Phát triển nhân lực công nghệ thông tin: Cần liên kết chặt chẽ "3 nhà"

.

Ngày 30-11, tại tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại Đà Nẵng” do Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng tổ chức, phần lớn ý kiến của các chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp cho rằng cần liên kết chặt chẽ giữa “3 nhà”: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong thời gian đến.

Đại diện cơ quan Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp thảo luận về giải pháp phát triển nhân lực công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố. Ảnh: M.Q
Đại diện cơ quan Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp thảo luận về giải pháp phát triển nhân lực công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố. Ảnh: M.Q

Cần thêm 7.500 nhân lực công nghệ thông tin/năm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến thông tin, tổng doanh thu toàn ngành thông tin - truyền thông thành phố năm 2022 ước đạt 34.293 tỷ đồng, đạt 103,4% kế hoạch, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm: 110 triệu USD, đạt 100% so với kế hoạch, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, theo báo cáo đánh giá Chỉ số chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số năm 2021 của Đà Nẵng đóng góp 12,57% GRDP (cao hơn tỷ lệ trung bình toàn quốc là 9,6%). Hiện nay thành phố ưu tiên phát triển 1 trong 5 lĩnh vực là công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số. Đà Nẵng xác định công nghiệp ICT là nền tảng vững chắc để đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế thành phố, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, đủ năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Trong giai đoạn 2022-2025, thành phố cần bổ sung tối thiểu 7.500 nhân lực/năm và trong giai đoạn 2026-2030, con số này là 8.000 nhân lực/năm. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là số lượng phải đi đôi với chất lượng. Khảo sát của Viện Chiến lược công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy chỉ có khoảng 15% sinh viên ngành công nghệ thông tin mới tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp; 72% sinh viên không có kinh nghiệm, thực hành và 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng mềm. Nhiệm vụ đặt ra là làm thế nào để giải quyết cung cầu về nhân lực công nghệ thông tin giữa cơ sở giáo dục - đào tạo và thị trường, bảo đảm đồng bộ giữa chất lượng và số lượng.

Cần liên kết chặt chẽ “3 nhà”

Ông Lee Jong Wook, Giám đốc Trung tâm Phát triển giải pháp về linh kiện xe hơi của Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết, để giải quyết bài toán nhân lực, ông Lee Jong Wook cho rằng, chính quyền thành phố cần có những chính sách hấp dẫn để thu hút nhân tài ở lại làm việc lâu dài. Bên cạnh đó, vườn ươm, các trường đại học cần nhanh chóng nắm bắt xu thế mới trong đào tạo. “Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ thông tin là ở sở hữu trí tuệ chứ không phải là phần cứng, nên trong lĩnh vực này, con người chính là chìa khóa tạo ra thành công. Nếu chúng ta không giữ chân được nhân lực thì chúng ta sẽ thua trong cuộc chiến toàn cầu, cần có những chương trình trung và dài hạn hợp lý để có thể phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin của thành phố”, ông Lee Jong Wook nói.

Ông Vy Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng đề xuất thành phố cần tiếp tục tạo điều kiện, có chính sách để các trường mở rộng quy mô đào tạo, thu hút sinh viên theo học ngành công nghệ thông tin đến Đà Nẵng để học tập, sinh sống và làm việc, tạo điều kiện cho các chính sách an sinh như cho vay mua nhà để an cư lạc nghiệp... Đồng thời, các trường đại học mở rộng quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các ngành trình độ cao như AI, Big Data, IoT, Blockchain, nhất là cần thay đổi nhanh chóng chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tế.

Theo PGS.TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, hiện nay Đại học Đà Nẵng đang thực hiện giải pháp: đa dạng hóa các loại hình đào tạo ngành công nghệ thông tin (chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa), trình độ đào tạo (cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ), đổi mới nội dung và thời gian đào tạo theo quy định để tạo điều kiện sinh viên sớm tốt nghiệp; sinh viên được cử đi đào tạo thực tế một phần chương trình tại doanh nghiệp, nhờ vậy, các trường giảm được áp lực về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất trong thực hành, thực tập mà sinh viên lại có trải nghiệm thực tế…

Ông Bắc đề xuất Nhà nước cần sớm có chính sách, cơ chế quy định doanh nghiệp phải có trách nhiệm đồng hành cùng nhà trường, xã hội trong nhiệm vụ đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, cần có quy định chuẩn giảng viên ngành công nghệ thông tin phù hợp với thực tế để huy động lực lượng từ doanh nghiệp có trình độ cao, có kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy đại học. Về phía nhà trường cần chủ động đẩy nhanh chuyển đổi số, đón bắt xu thế đổi mới; nâng cao nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, quản lý, giảng viên. Doanh nghiệp cần đồng hành nhà trường hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, phối hợp các trường đại học đặt hàng nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao để đổi mới công nghệ…

MAI QUẾ - CHIẾN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.