Đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ người dân

.

Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người dân, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để đưa các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến với người dân nhanh chóng, thuận tiện.

Việc sớm triển khai tra cứu thông tin bảo hiểm y tế qua thẻ căn cước công dân ngay từ tuyến y tế cơ sở tạo thuận lợi cho cả người dân lẫn cơ sở y tế. Trong ảnh: Bác sĩ tại Trạm Y tế phường Hòa Hải nhận thẻ căn cước công dân của bệnh nhân để lưu trữ thông tin khám bệnh. Ảnh: N.QUANG
Việc sớm triển khai tra cứu thông tin bảo hiểm y tế qua thẻ căn cước công dân ngay từ tuyến y tế cơ sở tạo thuận lợi cho cả người dân lẫn cơ sở y tế. TRONG ẢNH: Bác sĩ tại Trạm Y tế phường Hòa Hải nhận thẻ căn cước công dân của bệnh nhân để lưu trữ thông tin khám bệnh. Ảnh: N.QUANG

Đạt nhiều kết quả

Giám đốc BHXH thành phố Đinh Văn Hiệp cho biết, thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam và Quyết định số 2870/QĐ-UBND  ngày 28-8-2021 của Chủ tịch UBND thành phố về việc ban hành Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, BHXH thành phố đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi số và ứng dụng CNTT đến năm 2025. “Mục tiêu chính của kế hoạch nhằm tăng cường ứng dụng CNTT, triển khai áp dụng công nghệ số, đổi mới căn bản dữ liệu số, , tăng cường hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành, nghiệp vụ; phát triển môi trường số an toàn, thông minh, tiện ích, minh bạch hóa; nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức”, ông Hiệp nói.

Trưởng phòng CNTT BHXH thành phố Lê Nho Mẫn cho biết, BHXH thành phố triển khai 25 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam và 15 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có 2 dịch vụ công thanh toán trực tuyến; tổ chức tốt việc triển khai giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, BHYT đến các đơn vị sử dụng lao động đạt tỷ lệ 100%. Bên cạnh đó, việc sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD), ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám chữa bệnh BHYT được BHXH thành phố triển khai hiệu quả. Tính đến ngày 17-10, trên địa bàn thành phố số lượng xác thực lấy số CCCD từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 661.588 trường hợp; toàn thành phố đã có 72 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD với 94.162 lượt tra cứu, trong đó có 77.237 lượt tra cứu thành công phục vụ khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp.

Số người tham gia BHXH, BHYT đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH trên Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam và trên ứng dụng VssID - BHXH trên địa bàn thành phố đến nay có 563.734 người tham gia đăng ký, cài đặt và sử dụng ứng dụng. “Ứng dụng VssID - BHXH số đã nâng cấp thêm nhiều tính năng, tiện ích phục vụ linh hoạt các nhu cầu thông tin thiết yếu của người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN như: cung cấp các thông tin về thẻ BHYT; quá trình tham gia BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thông tin hưởng các chế độ một lần (ốm đau, thai sản); hỗ trợ tra cứu, quét mã QRCode thẻ BHYT/thẻ CCCD để tự động điền các thông tin mã số BHXH, họ tên, số căn cước công dân… tạo thuận lợi cho người dân khi khám chữa bệnh”, ông Mẫn nói.

Theo ông Đinh Văn Hiệp, nhờ thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi số và ứng dụng CNTT, BHXH thành phố được đánh giá cao trong công các cải cách hành chính và ứng dụng CNTT, thường xuyên thuộc các đơn vị dẫn đầu các bộ chỉ số 2 năm liền gần đây (2019, 2020) được UBND thành phố xếp hạng nhất về ứng dụng CNTT, cải cách hành chính.

Mang lại sự tiện lợi cho nhân dân

Thường xuyên đến Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn để thăm khám, điều trị, song mấy tháng trở lại đây chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1985, trú phường Hòa Hải) không dùng đến thẻ BHYT giấy, sổ khám bệnh mà được thay bằng thẻ CCCD có gắn chip để tra cứu thông tin.

“Tôi thấy việc tích hợp thẻ BHYT vào CCCD rất tiện lợi. Việc tra cứu bằng thẻ CCCD giúp tôi không cần mang theo nhiều giấy tờ như trước, hạn chế việc quên, mất, đồng thời giảm được nhiều thời gian chờ đợi khi đến đăng ký khám, điều trị bệnh”, chị Hồng chia sẻ.

Theo Giám đốc Trung âm Y tế quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Văn Dũng, việc sử dụng CCCD để khám chữa bệnh BHYT không chỉ giúp người dân hài lòng mà ngay cả cơ sở y tế cũng thuận lợi vì tiết kiệm được nhiều thời gian từ ghi chép thông tin, hoàn thiện hồ sơ bệnh án đến việc quyết toán với cơ quan BHYT, bảo đảm thông tin nhanh chóng, chính xác.

Ông Đinh Văn Hiệp nhấn mạnh, chuyển đổi số và ứng dụng CNTT  mang lại tiện lợi, hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Đơn cử như việc các cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD là một minh chứng cho điều đó. “Trong thời gian đến, BHXH thành phố tiếp tục đẩy mạnh quản lý, khai thác, sử dụng và bảo quản các chương trình CNTT; thường xuyên cập nhật phiên bản mới các phần mềm nghiệp vụ của BHXH Việt Nam; bảo đảm các phần mềm hoạt động thông suốt, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ của các phòng nghiệp vụ và BHXH quận, huyện. Tập trung nghiên cứu các phần mềm nghiệp vụ của ngành nhằm kịp thời đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, hoàn thiện phần mềm. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện đưa hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh trên cổng tiếp nhận đề nghị thanh toán BHYT; hỗ trợ các cơ sở  trong việc cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng chế độ BHXH, giấy chứng sinh, giấy ra viện trực tiếp trên cổng tiếp nhận; nghiên cứu, triển khai tập huấn, khai thác dữ liệu trên hệ thống dữ liệu tập trung, các giải pháp, ứng dụng CNTT nhằm nâng cao chất lượng quản lý, hoạt động nghiệp vụ”, ông Hiệp nói.

NGUYỄN QUANG

;
;
.
.
.
.
.