Lớp tiếng Anh miễn phí cho trẻ nghèo

.

ĐNO - Đều đặn thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm đường Núi Thành (quận Hải Châu) lại vang tiếng đọc bài, giảng bài của lớp học tiếng Anh miễn phí do cô Trần Thị Hương (63 tuổi) đứng lớp. Suốt 6 năm nay, trừ những ngày đau ốm nặng, còn lại cô Hương chưa để các em nghỉ một buổi học nào.

Đều đặn thứ 7, chủ nhật hàng tuần, lớp tiếng Anh miễn phí của cô Hương lại vang tiếng đọc bài, giảng bài.
Đều đặn thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, lớp tiếng Anh miễn phí của cô Hương lại vang tiếng đọc bài, giảng bài.

Trong phòng khách rộng chừng 15m2 với chiếc bàn cũ và vài cái ghế. Không bảng đen phấn trắng, cô và trò tương tác trực tiếp với nhau trên từng trang sách. Lớp học có 3 em học sinh tiểu học với 3 lớp khác nhau. Có thời điểm, lớp học đông đến gần 10 em. Cô trò quây quần quanh chiếc bàn cũ kỹ. Tiếng đọc bài, giảng bài xen lẫn tiếng cười đùa rộn vang cả căn nhà nhỏ.

Cô Hương kể, trước năm 1975, cô theo học trường của người Pháp tại Đà Nẵng và học tiếng Anh qua người Pháp. Sau đó, cô lên Đà Lạt theo học trường của người Anh. Sau giải phóng, cô về lại Đà Nẵng sinh sống và làm việc. Về hưu, với vốn tiếng Anh có sẵn, cô nhận kèm cặp cho con cái của người quen, bạn bè.

Cô Hương cần mẫn chỉ cách phát âm, sửa từng câu, từng chữ cho các em.
Lớp học của cô Hương và học trò chỉ vỏn vẹn trong căn phòng 15m2.

Từ năm 2013, cô Hương bắt đầu nhận dạy tiếng Anh cho các cháu nhỏ nhà nghèo trong xóm. Với tình yêu thương trẻ, cô Hương dạy dỗ, kèm cặp các cháu tiến bộ từng ngày.

Có cháu ban đầu không đọc rõ một từ nào mà giờ có thể giao tiếp. Có cháu từ điểm tiếng Anh yếu, kém giờ nay khá, giỏi. Có cháu ban đầu không biết một từ tiếng Anh, giờ viết được cả đoạn văn bằng tiếng Anh.

Tiếng lành đồn xa, các gia đình ở nơi khác cũng đưa con đến gửi. Dù rất muốn dạy các em nhưng căn nhà nhỏ không đủ chỗ ngồi, cô Hương chỉ ưu tiên nhận những em thực sự khó khăn.

Các em đến với lớp của cô đa phần con nhà nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Có em mồ côi cha, em mồ côi mẹ, em thì đau ốm thường xuyên. Dù hoàn cảnh khác nhau nhưng ở các em đều có tinh thần ham học.

Mỗi sáng thứ bảy, thay vì lo cho bản thân, cô lại thức dậy sớm hơn, quét tước, lau dọn nhà cửa, chuẩn bị bàn ghế, nước uống để đón các em đến học. “Các cháu đến với nhà tôi cũng giống như một vị khách. Tôi luôn chuẩn bị tươm tất và tiếp đón các cháu chu đáo. Có như thế các cháu mới cảm thấy được chào đón và có tinh thần học tập”, cô Hương bộc bạch.

Cô Hương đang giảng bài cho các em.
Cô Hương cần mẫn chỉ cách phát âm, sửa từng câu, từng chữ cho các em.

Đến với lớp học của cô Hương từ năm lớp 2, em Phan Lương Dy Hân (lớp 4, Trường tiểu học Lê Đình Chinh) được cô Hương kèm cặp, dạy dỗ chu đáo. “Học kỳ vừa rồi điểm kiểm tra môn tiếng Anh của con được 9. Đây là số điểm cao nhất từ trước đến nay con đạt được trong môn tiếng Anh. Tất cả là nhờ cô Hương đã chỉ dạy kỹ lưỡng, tường tận cho con”, Hân nói.

Không chỉ dạy các em học, cô Hương còn thường xuyên tặng quà động viên mỗi khi các em làm bài kiểm tra ở trường được điểm cao hay phát biểu trong quá trình học.

Những món quà của cô Hương khá giản dị, khi thì hộp bút màu, cục tẩy, cuốn tập mới để khích lệ các em cố gắng. Cô còn đi xin vải thừa ở các cửa tiệm may túi đựng bút, khăn lau tặng các em. Cô bảo, tặng túi đựng bút để tập cho các em thói quen ngăn nắp, gọn gàng; khăn lau để các em lau chùi, giữ gìn đồ dùng học tập sạch sẽ.

Các em đến với lớp học miễn phí của cô Hương dù hoàn cảnh khó khăn nhưng rất ham học.
Các em đến với lớp học miễn phí của cô Hương dù hoàn cảnh khó khăn nhưng rất ham học.

Có những hôm đợi người nhà đến đón lâu, các em đói bụng, cô Hương nấu mỳ, nấu cháo, đi mua bánh trái cho các em ăn lót dạ. Không chỉ dạy chữ, cô Hương còn chỉ cho các em về phép tắc, lễ nghĩa trong cuộc sống; dạy các em về tình yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

“Tôi xem các cháu như con, cháu ruột thịt của mình. Các cháu đói thì cho ăn, khát thì cho uống. Cháu nào chưa ngoan thì tôi chỉ bảo, dạy dỗ. Các cháu còn nhỏ nên mình phải có trách nhiệm chăm lo, bất luận đó có phải là con cháu ruột thịt hay không”, cô Hương tâm sự.

Sau khi kết thúc một năm học, cô Hương cho các em vẽ những bức tranh yêu thích và tặng lại cho lớp học. Các bức tranh của các em được cô Hương ép nhựa, trân trọng treo trên tường, cất trong tủ kính hay dán lên cửa.

Cứ mỗi lứa học trò đi qua, lớp học lại thêm những bức tranh ngộ nghĩnh. Có em vẽ bữa cơm gia đình hạnh phúc. Em lại vẽ lớp học từa tựa lớp học của cô Hương. Em khác lại vẽ hình ảnh người phụ nữ mặc áo dài với viên phấn trắng.

Tất cả những bức vẽ, dù trắng đen hay tô màu, dù nghệch ngoạc hay trau chuốt, cô Hương đều trân trọng, gìn giữ như một cách để ghi nhớ các em.

“Tiếng Anh ngày càng quan trọng và cần thiết. Nếu các em không được học từ nhỏ thì sau này rất khó thành thạo. Ngày nào tôi còn sống, còn sức khỏe, còn đọc được, nói được thì tôi vẫn sẽ dạy cho các cháu”, cô Hương nói.

Bài và ảnh: LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.