Người thợ mộc gieo chữ

.

ĐNO - “Tôi từng là một đứa trẻ thất học. Chỉ học đến lớp 3 là phải nghỉ để cùng cha mẹ nuôi 10 đứa em nheo nhóc. Nhưng chẳng ai ngăn cản một người ít chữ, chỉ làm thợ mộc đem cái chữ đến với trẻ em nghèo phải không?”, ông Võ Văn Đức (69 tuổi, trú khu dân cư Quang Thành 4A2, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) trải lòng.

Ông Đức dành rất nhiều tâm huyết cho giáo dục.
Ông Đức dành rất nhiều tâm huyết cho giáo dục.

Những ngày chuyển trời này, ông Đức đau luôn. Ông vốn là cựu tù Côn Đảo. Mới mấy hôm trước, nghe người dân điện có một trường hợp bị tai nạn trên địa bàn không có thân nhân, nằm ở nhà mà cái chân ông cứ muốn bươn bả đi, lòng cứ băn khoăn, trằn trọc.

Mới đó mà ông đã gắn bó với công việc thiện nguyện này hơn hai chục năm. Đến ông cũng chẳng thể ngờ, từng là người nghèo nhất xóm nhất làng, chạy vạy từng bữa cơm, từng đồng tiền học cho con mà giờ ông cũng có dăm ba đồng bạc đi giúp lại người ta.

Nhóm từ thiện của ông tập trung những ông bạn già, là những người cùng đi lính với nhau thời ấy. Ai cũng nghèo tiền bạc, chỉ tấm lòng là rộng mở. Với đồng lương hưu ít ỏi cộng với ít tiền chắt bóp lại khi con cháu biếu, vậy mà những “ông già” này đã rộng lòng giúp đỡ cho biết bao trường hợp. Từ người bị tai nạn giao thông tử vong, đến em sinh viên nghèo không có tiền đóng học phí…

Xấp xỉ tuổi 70 nhưng mỗi ngày ông Đức vẫn rong ruổi trên chiếc xe máy đi quanh khu vực mình để “Ai cần thì giúp cho người ta”.
Xấp xỉ tuổi 70 nhưng mỗi ngày ông Đức vẫn rong ruổi trên chiếc xe máy đi quanh khu vực mình để “Ai cần thì giúp cho người ta”.

Mấy chục năm đi làm việc thiện, ông Đức luôn ấp ủ giấc mơ mở lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo. Ông bảo rằng, đó là tâm nguyện của cuộc đời ông, cũng là hoàn thành lời hứa với người anh, người đồng chí đã dạy chữ cho ông những ngày ông ngồi tù Côn Đảo.

Ngày trước, ông chỉ mới nhận biết được mặt chữ là phải nghỉ học. Vật lộn với cuộc sống mưu sinh khiến cái chữ cứ rơi rớt dần. Ngày bị giam vào nhà tù Côn Đảo, ông coi như người mù chữ.

Vậy mà, chẳng biết vì lý do gì, ông khao khát học chữ lắm. Khi ông bày tỏ nguyện vọng này, những đồng chí trong tù đồng tình sẽ dạy chữ cho nhau. Anh lớp 5 bày lại cho em lớp 3,4. “”Lớp học” chỉ diễn ra về đêm, khi tụi lính canh đã ngủ hết. Chẳng bút mực, giấy vở. Các anh cứ nằm cạnh rồi thủ thỉ vào tai nhau. Ngày này qua ngày khác. Những con chữ, con số lâu dần ngấm vào đầu. 5 năm ở tù, khi ra ngoài, tôi tự hào khi trình độ mình đã đạt chuẩn lớp 10”, ông Đức bộc bạch.

Từ một người thất học rồi chật vật nuôi con cái ăn học, ông Đức thấu hiểu nỗi khổ của những gia đình nghèo không có tiền cho con đến lớp. Năm 2013, được sự đồng ý của UBND quận Liên Chiểu và sự ủng hộ của người dân khu phố, ông mở lớp dạy miễn phí cho trẻ em trên địa bàn. Lớp học được mở vào mỗi dịp hè. Phòng học thì tại nhà sinh hoạt cộng đồng của tổ.

Ông bảo, thực sự cuộc sống này là một vòng tròn, con người ta rất có duyên với nhau. Cô giáo đứng lớp bây giờ là một em sinh viên mà trước đây ông từng giúp đỡ. Sau khi ra trường, cô ấy xin được việc làm và quay trở lại cảm ơn ông. Biết ông có ý định mở lớp, cô tình nguyện đến dạy miễn phí. Ngoài cô giáo dạy chính, ông tự tìm đến các Trường ĐH Sư Phạm, ĐH Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng) để tìm những em sinh viên có nguyện vọng dạy học tình nguyện.

Sau khi kêu gọi được giáo viên, ông lại tự mình đi vận động các gia đình đưa con em đến lớp học. Có thời điểm, lớp học của ông có đến 50 em học sinh.

Tụi trẻ con học trong lớp, ông chạy vòng ngoài lo nước nôi, quạt điện, kiêm điểm danh những trò vắng. Lớp học hoạt động rất bài bản. Ông chuẩn bị cả phần thưởng cho những em học giỏi, hay những trò yếu có tiến bộ.

Nhiều lứa học trò địa phương từ lớp học tình thương này mà vươn lên thành học sinh ngoan, giỏi tại trường học. Chị Nguyễn Thị Hà (phụ huynh) chia sẻ: “Con trai tôi tham gia lớp học tình thương của ông Đức từ lớp 2 đến lớp 5. Các cô giáo dạy rất có tâm, kèm cặp từng em một. Cháu chỉ học hè, khi bắt đầu năm học thì chỉ học tại trường, không đi học thêm ở đâu nữa nhưng năm nào cũng đạt học sinh giỏi. Lớp học của ông Đức gần nhà, thân thiện nên trẻ con trong khu phố rất thích”.

Ông Đức suy nghĩ rất căn cơ: “Cha mẹ tụi trẻ ở khu dân cư này đa số là công nhân nghèo. Mùa hè đến, tụi nhỏ được nghỉ học. Cha mẹ không có tiền cho chúng đi học thêm thì mình mở lớp học này. Vừa để dạy chữ vừa có nơi để giữ tụi nó tránh xa các trò chơi điện tử, những trò hư hỏng”. Mới đó mà lớp học hè do ông mở đã duy trì được 5 năm.

Những ngày đầu, nhiều người lo lắng lớp học khó mà duy trì khi kinh phí không có. Ông đã khẳng định chắc nịch: “Tui nhất định làm được. Tui mà không làm nổi thì con cái tui sẽ tiếp tục duy trì. Đây là tâm nguyện lớn nhất của cuộc đời tui”.

Dẫu chỉ là thợ mộc, ít có điều kiện tiếp xúc sách vở, tấm lòng của ông Đức dành cho giáo dục thật đáng quý. Ông đã và đang gieo niềm hy vọng cho biết bao trẻ em nghèo ở khu dân cư này. Rồi đây, ông mong rằng, những em học sinh ấy sẽ thành công và quay trở lại giúp đỡ cho thế hệ sau, như ông đang làm…

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.