Giải pháp chủ động cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh

.

Áp dụng đề tài khoa học “Nghiên cứu giải pháp và kế hoạch sử dụng nguồn nước các hồ chứa để chủ động cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh của thành phố Đà Nẵng trong điều kiện thời tiết cực đoan” của Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên, những bất cập trong việc quản lý, sử dụng nguồn nước các hồ chứa Đồng Nghệ đã được khắc phục.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên kiểm tra trạm quan trắc hồ Đồng Nghệ. Ảnh: T. THẢO
Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên kiểm tra trạm quan trắc hồ Đồng Nghệ. Ảnh: T. THẢO

Cánh đồng Đồng Quan, thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) được Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên chọn làm cánh đồng mẫu khi triển khai nghiên cứu và thực nghiệm đề tài “Nghiên cứu giải pháp và kế hoạch sử dụng nguồn nước các hồ chứa để chủ động cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh của thành phố Đà Nẵng trong điều kiện thời tiết cực đoan”. Đây là khu vực cuối kênh chính hồ Đồng Nghệ, lượng nước cấp không dồi dào, thời gian cấp nước ngắn nên Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 đã có giải pháp giữ lại lượng nước chảy thừa trên kênh tiêu của đợt cấp nước trước để sử dụng cho đợt sau. Việc thực nghiệm được tiến hành lần đầu vào vụ hè thu năm 2020 với phương thức “tưới tiết kiệm nước” hay còn gọi là “tưới có kiểm soát”. Tổng diện tích khu tưới khoảng hơn 10ha, trong đó chia thành 2 khu: khu mô hình tưới mẫu có diện tích 5,48ha, được lắp đặt hệ thống tưới bằng đường ống lấy nước từ kênh chính dẫn đến mặt ruộng và khu tưới đối chứng, có diện tích 4,84ha, chỉ lắp đặt thiết bị đo lượng nước để so sánh với khu tưới mẫu.

Tại đây, quá trình vận hành cấp nước được kiểm soát qua hệ thống van điều khiển và đường ống kín, vì thế lượng nước tưới được tiết kiệm đáng kể. Theo kế hoạch và định hướng ban đầu lượng nước tưới sẽ được tiết kiệm thông qua 2 phương thức chính, là hạn chế thất thoát nước khi dẫn nước từ kênh chính vào ruộng và kiểm soát lượng nước tưới vào ruộng, không để nước chảy tràn lan gây lãng phí như tưới truyền thống. Hiện tại, mô hình cánh đồng mẫu này được nhân rộng cho những khu vực có điều kiện tương tự tại cánh đồng khu vực An Trạch, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. Qua kết quả nghiên cứu và đặc biệt là triển khai thực tế mô hình mẫu cho thấy hiệu quả tiết kiệm nước khi vừa giảm được lượng tổn thất trên hệ thống tưới, vừa điều chỉnh, kiểm soát lượng nước tưới cho phù hợp với tình hình thời tiết, từ đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân.

Từ việc phân tích, đánh giá hiện trạng hồ cũng như các giải pháp khai thác nước đang sử dụng, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên tính toán lượng nước đến, nhu cầu nước và cân bằng nước cho 8 hồ lớn trên địa bàn thành phố từ năm 2019 đến năm 2030 dựa trên các số liệu khí tượng dự báo. Qua đó, lập ra kế hoạch sử dụng nước dài hạn, giúp cho các nhà quản lý có được bức tranh tổng thể và có những giải pháp phù hợp hơn trong tương lai. Đặc biệt, viện đã xây dựng phần mềm lập kế hoạch sử dụng nước cho hồ Hòa Trung và Đồng Nghệ.

TS. Hoàng Ngọc Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên cho biết, nghiên cứu này đã áp dụng đồng bộ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào vấn đề dự báo nguồn nước các hồ chứa một cách chính xác, lập kế hoạch sử dụng nước dài hạn, ngắn hạn và có điều chỉnh sát thực tế, điều mà trước đây không làm được. Phần mềm này rất linh hoạt, không chỉ phục vụ theo yêu cầu lập kế hoạch sử dụng nước trong công tác dân sinh và sản xuất mà còn giúp phòng, chống thiên tai, đặc biệt là bão.

Đà Nẵng hiện có 20 hồ chứa thủy lợi có nhiệm vụ tưới cho khoảng hơn 2.800ha đất nông nghiệp; trong đó có 8 hồ chứa là hồ Hòa Trung, Đồng Nghệ, Trước Đông, Trường Loan, Hố Gáo, Hóc Khế, Đồng Tréo và hồ Hố Cau với tổng dung tích khoảng 30,9 triệu m3 chiếm hơn 90% nguồn nước cấp cho nông nghiệp và 12 hồ chứa còn lại chủ yếu là hồ chứa nhỏ với tổng dung tích nhỏ khoảng 0,4 triệu m3.

THANH THẢO

;
;
.
.
.
.
.