Hiệu quả bước đầu từ sản xuất rau hữu cơ ứng dụng khoa học kỹ thuật

.

Sau hơn 3 năm triển khai, dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ tại Đà Nẵng” đã mang lại hiệu quả bước đầu về kinh tế - xã hội cho đơn vị sản xuất cũng như tiềm năng phát triển, sản xuất rau hữu cơ tại thành phố.

Nhân viên Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (Quatest 2) thu mẫu đất tại các điểm dự kiến triển khai mô hình sản xuất rau hữu cơ. Ảnh: M.Q
Nhân viên Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (Quatest 2) thu mẫu đất tại các điểm dự kiến triển khai mô hình sản xuất rau hữu cơ. Ảnh: M.Q

Từ việc mua số lượng lớn rau, củ, quả để phục vụ việc nấu ăn, các học viên, cán bộ Cơ sở xã hội Bàu Bàng (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) đã tự sản xuất được 180-200kg rau, củ, quả các loại mỗi ngày, số lượng rau, củ, quả trên đều là sản phẩm hữu cơ được sản xuất bằng cách ứng dụng khoa học kỹ thuật. Cơ sở xã hội Bàu Bàng là 1 trong 2 địa điểm được lựa chọn để thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ tại thành phố Đà Nẵng” thuộc chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025.

Dự án do Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ) chủ trì và bắt đầu triển khai từ tháng 11-2018 với tổng kinh phí khoảng 4,6 tỷ đồng bao gồm nhiều nội dung, trong đó chú trọng chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ trên tổng diện tích 3,5ha tại huyện Hòa Vang.

Chứng kiến sự thay đổi mỗi ngày của Cơ sở xã hội Bàu Bàng từ khi được chọn là địa điểm triển khai dự án, kỹ sư Nguyễn Thành Công - người đóng vai trò “cầu nối” giữa Trung tâm Công nghệ sinh học và những học viên của Cơ sở xã hội Bầu Bàng phấn khởi chia sẻ: “Dự án góp phần cải thiện đời sống cho học viên, đào tạo cho họ nghề mới sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Về hiệu quả kinh tế, dự án tạo điều kiện cho cơ sở tiếp cận với thị trường rau hữu cơ tại Đà Nẵng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tìm hướng đi phù hợp về sản phẩm nông nghiệp. Từ hiệu quả của dự án, đến nay cơ sở đã mở rộng từ 1ha ngoài đồng ruộng triển khai ban đầu lên 2,2ha, trong đó có 0,5ha là nhà lưới”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó trưởng Trạm thực nghiệm và dịch vụ khoa học công nghệ (Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng) cho biết, mô hình rau hữu cơ tại cơ sở xã hội Bầu Bàng có thể đánh giá là mô hình điểm cho kinh tế hữu cơ, kinh tế tuần hoàn. Sau khi tham gia mô hình, sản phẩm rau thu được từ dự án dồi dào, không những đáp ứng nhu cầu bếp ăn hằng ngày tại cơ sở mà còn được thương mại hóa tại một số cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố như: An Phú farm, Greentech Food, Winmart… hoặc bán cho các gia đình học viên.

Thực tế, hiệu quả về môi trường là điều rõ rệt nhất; sản xuất hữu cơ đồng nghĩa với phương thức sản xuất thân thiện môi trường, an toàn cho các bên tham gia. Các khu vực canh tác hữu cơ tạo sự đa dạng hơn về thực vật, động vật, đất đai màu mỡ hơn, hấp thu cacbon cao hơn, phát thải khí nhà kính thấp hơn, góp phần giảm bớt sự oxy hóa nước mặt và ngấm trôi chất dinh dưỡng vào nước ngầm, đặc biệt không gây gánh nặng hệ sinh thái do thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ.

“Thị trường tiêu thụ sản phẩm tại Đà Nẵng được biết đến qua nhiều kênh phân phối khác nhau như: các cửa hàng nông sản sạch, bếp ăn tập thể, khách sạn, trường  học, siêu thị, chợ truyền thống, trang thương mại điện tử cũng như các chương trình xúc tiến thương mại do thành phố tổ chức. Thị trường tiêu thụ nông sản sạch tại Đà Nẵng khá sôi động, hứa hẹn nhiều triển vọng do nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng cao.

Đây là ưu thế để các nhà cung ứng, nhà sản xuất trên địa bàn thành phố có cơ hội chinh phục thị trường. Qua thực hiện dự án, Trung tâm Công nghệ sinh học đã xây dựng, phát triển được năng lực tư vấn, hỗ trợ xây dựng các dự án sản xuất rau hữu cơ, sẵn sàng tham gia tích cực vào việc phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Đà Nẵng và các địa phương có nhu cầu khác”, bà Thủy cho hay.

Dự án có 2 quy trình kỹ thuật phục vụ canh tác hữu cơ đã được ứng dụng vào các mô hình; xây dựng được 2 mô hình sản xuất rau hữu cơ, gồm 1 mô hình ngoài đồng ruộng (quy mô 3ha) và 1 mô hình sản xuất rau hữu cơ trong điều kiện nhà lưới thông thường (quy mô 0,5ha); tổ chức đào tạo cho 12 kỹ thuật viên cơ sở của mô hình và 7 học viên ngoài dự án; tổ chức 3 lớp tập huấn cho 150 lượt người dân trồng rau trên địa bàn huyện Hòa Vang; kiểm tra, đánh giá, giám sát và cấp chứng nhận 16 sản phẩm rau hữu cơ của mô hình tại các địa điểm triển khai… Một kết quả quan trọng là tổng sản lượng các loại rau thuộc đối tượng cây trồng của dự án (cải các loại, rau ngót, xà lách, đậu cove, dưa leo, cà chua, mướp đắng, ớt…) là 181,7 tấn, đạt kế hoạch đề ra.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.