Cơ hội để doanh nghiệp công nghệ vươn xa

.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn thành phố đang có nhu cầu mở rộng hợp tác, tăng quy mô hoạt động tại các thị trường nước ngoài. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp nỗ lực giới thiệu, quảng bá sản phẩm, công trình công nghệ tới các đối tác tiềm năng.

Những doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố đang có rất nhiều thuận lợi và được hỗ trợ trong việc thâm nhập thị trường quốc tế. Ảnh: H.A
Những doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố đang có rất nhiều thuận lợi và được hỗ trợ trong việc thâm nhập thị trường quốc tế. Ảnh: H.A

Ông Nguyễn Đức Sơn, Trưởng Văn phòng đại diện Công ty CP Phần mềm Bravo tại Đà Nẵng, cho biết cùng với những nỗ lực phát triển kinh doanh trong nước, các doanh nghiệp công nghệ luôn mong muốn chinh phục thị trường ngoài nước.

Riêng doanh nghiệp của ông đang tăng cường đầu tư, hợp tác, trao đổi với những hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài nhằm mở ra hướng đi mới, thúc đẩy các kế hoạch hoạt động trong tương lai.

Các quốc gia được lựa chọn là Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, bởi việc hợp tác với những quốc gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ sẽ tạo bước đà vững chắc để doanh nghiệp phát huy được các điểm mạnh, khắc phục những hạn chế.

Dù chỉ mới được thành lập vào cuối năm 2022, nhưng Công ty TNHH Phần mềm số TMT của ông Nguyễn Quang Thanh đã nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài với sản phẩm “Phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số”. Nhờ đó, doanh nghiệp nhận được khoản đầu tư từ một nhà đầu tư thiên thần (Angel investor- là người cung cấp nguồn vốn đầu tiên hoặc trong các giai đoạn bắt đầu hoạt động) ở nước ngoài để phục vụ cho việc mở rộng quy mô, nhân sự, để doanh nghiệp đáp ứng những dự án lớn.

Doanh nghiệp tạo được vị thế bằng một số sản phẩm phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp, được nhiều nhà đầu tư nước ngoài biết đến. Để làm được điều đó, doanh nghiệp tham gia nhiều cuộc thi, trưng bày các sản phẩm ở những sự kiện quốc tế về công nghệ thông tin. “Việc hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ mới và thị trường lớn hơn”, ông Thanh cho hay.

Ông Đặng Ngọc Hải, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng, cho hay những năm qua, các doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn thành phố chú trọng xây dựng thương hiệu nhằm xuất khẩu các sản phẩm ra nước ngoài, tạo động lực lớn để thị trường công nghệ cạnh tranh sôi động. Hạn chế hiện nay của thị trường công nghệ thông tin (CNTT) và các sản phẩm liên quan còn rất khiêm tốn, chưa xây dựng được sản phẩm mang tính nổi trội, thể hiện độ nhận diện thương hiệu.

Ông Phạm Kim Sơn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng, nhận định, các doanh nghiệp công nghệ của thành phố đang có nhiều cơ hội và lợi thế lớn về nguồn nhân lực và sự cạnh tranh về giá cả, chất lượng.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chỉ mới đặt ra những mục tiêu ngắn và trung hạn, khiến tư duy chiến lược chỉ gói gọn trong việc định hướng phát triển trong nước mà quên đi việc phát triển song song ở thị trường quốc tế sẽ là một lợi thế lớn. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hợp tác các doanh nghiệp nước ngoài, cũng như tiếp thu các công nghệ ứng dụng mới, tiên tiến.

Từ đó chọn lọc các yếu tố phù hợp để phát huy theo thế mạnh. “Chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp công nghệ quan tâm đặc biệt đối với sự thâm nhập vào thị trường quốc tế, trong đó các khu vực như Đông Nam Á, Mỹ và châu Âu là những thị trường ưu tiên.

Hiệp hội sẽ tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo nhằm làm cầu nối để các doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn thành phố tiếp cận với các quỹ đầu tư, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, từ đó tạo động lực phát triển ngành công nghệ thông tin tiến xa hơn trên trường quốc tế”, ông Sơn chia sẻ.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết, thành phố hiện có hơn 1.900 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, số lượng nhân lực công nghệ số của thành phố hiện nay khoảng 46.500 người và khả năng cao sẽ tăng mạnh trong những năm tới.

Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu phần mềm toàn ngành đã tăng 34% so với năm 2021, đóng góp tỷ trọng cao trong việc thúc đẩy phát triển toàn ngành. Hiện nay, thành phố đang thực hiện các đề án như: Đề án xây dựng thành phố thông minh; đề án chuyển đổi số; kế hoạch xây dựng nhân lực công nghệ thông tin... nhằm cải thiện và thu hút đầu tư kinh doanh; đồng thời phấn đấu đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, khởi nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

HẠNH ANH

;
;
.
.
.
.
.