Gieo nghị lực từ đôi tay gầy

.

ĐNO - Đôi chân gần như bất động trên chiếc xe lăn, đôi bàn tay co quắp, thế nhưng Dũng vẫn cố gắng di chuyển qua từng dãy bàn học để hướng dẫn học sinh cách tô màu. Dưới sự trợ giúp từ bàn tay yếu ớt của anh, những vệt màu sinh động do trò vẽ dần hiện ra trên trang giấy trắng...

Anh tên là Trương Tấn Dũng (SN 1982, quê ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), là nhân viên Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố, cơ sở Thanh Khê (gọi tắt là Trung tâm). 

Thầy Trương Tấn Dũng đang hướng dẫn một em học sinh tập tô màu. Ảnh: HÀ TIẾN ANH
Thầy Trương Tấn Dũng hướng dẫn một em học sinh tập tô màu. Ảnh: HÀ TIẾN ANH

Ở Trung tâm có những lớp học đặc biệt. Đặc biệt bởi thầy và trò ở đây đều là những người không may có khiếm khuyết trên cơ thể. Mặc dù vậy, những lớp học ấy chưa bao giờ ngớt đi niềm vui. Với Dũng, anh đã có thâm niên gắn bó xấp xỉ 10 năm với Trung tâm; trở thành người thầy, người bạn của nhiều thế hệ học sinh tại đây.

Lần đầu tiên chúng tôi gặp Dũng là vào tháng 3-2018. Anh cũng như nhiều thầy cô, nhân viên đang làm việc tại Trung tâm không gọi mình bằng hai chữ "người thầy". Họ chỉ xem bản thân mình như một người bạn của học trò trong cuộc sống. Thế nhưng, bằng sự tận tâm với nghề của mình, anh Dũng vẫn thực sự là một người thầy trong mắt chúng tôi cũng như các em học sinh.

Trong căn phòng nhỏ trên đường Nguyễn Văn Huề, anh Dũng đang chăm chú nắm tay, hướng dẫn một em học sinh nhiễm chất độc da cam cách tô màu. Cậu học trò ban đầu ngơ ngác, bàn tay đưa nét chì màu đi loạn xạ. Nhưng rồi chỉ một chốc sau, những nét bút có lề lối đã bắt đầu hiện ra nhờ sự giúp sức của thầy Dũng.

Đôi chân Dũng co quắp trên xe lăn và đôi bàn tay yếu đi từ một cơn sốt bại liệt khi còn bé. Thế nhưng, ngày qua ngày, Dũng vẫn đều đặn đến lớp để dạy các em hát một bài hát, trình bày một bài múa hay đơn giản chỉ là một nét vẽ ngây ngô bằng phấn trên bảng.

Trong dòng hồi tưởng về những năm tháng thiếu thời, Dũng của ngày đó đã từng trốn nhà, “mặc kệ” đôi chân không lành lặn mà đi bán vé số để có tiền theo đuổi việc học. “Tôi ý thức được mình tật nguyền nhưng không vì thế mà đầu hàng số phận được. Phải vượt lên nghịch cảnh để sống, để tự nuôi bản thân mình và để mọi người thấy mình không hề “vô ích, vô dụng” trong cuộc sống này”, Dũng chia sẻ.

Cuộc sống vô tình lấy đi của Dũng đôi chân và đôi tay khỏe, nhưng cũng bù đắp cho anh khiếu thẩm mỹ và sự khéo léo. Không cử động được chân, Dũng dồn hết tâm huyết vào đôi tay để làm việc. Một ngày, cái duyên của Dũng với Trung tâm bắt đầu từ khi anh đi tìm kiếm việc làm. Thấy Dũng có khả năng vẽ và ca hát, lãnh đạo Trung tâm gợi ý anh trở thành người hướng dẫn, chỉ dạy mỹ thuật và âm nhạc cho các em ở đây.

Không có đôi chân khỏe và đôi tay linh hoạt, thế nhưng Dũng vẫn
Không có đôi chân khỏe mạnh và đôi bàn tay linh hoạt, thế nhưng anh Dũng vẫn luôn lạc quan trong cuộc sống của mình. Ảnh: HÀ TIẾN ANH

Từ những nỗi đau của bản thân từ ngày bé, trong đó có cả nỗi đau mồ côi, Dũng thấu hiểu, cảm thông được những khó khăn của học trò. Trong lớp của Dũng nói riêng cũng như tại Trung tâm nói chung có những em không may chịu ảnh hưởng từ di chứng da cam, khuyết tật hoặc có hoàn cảnh nghèo… Chính sự đồng cảm đó cùng với sự nhẫn nại với nghề đã giúp Dũng gắn bó với Trung tâm hơn 10 năm qua, dù cho thu nhập từ công việc ở đây không cao.

Một đồng nghiệp của Dũng, anh Nguyễn Ngọc Phương - cũng là một người thầy khuyết tật đang làm việc tại Trung tâm chia sẻ: “Mỗi em được đưa đến Trung tâm thường là trẻ ảnh hưởng chất độc da cam và trẻ bất hạnh. Mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau, một câu chuyện khác nhau. Hầu hết các em đều gặp vấn đề trong giao tiếp và sức khỏe, thái độ ứng xử chưa được hoàn thiện nên việc dạy dỗ, chăm sóc cho các em cũng hết sức vất vả”.

Ở Trung tâm, có những em được đưa đến trong trạng thái tâm lý chưa hòa đồng, cộc cằn và dễ nổi nóng với người khác. Có em trèo tường bỏ trốn buộc thầy cô phải đi tìm và động viên các em quay về. Có em lại thích cởi bỏ áo quần rồi chạy ra ngoài. Có em lại thích chơi với những vật dụng nguy hiểm, có thể gây sát thương… Có trường hợp thầy cô bị các em “tấn công” bằng nắm đấm hoặc xô vào tường.

Công việc vất vả là thế nhưng thầy Dũng chưa hề có ý định từ bỏ. Niềm vui của anh là khi các em học được những điều hay, lẽ phải từ chính quá trình chỉ dạy của anh và đồng nghiệp, là khi các em từ những đứa trẻ cộc cằn đã biết chào hỏi lễ phép, là khi các em đã vượt ra khỏi sự mặc cảm của bản thân để tiếp tục sống, để không phụ thuộc vào gia đình quá nhiều.

“Những buổi tập cho các em múa hát, khi mình làm những động tác múa và hát liên tục thì có những em rất chăm chú làm theo và cười. Hành động ấy tuy giản đơn thôi nhưng khiến mình cảm động”, anh Dũng kể lại

Là người hướng dẫn các em những kiến thức cơ bản về mỹ thuật, Dũng ấp ủ ước mơ mở một xưởng in ấn để tạo cơ hội việc làm cho các em sau này. Theo anh, để các em “tự nuôi bản thân mình” với một công việc ổn định là điều nên làm.

Dũng nói nhiều về Trung tâm, về học trò nhưng khi ai đó hỏi về ước mơ riêng của anh đối với bản thân, Dũng chỉ cười và bảo không muốn ước mơ xa xôi. Như nói thay lời đồng nghiệp, anh Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ: “Làm việc ở đây, chúng tôi chỉ mong một sức khỏe tốt để có thể theo đuổi công việc ổn định. Hạnh phúc đơn giản là khi buổi sáng có một chỗ để đi và buổi chiều có một chỗ để về”.

Như cái tên của mình, anh Dũng vẫn sống đầy lạc quan, đầy dũng khí sau những năm tháng cơ cực. Bởi vì, anh đã có mục tiêu để theo đuổi, có nghị lực để sống và làm việc, có những cô cậu học trò ngây ngô ngày ngày chờ anh trong căn phòng học thân quen trên đường Nguyễn Văn Huề.

XUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.