Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đặt ra giải pháp tăng chi từ ngân sách cho hoạt động, sự nghiệp bảo vệ môi trường không dưới 1% tổng chi ngân sách hằng năm và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Đà Nẵng đã cụ thể hóa yêu cầu nói trên trong những năm qua với nguồn lực rất lớn được bố trí từ ngân sách và huy động nguồn vốn từ các tổ chức, nhà đầu tư để bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người dân và du khách.
![]() |
Trạm xử lý nước rỉ rác Khánh Sơn vừa được thành phố phê duyệt kinh phí vận hành xử lý môi trường. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Trong giai đoạn từ năm 2008-2020, Đà Nẵng đã huy động khoảng 14.000 tỷ đồng để xây dựng thành phố môi trường. Trong đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, thành phố đặt ra việc nâng tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường từ hơn 2% lên hơn 3% trong tổng chi ngân sách thành phố; cụ thể là đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ này vào năm 2025 là 3,7% và năm 2030 là 3,8%.
Những năm gần đây, tỷ lệ chi ngân sách của thành phố cho hoạt động bảo vệ môi trường cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Theo đó, Đà Nẵng đã bố trí ngân sách thành phố rất lớn để đầu tư nhiều công trình bảo vệ môi trường như các trạm xử lý nước rỉ rác, các hệ thống thu gom và xử lý nước thải, các trạm trung chuyển rác hiện đại. Riêng tổng kinh phí quyết toán đầu tư các công trình bảo vệ môi trường năm 2022 hơn 1.021 tỷ đồng, năm 2023 hơn 968 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng bố trí khoản kinh phí đáng kể để vận hành các công trình bảo vệ môi trường đã được đầu tư để bảo đảm các quy chuẩn và nâng cao chất lượng môi trường. Tổng kinh phí chi thường xuyên cho sự nghiệp bảo vệ môi trường (trong đó có kinh phí vận hành các công trình bảo vệ môi trường) tăng mạnh từ 347,566 tỷ đồng vào năm 2022 lên 535,836 tỷ đồng vào năm 2024. Đáng chú ý, thành phố cũng dự toán chi thường xuyên cho sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2025 đến 576,035 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Vừa qua, HĐND thành phố thống nhất dự toán kinh phí thực hiện công tác quản lý, vận hành trạm xử lý nước thải Sơn Trà giai đoạn 2 trong thời gian 5 năm (từ năm 2025-2029) với tổng số tiền 131,92 tỷ đồng (bình quân mỗi năm hơn 26,38 tỷ đồng); dự toán kinh phí quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước rỉ rác Khánh Sơn giai đoạn 1 từ năm 2025-2027 là 111,214 tỷ đồng (bình quân hơn 37,07 tỷ đồng/năm)...
Điều này thể hiện sự quan tâm, dành nguồn lực lớn của thành phố cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường, bảo đảm sức khỏe của người dân và du khách như mục tiêu của đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 mà thành phố tích cực thực hiện trong những năm qua.
![]() |
Trạm xử lý nước thải Sơn Trà tiếp tục được thành phố bố trí kinh phí vận hành trong thời gian đến. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Năm 2025, thành phố đã bố trí tổng cộng hơn 824,7 tỷ đồng cho hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó, bố trí 248,67 tỷ đồng để thi công các công trình bảo vệ môi trường như nâng cấp, cải tạo một số hạng mục Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn giai đoạn 2 (hộc rác số 7); xây dựng, xây lắp trạm trung chuyển rác khu vực quận Cẩm Lệ; xây dựng mới trạm xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Hòa Khánh (giai đoạn 2) với công suất xử lý 5.000m3/ngày; tiếp tục thi công hệ thống thu gom nước thải riêng và các tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn của lưu vực từ đường Hồ Xuân Hương đến giáp tỉnh Quảng Nam...
Tại Quyết định số 483/QĐ-UBND ngày 19-2-2025 của UBND thành phố về danh mục các dự án được phê duyệt và thứ tự ưu tiên triển khai trong thời gian đến, từ nay đến năm 2030, thành phố tiếp tục bố trí ngân sách đầu tư các trạm trung chuyển rác hiện đại tại các quận, huyện; hạ tầng kỹ thuật Khu liên hợp xử lý chất thải rắn (rác) ở phía tây thành phố; khu chôn lấp tro xỉ tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn.
Đồng thời, tiếp tục sử dụng ngân sách để hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải, như tuyến ống thu gom nước thải dọc đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, đoạn từ cầu Đỏ đến quốc lộ 14B; trạm bơm Hòa Cường và hệ thống đường ống thu gom, chuyển tải nước thải về trạm xử lý nước thải Hòa Xuân; hệ thống thu gom nước thải tại các khu tái định cư trên địa bàn xã Hòa Sơn, Hòa Liên (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) về trạm xử lý nước thải Liên Chiểu; xây dựng hệ thống thu gom nước thải các khu vực dọc đường Nguyễn Tất Thành và khu vực Nam Ô; xây dựng hệ thống thu gom nước thải khu vực Hòa Quý và các trạm xử lý nước thải trên địa bàn huyện Hòa Vang...
Thành phố cũng tiếp tục kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn (rác) sinh hoạt; các nhà máy xử lý rác nguy hại; nhà máy tái chế, xử lý rác công nghiệp thông thường và rác sinh hoạt; nhà máy xử lý bùn thải; nhà máy xử lý rác xây dựng..., nhằm huy động các nguồn lực cùng bảo vệ môi trường.
HOÀNG HIỆP