Xây dựng thành phố thông minh

.

Xây dựng thành phố thông minh là xu thế đang được nhiều tỉnh, thành phố hướng đến. Với sự nỗ lực không ngừng, thời gian qua Đà Nẵng đã triển khai chính quyền điện tử và thành phố thông minh dựa trên 3 trục: hạ tầng - dữ liệu - thông minh. Trong từng giai đoạn, việc triển khai các trục thực hiện theo lộ trình, mức độ ưu tiên khác nhau với tiêu chí “Một nền tảng - Một hạ tầng - Một chính sách - Đa đối tác - Đa ứng dụng”.

Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở TN&MT) giới thiệu các công cụ quan trắc tại Nhà hát Trưng Vương trong khuôn khổ chương trình công bố Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 nhằm ứng dụng quan trắc môi trường nước, không khí, đất. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở TN&MT) giới thiệu các công cụ quan trắc tại Nhà hát Trưng Vương trong khuôn khổ chương trình công bố Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 nhằm ứng dụng quan trắc môi trường nước, không khí, đất. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Hạ tầng được đầu tư bài bản

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch, thành phố thông minh đã trở thành xu thế tất yếu, là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và các vùng miền, giúp các thành phố giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa. Đà Nẵng đã xây dựng được cơ sở hạ tầng bài bản, trong đó có hạ tầng viễn thông công cộng kết nối nội mạng tốc độ cao; hoàn thành phủ sóng mạng 3G, 4G, internet băng rộng cố định, truyền hình số mặt đất và thí điểm triển khai mạng 5G.

Thành phố cũng đầu tư xây dựng mạng viễn thông dùng riêng cho các cơ quan Nhà nước, hệ thống wifi công cộng với 430 trạm thu phát sóng chuyên dụng tới các cơ quan, các địa điểm du lịch và khu vực công cộng cùng hơn 1.000 trạm của các doanh nghiệp; đưa vào triển khai hiệu quả các nền tảng quản trị Chính quyền điện tử (Hệ thống eGov Đà Nẵng) với nhiều ứng dụng dùng chung cho tất cả cơ quan chính quyền; triển khai Trung tâm giám sát dịch vụ đô thị thông minh Mini IOC và các trung tâm giám sát, điều hành chuyên ngành (giao thông thông minh, môi trường thông minh, an ninh trật tự...); đưa vào sử dụng hầu hết các hợp phần nền tảng đô thị thông minh (Smart City Platform) theo mô hình hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Các hệ thống nói trên được phát triển từ các cơ sở dữ liệu nền tảng và chuyên ngành, được tích hợp và chia sẻ dữ liệu lẫn nhau cũng như với các bộ, ngành Trung ương thông qua Trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố, hình thành Kho dữ liệu dùng chung (khodulieu.danang.gov.vn) và cung cấp thành dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp (opendata.danang.gov.vn).

Thành phố cũng ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ việc họp trực tuyến, quản lý, theo dõi công việc, nhiệm vụ được giao của các cấp chính quyền, theo dõi việc xử lý phản ánh (gopy.danang.gov.vn) và tổng hợp, nắm bắt phản hồi, nguyện vọng và ý kiến của người dân trên các nền tảng mạng xã hội… Ngoài ra, Tổng đài dịch vụ công (1022) được đưa vào hoạt động, làm nhiệm vụ cầu nối giữa cơ quan Nhà nước và tổ chức, công dân. Chính nhờ sự quan tâm, đầu tư bài bản của chính quyền thành phố cũng như sự nỗ lực trong việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin - truyền thông, xây dựng thành phố thông minh, 2 năm liên tiếp Đà Nẵng được Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) trao giải Thành phố thông minh.

Tăng cường ứng dụng hiệu quả trong thực tế

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm để phục vụ trong công việc đã được các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố triển khai sâu rộng và có được những giải pháp, sáng kiến hay như: “Giải pháp cung cấp điện thông minh cho thành phố Đà Nẵng” của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng với 3 thành phần chính gồm: “Cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ đo xa”, “Trung tâm điều khiển hệ thống điện phân phối các trạm biến áp 110kV không người trực”, “Hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối DAS”, góp phần nâng cao chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện; đồng thời cũng là giải pháp số mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho khách hàng sử dụng điện…

Tương tự, các sở, ban, ngành cũng ứng dụng các công nghệ trong công tác chuyên môn, điều hành… Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tiên Hồng cho biết, những năm qua, ngành y tế không chỉ nỗ lực khám chữa bệnh mà thành phố còn quan tâm, phát triển nhiều ứng dụng thông minh phục vụ công tác quản lý, khám chữa bệnh. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, việc trao đổi thông tin, hội ý chuyên môn với cơ sở, với các chuyên gia hàng đầu tại các bệnh viện lớn trong cả nước thay vì họp trực tiếp, ngành đã chuyển sang họp trực tuyến giúp rút ngắn thời gian, hạn chế lây nhiễm...

Từ năm 2018, 100% trạm y tế xã, phường, 100% trung tâm y tế quận, huyện và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tại Đà Nẵng đã triển khai ứng dụng bệnh viện thông minh từ cấp 4 trở lên theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Đặc biệt, ứng dụng tại trạm/trung tâm y tế/bệnh viện đều được kết nối liên thông, về trung tâm và hình thành cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe công dân, với mỗi công dân có 1 mã (ID) duy nhất để phục vụ kế thừa dữ liệu trong khám chữa bệnh.

Đà Nẵng triển khai nhiều hệ thống, tiện ích để phục vụ khám chữa bệnh cho người dân như: hệ thống khám, hội chẩn từ xa tại tất cả trạm y tế quận, huyện (Telehaalth); hệ thống tư vấn, khám bệnh từ xa (Doctor 4U, VOV Bacsi24); hẹn lịch khám trước qua mạng, thanh toán phí qua mạng... Khi Covid-19 bùng phát, Đà Nẵng kịp thời triển khai nhiều ứng dụng để phát hiện sớm, truy vết nhanh và chính xác, góp phần kiểm soát dịch bệnh...

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Nguyên Chương, nhờ ứng dụng các công nghệ, sở đã có được những kết quả tích cực trong công tác chuyên môn. Cụ thể như: hoàn thành xây dựng Hệ thống quan trắc, quản lý, giám sát thu gom nước thải và xử lý nước thải toàn thành phố; tích hợp 36 trạm quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố phục vụ giám sát tập trung, cảnh báo tự động các sự cố môi trường, trong đó có 6/11 trạm xử lý nước thải nước thải và các trạm quan trắc tại các đơn vị hoạt động sản xuất có công suất xả nước thải >1.000m3/ngày đêm, 10 trạm quan trắc nước ao, hồ, sông; 2 trạm quan trắc không khí. Ngành tài nguyên và môi trường đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xe rác và hệ thống camera trên xe rác để theo dõi, giám sát chất lượng hoạt động thu gom rác; trong năm 2021 đã mở rộng, bổ sung 6 trạm quan trắc không khí; 4 trạm quan trắc nước biển; 5 trạm quan trắc nước sông...

Được biết, năm 2021 thành phố cũng đã ban hành “Kế hoạch xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tới đây thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nền tảng, dữ liệu và mở rộng phát triển các ứng dụng thông minh để phục vụ công tác quản lý, kinh tế - xã hội theo đúng lộ trình.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.