Trung Quốc phát triển hệ thống hạt nhân cung cấp năng lượng cho căn cứ trên Mặt Trăng

.

Trung Quốc sẽ cung cấp năng lượng hạt nhân cho Trạm nghiên cứu khoa học tại cực Nam của Mặt Trăng.

Bản vẽ Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế - cơ sở đang được Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc và đối tác Nga Roscosmos phát triển. Ảnh: CNSA
Bản vẽ Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế - cơ sở đang được Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc và đối tác Nga Roscosmos phát triển. Ảnh: CNSA

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ông Wu Weiren, nhà thiết kế chính của chương trình thám hiểm Mặt Trăng Trung Quốc, nói với đài truyền hình CCTV: “Chúng tôi đang phát triển một hệ thống mới sử dụng năng lượng hạt nhân để giải quyết nhu cầu năng lượng tăng cao, dài hạn cho Trạm nghiên cứu khoa học trên Mặt Trăng”.

Tuy nhiên, ông Wu không nói rõ chi tiết kỹ thuật của lò phản ứng mới. Song theo các thông tin trước đó, lò phản ứng này có thể sản xuất 1 megawaat điện, lượng điện đủ cung cấp cho hàng trăm hộ gia đình trong 1 năm.

Năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng ổn định và đáng tin cậy, không cần quan tâm đến vị trí hay ánh nắng Mặt Trời. Nó có thể cung cấp năng lượng cần thiết để duy trì hoạt động cho các thiết bị, tạo ôxy và tách nước cho các phi hành gia.

Trạm nghiên cứu Mặt Trăng của Trung Quốc dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2028. Cấu trúc cơ bản của trạm bao gồm một tàu đổ bộ, một tàu hình nón (hopper), một tàu quỹ đạo cũng như một xe tự hành chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Ông Wu cho biết xe tự hành, do các phi hành gia điều khiển, sẽ lớn hơn nhiều so với hai chiếc Trung Quốc đã vận hành trên Mặt Trăng - bao gồm tàu thăm dò Yutu-2 chạy bằng năng lượng Mặt Trời vẫn hoạt động sau gần 4 năm. Ngoài ra, hệ thống mới cũng có thể cung cấp năng lượng cho tàu hình nón – thiết bị có thể “cất cánh từ bề mặt Mặt Trăng nhiều lần” và có khả năng di chuyển ra vào những miệng núi lửa bị che khuất để tìm kiếm nguồn nước.

Năng lượng hạt nhân cũng sẽ hỗ trợ các cơ sở liên lạc của Trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng, nhằm duy trì liên lạc với Trái Đất cũng như truyền tín hiệu giữa Trái Đất, Sao Hỏa và xa hơn nữa trong các sứ mệnh không gian sâu.

Vỏ Mặt Trăng. Ảnh: NASA
Vỏ Mặt Trăng. Ảnh: NASA

Theo ông Wu, cấu trúc cơ bản của hệ thống mới sẽ được thiết lập dựa trên các sứ mệnh Thường Nga 6, 7 và 8. Ngay sau đó, các phi hành gia Trung Quốc sẽ lần đầu đặt chân lên Mặt Trăng.

Vùng cực nam của Mặt Trăng đã trở thành mục tiêu phổ biến cho các căn cứ trên Mặt Trăng. Các quốc gia - như Trung Quốc, Mỹ và Nga - đang xem xét xây dựng căn cứ không gian ở khu vực này.

“Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đề xuất xây dựng trạm nghiên cứu này ở cực nam Mặt Trăng”, ông Wu nói. Nhà nghiên cứu này cũng cho biết ở vĩ độ khoảng 89 độ nam, có thể có 180 ngày ánh sáng liên tục để duy trì hoạt động lâu dài cho các thiết bị và phi hành gia.

Trung Quốc vẫn đang nỗ lực phát triển tàu vũ trụ Thường Nga 6, 7 và 8. Đây là giai đoạn thứ tư trong chương trình thám hiểm Mặt Trăng của nước này. Trong 15 năm qua, Bắc Kinh đã triển khai thành công 5 sứ mệnh - Thường Nga 1 đến 5 - lên quỹ đạo, hạ cánh thành công tàu vũ trụ lấy mẫu đá từ Mặt Trăng.

Ông Wu nói rằng Trung Quốc sẽ tập trung vào 4 khía cạnh của hoạt động khám phá không gian sâu trong vòng 10 đến 15 năm tới. Ngoài căn cứ trên Mặt Trăng, Trung Quốc cũng sẽ tiến hành nghiên cứu về tác động của tiểu hành tinh, thăm dò hành tinh và phát triển các phương tiện phóng hạng nặng khác.

“Chúng ta cần tăng lực đẩy của tên lửa lên ít nhất 4 lần để hỗ trợ các lần hạ cánh có người lên Mặt Trăng, Sao Hỏa và vận chuyển khối lượng lớn giữa mặt đất và không gian gần Trái Đất”, ông nói.

Theo baotintuc.vn

;
;
.
.
.
.
.