Khởi nghiệp với nông nghiệp hữu cơ vi sinh

.

Những hậu quả của việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp đã lộ rõ nhiều bất cập như: đất đai bạc màu, sâu bệnh càng tiến hóa để thích ứng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Do đó, việc thay đổi xu hướng trồng trọt sang nền nông nghiệp hữu cơ là hướng đi mới vì sự phát triển bền vững. Đây cũng là hướng khởi nghiệp mà anh Bùi Ngọc Châu (SN 1982, quê xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) đã lựa chọn để thực hiện dự án “Phân lập, nuôi cấy nhóm vi sinh vật bản địa ứng dụng trong sản xuất và cải tạo đất trồng”.

Anh Bùi Ngọc Châu (thứ 2, bên phải sang)  trong lễ tốt nghiệp Dự án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao năm 2020. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh Bùi Ngọc Châu (thứ 2, bên phải sang) trong lễ tốt nghiệp Dự án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao năm 2020. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tốt nghiệp chuyên ngành cử nhân công nghệ thông tin tại một trường đại học tại Đà Nẵng và sau thời gian làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, đầu năm 2008, anh Bùi Ngọc Châu trở về quê để phát triển nông nghiệp theo truyền thống gia đình.

Anh chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng ngành nông nghiệp các nước trong khu vực, được tận mắt thấy những nông dân nước bạn làm việc rất chuyên nghiệp. Họ không sử dụng bất kỳ loại hóa chất bảo vệ thực vật hay thức ăn tăng trưởng nào nhưng sản phẩm vẫn đạt chất lượng và năng suất. Vì vậy, tôi ấp ủ ước mơ xây dựng một hướng đi mới cho nền nông nghiệp bởi nhận thấy thị trường nông nghiệp hữu cơ rất tiềm năng và hình thành ý tưởng khởi nghiệp từ đây”.

Với nền tảng kiến thức tin học và nhờ internet, anh Châu đã học hỏi những thành tựu công nghệ vi sinh trong canh tác nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam và trên thế giới. Sau thời gian dài nghiên cứu và thử nghiệm, anh đã áp dụng thành công việc ứng dụng “vi sinh vật bản địa’’ trong trồng trọt và chăn nuôi.

Theo đó, dự án “Phân lập, nuôi cấy nhóm vi sinh vật bản địa ứng dụng trong sản xuất và cải tạo đất trồng” của anh đã đưa ra các quy trình sản xuất nhiều sản phẩm cải tạo đất như: men vi sinh, phân bón hữu cơ vi sinh dạng bột, dạng viên nén, dịch thủy phân cá, bột cá lên men, chế phẩm thảo mộc trị nấm… được sử dụng kết hợp để cải tạo đất trồng một cách hiệu quả và an toàn.

Bộ sản phẩm hướng đến 3 mục tiêu: bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và mô hình kinh tế bền vững. Việc làm này có hiệu quả nhanh, không gây hại cho cây trồng, hoàn toàn có lợi cho môi trường xung quanh vì nó không gây ô nhiễm. Hơn nữa, cách làm này tăng độ phì nhiêu cho đất mà không làm hại cấu trúc của đất, giúp cân bằng hệ sinh thái trong môi trường đất và đặc biệt giảm thiểu các sâu, bệnh hại cây trồng nâng cao năng suất canh tác, mang lại những giá trị kinh tế cao và bền vững.

Quan trọng hơn, theo anh Châu, khi thực phẩm được tạo ra từ quá trình không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào thì sẽ bảo đảm chất lượng. Mặt khác, những sản phẩm này giúp giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế, tăng chất lượng nông sản. Đặc biệt, công nghệ mới này dễ ứng dụng, rất gần gũi với người nông dân và sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.

Năm 2020, khi tham gia vào chương trình ươm tạo tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, dự án đã được Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Khu Công nghệ cao hỗ trợ xây dựng kế hoạch nhằm nâng cao năng lực đội ngũ lãnh đạo, tư vấn chiến lược, tháo gỡ các vướng mắc hiện tại cũng như tiêu chuẩn hóa hệ thống quy trình, đưa công nghệ dần vào quản lý và kiểm soát quá trình thương mại hóa. Bên cạnh đó, Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn - Songhan Incubator cũng hỗ trợ dự án thông qua nhiều hoạt động đào tạo nâng cao năng lực và tư vấn chuyên sâu với các chuyên gia về mô hình kinh doanh, tư duy chiến lược, tài chính kế toán, pháp lý, kỹ năng gọi vốn đầu tư...Qua các hoạt động ươm tạo, dự án đã có sự chuyển mình phát triển mạnh mẽ, khác biệt, có tầm nhìn lớn, dịch vụ được thị trường đánh giá cao về chất lượng.

“Hiện nay, chúng tôi đã hình thành khu nhà xưởng tại đường số 9, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Thời gian đến, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm.Tôi mong muốn sẽ đưa dự án trở thành doanh nghiệp công nghệ cao phát triển ở quy mô thị trường lớn, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng”, anh Châu kỳ vọng.

Ông Trần Văn Tỵ, Phó Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đánh giá, dự án “Phân lập, nuôi cấy nhóm vi sinh vật bản địa ứng dụng trong sản xuất và cải tạo đất trồng” đem lại những giá trị vượt trội, gắn với thực tiễn, tạo ra các giá trị khoa học công nghệ. Hiện nay, dự án đã triển khai xúc tiến kết nối với các đơn vị liên quan để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho sản phẩm và triển khai hỗ trợ cho dự án thành lập doanh nghiệp mới tại Đà Nẵng.

CAO TÀI

;
;
.
.
.
.
.