Kinh tế

Tăng cường tham vấn doanh nghiệp để ban hành chính sách hỗ trợ hiệu quả

14:47, 25/04/2024 (GMT+7)

ĐNO - Sáng 25-4, Đoàn giám sát HĐND thành phố tổ chức họp giám sát chuyên đề về tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Phó Chủ tịch Thường trực, phụ trách HĐND thành phố Trần Phước Sơn chủ trì cuộc họp.

Phó Chủ tịch Thường trực, phụ trách HĐND thành phố Trần Phước Sơn kết luận cuộc họp. Ảnh: M.Q
Phó Chủ tịch Thường trực, phụ trách HĐND thành phố Trần Phước Sơn kết luận cuộc họp. Ảnh: M.Q

Báo cáo tại cuộc họp, lũy kế đến ngày 31-3-2024, trên địa bàn thành phố có 40.223 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động. Đóng góp của doanh nghiệp trong tổng thu nội địa trên địa bàn thành phố năm 2023 là 13.802,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 75,7% trong tổng thu nội địa trên địa bàn (18.236,4 tỷ đồng)

Đến nay, thành phố đã thực hiện 38 chính sách hỗ trợ Trung ương ban hành và ban hành 17 chính sách hỗ trợ tại địa phương. Nhiều chính sách mang lại hiệu quả thực tế với nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng

Có thể kể đến như Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10-8-2020, Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25-9-2021 về giảm tiền thuê đất của năm 2020 và 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19 với số tiền hỗ trợ lần lượt là 23,4 tỷ đồng và 115,1 tỷ đồng; Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31-1-2023 về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19 với số tiền hỗ trợ 150 tỷ đồng.

Chính sách khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 324/2020/NQ-HĐND ngày 9-12-2020 của HĐND thành phố với số tiền thực hiện năm 2023 là 4,4 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình xúc tiến thương mại của theo Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND ngày 20-4-2016 của UBND thành phố với số tiền thực hiện năm 2023 là 4,1 tỷ đồng…

Tuy nhiên, một số chính sách vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp tiếp cận với nhiều nguyên nhân: vướng mắc trong điều kiện thụ hưởng, doanh nghiệp chưa nắm thông tin, vướng mắc về khung pháp lý, chính sách.

Nhiều ý kiến, trao đổi của đại diện hiệp hội doanh nghiệp được thảo luận tại cuộc họp. Ảnh: M.Q
Nhiều ý kiến, trao đổi của đại diện hiệp hội doanh nghiệp được thảo luận tại cuộc họp. Ảnh: M.Q

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – chi nhánh miền Trung-Tây Nguyên cho biết, qua nắm bắt tình hình doanh nghiệp thì nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn rời rạc, doanh nghiệp còn gặp khó trong tiếp cận vốn vay ưu đãi, tiếp cận đất đai…

Ông Quang đề xuất cần hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách tiếp tục cải cách hành chính, giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra; giám sát việc sử dụng đất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, tránh lãng phí trong bối cảnh nguồn lực đất đai của thành phố còn hạn chế

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch thành phố đánh giá, thời gian qua, thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhân lực du lịch hiệu quả như hỗ trợ cho vay chuyển đổi nghề; miễn phí tham quan các di tích, danh thắng, bảo tàng…qua đó hỗ trợ ngành du lịch từng bước phục hồi sau Covid-19.

Tuy nhiên các doanh nghiệp du lịch hiện vẫn khó về tiền thuê lại đất. Vì vậy, ông Dũng đề xuất thành phố có hỗ trợ về tiền thuê lại đất, bên cạnh đó là khai thác, mở rộng thêm các sản phẩm du lịch để thu hút du khách, đặc biệt là sản phẩm du lịch biển

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực, phụ trách HĐND thành phố Trần Phước Sơn đề nghị Ban Kinh tế - Ngân sách phối hợp Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND thành phố tổng hợp, bổ sung các ý kiến các đại biểu dự họp để có văn bản gửi UBND thành phố bổ sung, cập nhật thêm các thông tin về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong đó, lưu ý các nội dung liên quan đến tiếp cận đất đai, các chính sách hỗ trợ cho thuê lại đất, chênh lệch trong mức phí sử dụng hạ tầng tại các khu công nghiệp, sớm đưa Cụm công nghiệp Cẩm Lệ đi vào hoạt động; các vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy; tổ chức các chương trình hỗ trợ, đào tạo doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số…

Đặc biệt là khảo sát các doanh nghiệp về mức độ tiếp cận chính sách, cụ thể doanh nghiệp còn gặp khó về điều kiện nào theo quy định chính sách; tuyên truyền về triển khai chính sách như thế nào để doanh nghiệp có thể nắm bắt. Thời gian tới, đoàn giám sát sẽ làm việc với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, tham vấn ý kiến để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương có hiệu quả.

MAI QUẾ

 

 

.