Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại

.

Nhằm hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản của địa phương, ngành công thương thành phố đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã tham gia quảng bá thương hiệu, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử.

Các sàn thương mại điện tử đang là công cụ đắc lực cho công tác xúc tiến thương mại.  Ảnh: QUỲNH TRANG
Các sàn thương mại điện tử đang là công cụ đắc lực cho công tác xúc tiến thương mại. Ảnh: QUỲNH TRANG

Yêu cầu bắt buộc

Thạc sĩ Trần Danh Nhân, giảng viên Khoa Thương mại điện tử (TMĐT), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng nhận định, năm 2022 sẽ là năm TMĐT phát triển mạnh theo đà hồi phục kinh tế cũng như tập quán tiêu dùng được định hình từ trước và trong Covid-19. Một số yếu tố sẽ thúc đẩy TMĐT ở nước ta nói chung và Đà Nẵng nói riêng như: Chính phủ sẽ quyết liệt hơn trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia và thúc đẩy TMĐT.

Chiến lược về tài chính số sẽ được tái khởi động mạnh mẽ, đề án số hóa dịch vụ công sẽ đi vào giai đoạn tiếp theo. Các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp (DN) đã và đang tiếp tục được đẩy mạnh. Sự khôi phục có chuyển đổi của khối DN, đặc biệt là khối dịch vụ, thương mại; sự mở cửa trở lại của thị trường hàng không, du lịch, thương mại cũng như sự tái lập và thành lập mới các DN sẽ tạo ra làn sóng mới trong kinh doanh.

Nhất là trong thời gian Covid-19, nhiều hoạt động TMĐT đã trở thành tiêu chuẩn kinh doanh trong bình thường mới (ví dụ đặt hàng, mua hàng trực tuyến) sẽ là yếu tố thúc đẩy các DN đầu tư chuyển đổi hoạt động TMĐT của mình. Sự chuyển đổi thói quen tiêu dùng sang các kênh trực tuyến của người dân trong dịch bệnh là một thuận lợi rất lớn cho các DN khai thác tiềm năng của thị trường này.

Ông Võ Văn Khanh, Chi hội trưởng Hiệp hội TMĐT tại Đà Nẵng cho rằng, để thích ứng trong bối cảnh các chuỗi cung ứng thương mại, dịch vụ toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy; đồng thời tận dụng cơ hội mở rộng thị trường khi người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển đổi sang TMĐT khiến việc chuyển đổi số đã trở thành hướng đi bắt buộc đối với mọi DN, tổ chức. Số lượng tổ chức, DN ứng dụng công nghệ vào TMĐT, quản lý sản xuất, quản lý bán hàng... đang ngày càng gia tăng nhằm tối ưu hóa nguồn lực và khai thác tối đa thị trường đa quốc gia, xuyên biên giới.

Hoàn thiện năng lực chuyển đổi số

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, năm 2022, sở tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, TMĐT trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất, HTX nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên nền tảng số cũng như phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản.

Qua đó, tạo điều kiện cho các DN, cơ sở sản xuất, HTX tham gia quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn TMĐT. Đặc biệt, nhằm hỗ trợ các tổ chức xúc tiến thương mại và các DN trên địa bàn nâng cao nhận thức, năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển giao thương với các tổ chức, DN trong và ngoài nước, đẩy mạnh kinh tế thương mại của địa phương, UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn thành phố.

Theo đó, đến năm 2025, có 100% tổ chức xúc tiến thương mại; 70% doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh được cấp tài khoản trên hệ sinh thái xúc tiến thương mại số quốc gia và 50% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin; 25% số lượng hội chợ, triển lãm trên địa bàn được tổ chức trên môi trường trực tuyến; đưa nền tảng số trở thành công cụ giới thiệu, quảng bá hữu hiệu cho các sản phẩm của Đà Nẵng cũng như làm cầu nối giúp các DN của thành phố tìm kiếm các đối tác, mở rộng thị trường.

Theo lãnh đạo ngành công thương, để thực hiện được mục tiêu trên, Đà Nẵng sẽ phối hợp Bộ Công Thương xây dựng các tiêu chí, thuê chuyên gia đánh giá hiện trạng, năng lực ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại cho các tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn để làm căn cứ đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình của thành phố.

Đồng thời hỗ trợ tổ chức, DN, HTX, hộ kinh doanh tham gia và sử dụng hiệu quả các nền tảng dùng chung của hệ thống như hội chợ triển lãm, hội nghị giao thương, khuyến mại, nền tảng kết nối kinh doanh, tư vấn trực tuyến, các kênh thông tin thị trường và các dịch vụ khác nhằm duy trì, phát triển chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

“Chúng tôi đang xây dựng triển lãm ảo để hỗ trợ các doanh nghiệp của thành phố trưng bày quảng bá giới thiệu sản phẩm trên nền tảng này. Những doanh nghiệp nào không thể tham gia triển lãm trực tiếp thì có thể trưng bày rất nhiều sản phẩm của mình trên nền tảng triển lãm ảo đó”, bà Lê Thị Kim Phương cho hay.

Với vai trò là đơn vị vận hành trang danangtrade.com.vn, ông Võ Văn Khanh thông tin, thời gian tới, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và các đơn vị, sở, ban, ngành sẽ tổ chức các chương trình tập huấn cho DN, tập trung vào nội dung hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa từng bước lập kế hoạch, thực hiện được kế hoạch chuyển đổi số trên cơ sở các nguồn lực hiện có, thay đổi nhận thức và tư duy về tận dụng các công cụ số.

“Chúng tôi cũng lên kế hoạch tổ chức các chương trình Hội nghị kết nối cung cầu, giao thương trực tuyến, tư vấn giải pháp công nghệ, giải pháp kết nối trên nền tảng internet tạo điều kiện cho các DN, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn xúc tiến đầu ra cho sản phẩm nhằm thích nghi với bối cảnh thương mại mới”, ông Khanh nói thêm.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.