"Chiếc xe ân tình" của cụ ông 79 tuổi

.

ĐNO - Suốt 10 năm nay, ông Nguyễn Công Long (79 tuổi, ngụ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cùng chiếc xe tự chế có dán dòng chữ “Cũ cho, sạch cho. Người cần dùng lấy dùng” đi khắp các đường phố Đà Nẵng để quyên góp đồ dùng, quần áo cũ giúp đỡ người nghèo.

Ông
Ông Nguyễn Công Long cùng chiếc xe tự chế của mình

Cứ 15 giờ mỗi ngày, ông Long bắt đầu công việc của mình. Từ ngôi nhà nhỏ trong con hẻm cạnh Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, ông đi qua khắp các tuyến đường chính của thành phố.

Khi đi qua đường Bạch Đằng, ông Long gặp bà Phan Văn Th. (47 tuổi, ngụ quận Hải Châu) ghé xin quần áo cũ. “Tôi mới biết ông Long khoảng 1 tháng gần đây. Nhà tôi khó khăn, không đủ ăn nên đâu dám nghĩ đến việc mua sắm quần áo. Từ lúc biết đến ông Long, tôi mừng lắm. Tính ra thì đây là bịch quần áo thứ 3 mà tôi nhận từ ông Long”, bà Th. bộc bạch.

Chia tay bà Th., ông tiếp tục di chuyển đến đường Lê Hồng Phong để nhận quần áo từ một mạnh thường quân mà ông đã hẹn trước đó. Đó là anh Huỳnh Văn Vui (28 tuổi, ngụ quận Hải Châu). Anh Vui chia sẻ: “Ông Long hay đi ngang khách sạn tôi đang làm nên tôi lưu số điện thoại mà ông dán trên xe rồi về nhà kêu gọi mọi người gom vật dụng không dùng nữa để gửi ông. Đây là lần quyên góp đầu tiên của tôi, và chắc chắn sẽ còn những lần khác”.

Cứ thế, ông Long cùng “chiếc xe ân tình” của mình lăn bánh trên những tuyến đường Đà Nẵng đến tầm 17 giờ với hy vọng gom được thật nhiều đồ dùng, quần áo cũ để giúp đỡ những người khó khăn.

Ông Long nhớ lại, khoảng hơn 10 năm về trước, trong một lần ghé xã Đại Cường (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) thì ông vô tình gặp một người thợ rèn mặc bộ quần áo cũ kỹ, sờn rách. Ông Long liền ngỏ ý sẽ tặng quần áo tươm tất cho người thợ rèn. Cũng từ đó, ông Long bắt đầu đi quyên góp đồ dùng, quần áo cũ để giúp đỡ những người khó khăn.

Đi xe máy thì không thể chở được nhiều quần áo nên khoảng năm 2013, ông Long làm thùng xe như hiện tại rồi dán thêm dòng chữ “Cũ cho, sạch cho. Người cần dùng lấy dùng” để người đi đường dễ nhận biết được rằng ông đang đi quyên góp đồ dùng, quần áo cũ.

Ông Long tâm sự: “Ngày trước, tôi lái xe, rồi làm lốp, thu nhập khá ổn nên tôi vẫn hay đi làm từ thiện. Khoảng 13 năm trở lại đây, sức khỏe không còn được như trước, tôi xin vào làm bảo vệ cho một công ty tư nhân với thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Không còn đủ điều kiện vật chất để giúp đỡ những người khó khăn nên tôi dùng sức để giúp đỡ họ”.

Trên hành trình của ông luôn có những điểm cố định mà ông sẽ dừng tầm từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ như đoạn cuối đường Nguyễn Văn Linh (phía đuôi cầu Rồng), đường Bạch Đằng, số 183 Hoàng Diệu…

Ông cười hiền, bảo: “Đi thì đuối đơ với tồn tiền xăng lắm. Tính đi tính lại thì tiền xăng cũng bay mất 1 triệu đồng/tháng. Nhưng hôm nào đi được là tôi thấy vui lắm! Chứ ngồi nhà lại mệt, sinh bệnh”.

Sợ những người được tặng đồ cảm thấy mặc cảm nên bên cạnh dòng chữ “Cũ cho” ông còn để “Sạch cho”. Lúc còn khỏe, tất cả những quần áo, đồ dùng gom được đều được ông giặt giũ sạch sẽ trước khi đem tặng. Giờ già yếu, không đủ sức để giặt nên dẫu đã để thông điệp “Cũ cho, sạch cho” thì mỗi lần biết ai có ý mang đồ đến quyên góp ông đều không quên dặn đi dặn lại thật kỹ rằng, “Anh/chị làm ơn quyên góp đồ sạch giúp tôi, người nghèo cũng cần được tôn trọng”.

“Với những quần áo, đồ dùng tôi thấy quá cũ, không thể tiếp tục dùng thì chấp nhận bỏ ra chứ không tặng vì sợ làm họ buồn”, ông Long chia sẻ.

Ông Nguyễn Công Long tặng quần áo cũ vừa được quyên góp cho một người phụ nữ đến ngỏ lời xin.
Ông Nguyễn Công Long tặng quần áo cũ cho một phụ nữ nghèo.

Sau khi gom được nhiều đồ, ông cùng người con trai sẽ chở đến tặng những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những địa phương còn nghèo mà ông đã đi tiền trạm trước đó.

Theo đó, khoảng 2 tháng, ông lại chở đồ lên tặng bà con ở xã Đại Cường, xã Đại An (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), xã Bình Tú (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam); khoảng nửa tháng thì chở đồ lên tặng bà con ở Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) rồi khu tái định cư cho người dân làng Vân (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu)...

Giờ đây, khi đến khu tái định cư cho người dân làng Vân, hỏi ai cũng biết ông Long. Ông Đỗ Ngọc Ái, Phó Trưởng ban công tác Mặt trận Chi bộ 11 chia sẻ, “Bà con ở làng Vân biết đến ông Long khoảng 3, 4 năm nay. Thường thì 1, 2 lần/ năm, ông Long lại đem quần áo cũ, mấy thùng mỳ tôm lên, nhờ tôi phân phát cho bà con. Thay mặt bà con làng Vân, tôi chân thành cảm ơn ông Long”.

Tâm nguyện lớn nhất của ông Long hiện nay là được mạnh khỏe để có thể tiếp tục đi quyên góp đồ dùng, quần áo cũ giúp đỡ cho những người khó khăn…

Bài và ảnh: MAI HIỀN

;
.
.
.
.
.