trực tiếp tại cổng thông tin đất đai trong năm 2022; xây dựng phần mềm quản lý giao dịch điện tử về đất đai trong năm 2023...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích