Lan tỏa tình yêu thiên nhiên

.

ĐNO - Đi vào hoạt động từ cuối năm 2018, Trung tâm Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên Sơn Trà (17 Lý Tử Tấn, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) đã trở thành địa chỉ thu hút nhiều phụ huynh đưa con nhỏ đến tham quan, học tập, tìm hiểu môi trường tự nhiên và nhận được tình cảm yêu mến từ những vị khách người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại thành phố Đà Nẵng.

được kỳ vọng là nơi giáo dục, trải nghiệm giúp trẻ gần gũi với thiên nhiên.
Trung tâm Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên Sơn Trà được kỳ vọng là nơi giáo dục, trải nghiệm giúp trẻ gần gũi với thiên nhiên.

Một sáng cuối tuần, chị Đinh Thị Vĩnh Hảo, phụ huynh bé Đỗ Kim Hùng, học sinh lớp 2/4, Trường tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu) đến Trung tâm Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên Sơn Trà, nơi chị được giới thiệu sẽ mang đến cho con mình một không gian học tập, trải nghiệm với thiên nhiên, cây cỏ. Là người mẹ luôn hy vọng con mình có thể học được những điều mới mẻ nằm ngoài sách vở, hơn ai hết, chị Hảo hiểu rằng, tình yêu đối với thiên nhiên sẽ giúp con hình thành tấm lòng nhân hậu, nâng cao khả năng quan sát và ý thức bảo vệ môi trường.

Tại đây, chị Hảo nhìn ngắm hình ảnh và đọc những dòng thông tin nói về cây cỏ, muông thú đang sinh sống dưới tán rừng Sơn Trà. Trò chuyện với anh Hoàng Văn Chương, Giám đốc Trung tâm, chị Hảo cho rằng cách bài trí đơn giản nhưng hàm chứa nhiều thông tin hữu ích về thiên nhiên Sơn Trà đã chinh phục được một người mẹ khó tính như chị. Và, chị tin rằng, con trai mình sẽ học được nhiều điều bổ ích khi đến đây.

Cũng trong sáng đó, Trung tâm Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên Sơn Trà còn đón tiếp vài vị khách đặc biệt, trong đó có ông David Atkinson (SN 1957, quốc tịch Úc). Đây là lần thứ 3, ông David ghé đến địa chỉ này, ông bảo, nơi này thật khác biệt và thu hút ông. Khác biệt và thu hút bởi lối thiết kế hiện đại, bắt mắt nhưng vô cùng gần gũi, ấm áp, đẹp như một lời mời gọi bạn bè, em nhỏ đến chơi.

“Tôi yêu nơi này và hy vọng nó sẽ góp phần bảo vệ khu rừng tuyệt đẹp bên bờ biển của các bạn”, David Atkinson nói.

Sau gần một tháng đi vào hoạt động, đã có khoảng 300 người đến với Trung tâm Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên Sơn Trà. Được biết, giáo viên nhiều đơn vị trường học trên địa bàn thành phố đã đến liên hệ, đặt chương trình tham quan, học tập cho học sinh, trong đó, lãnh đạo Trường Liên cấp quốc tế Singapore tại Đà Nẵng đã đặt lịch dài hạn một năm 2 lần đưa học sinh đến đây.

Khánh đến tham quan, học tập tại Trung tâm Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên Sơn Trà.
Du khánh đến tham quan, học tập tại Trung tâm Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên Sơn Trà.

Anh Hoàng Văn Chương cho biết, sự yêu thương của mọi người dành cho địa chỉ này giống như món quà mà anh và đồng nghiệp nhận được sau quãng thời gian dài tập trung xây dựng trung tâm. Là thành viên sáng lập Trung tâm Bảo tồn đa dạng Nước Việt Xanh (GreenViet) từ năm 2012, sau 3 năm làm việc gắn với môi trường thiên nhiên, Hoàng Văn Chương đi Úc du học.

Mang về Đà Nẵng những trải nghiệm mới mẻ từ nước Úc xa xôi, Hoàng Văn Chương nhanh chóng cùng tập thể GreenViet lên ý tưởng, xây dựng đội nhóm, tìm thuê đất mở một trung tâm giáo dục, trải nghiệm về thiên nhiên cho mọi người. Thời gian gấp rút, khối lượng công việc nhiều đến nỗi mỗi ngày Chương và đội nhóm phải ở lại trung tâm từ sáng đến tối mịt, tỉ mỉ thiết kế, xây dựng từng chi tiết, dòng chữ, lựa chọn hình ảnh, trồng cây, “đi xin” từng viên gạch, làm từng cái ghế gỗ cho học sinh ngồi.

Ngoài ra, với sứ mệnh lan tỏa tình yêu thiên nhiên tới cộng đồng, Chương và mọi người bắt tay vào quay, thiết kế những thước phim có thể lột tả được vẻ đẹp của thiên nhiên, hiểu được những mối đe dọa mà con người vô tình tác động lên môi trường… Chương bảo, đây là công việc không hề dễ dàng với những người trẻ nhưng may mắn là anh không đơn độc bởi nhiều người đã đến, tiếp sức bằng tài chính, công sức và cả tình yêu với bán đảo Sơn Trà.

Một trong số đó có nghệ nhân Lê Công Đào (trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu). Ông đã dành hơn 1 tháng trời ròng rã cùng các bạn trẻ thiết kế, đắp bức phù điêu gia đình nhà voọc đang chơi đùa dưới tán cây rừng. Xong công việc chính, ông còn quay ra phụ các bạn thiết kế sân vườn, lót từng mảnh gạch hình thành lối đi, cưa từng khúc gỗ mục làm bàn, ghế… Giữa những tất bật ấy, Lê Công Đào như một người anh, gần gũi mà nghiêm khắc, hồ trộn ra phải làm hết, gạch mang về phải lót hết, gỗ xin vừa đủ, tranh vẽ phải sinh động và có hồn, tất cả góp phần tạo nên một trung tâm giáo dục xanh, thân thiện với thiên nhiên và cả con người.

Nghệ nhân Lê Công Đào chia sẻ, những hình ảnh đẹp về thiên nhiên, muông thú sẽ tác động tích cực vào nhận thức của con người đối với thiên nhiên, môi trường sống. Mới đây, nghệ nhân Lê Công Đào đã mang tới tặng trung tâm 3 bức tranh voọc do chính tay ông vẽ như một sự khẳng định mình sẽ luôn đồng hành với các bạn trẻ trong việc gầy dựng tình yêu thiên nhiên trong mỗi con người. “Tôi sẵn sàng cùng các bạn trẻ GreenViet mở lớp dạy vẽ, nắn tượng miễn phí cho trẻ em tại Trung tâm Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên Sơn Trà. Thời gian tới, chúng tôi sẽ thiết kế thêm một số món quà lưu niệm lấy Sơn Trà làm biểu tượng, góp phần xây dựng nguồn quỹ hoạt động để trung tâm ngày một phát triển”, nghệ nhân Lê Công Đào nói.

Có một câu nói mà tôi vô cùng ấn tượng khi tiếp xúc với những người khách của Trung tâm Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên Sơn Trà. Đó là, khi mới đến, họ là khách, còn bây giờ, họ là người nhà của trung tâm. Người nhà gần gũi và chân tình, quan tâm và yêu mến, mong mỏi và tiếp sức vì một Đà Nẵng xanh, sạch, đẹp trong tương lai, vì một tình yêu với bán đảo Sơn Trà.

Hẳn đó sẽ là động lực để giúp Trung tâm ngày một hoàn thiện hơn trong việc tổ chức các hoạt động dã ngoại, tham quan, học tập, trải nghiệm thực tế tại bán đảo Sơn Trà. Như cách mà anh Hoàng Văn Chương đã nói, cứ đi rồi sẽ đến, cứ yêu thiên nhiên rồi sẽ được thiên nhiên đáp lại bằng những non xanh và tươi mát, bằng những tán rừng muôn thú hát ca. Cứ nghĩ vậy thôi, đã thấy bán đảo Sơn Trà là một nơi có thể gầy dựng tình yêu của người Đà Nẵng đối với thành phố nơi mình đang sinh sống và yêu thương, mỗi ngày. 

Bài và ảnh: TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.