Tranh thủ 'giờ vàng', tận tình cứu chữa bệnh nhân

.

Với tinh thần “Hồi sức tận lực - Tích cực tận tâm”, bác sĩ Phạm Như Thông (SN 1986, quê Quảng Nam), công tác tại Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng đã có nhiều đóng góp để cải thiện mạnh mẽ quy trình điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp, mang lại cơ hội cứu sống, phục hồi cao hơn cho bệnh nhân đột quỵ. Bác sĩ Thông cũng là 1 trong 10 cá nhân được vinh danh Nụ cười công chức Đà Nẵng năm 2018.

Bác sĩ Phạm Như Thông cấp cứu một bệnh nhân nam được chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não.
Bác sĩ Phạm Như Thông cấp cứu một bệnh nhân nam được chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não.

1. Chị Nguyễn Thị Mỹ L. (SN 1985, ngụ phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ), một trong những bệnh nhân được bác sĩ Thông điều trị thành công, bồi hồi kể lại: “Tôi vẫn còn nhớ như in, 6 giờ 40 phút ngày 4-1-2018, tôi chuẩn bị đi làm thì thấy chóng mặt rồi bị liệt nửa người, nói khó. Đến 7 giờ, người nhà phát hiện, gọi xe cấp cứu đưa tôi đến Bệnh viện Đà Nẵng. Sau đó, bác sĩ Thông trực tiếp điều trị cho tôi. Cứ chưa đầy 1 giờ đồng hồ, bác sĩ lại vô kiểm tra tay chân xem có tiến triển gì không”.

“Tại thời điểm bác sĩ đột quỵ tiếp cận bệnh nhân L. và chẩn đoán xác định, bệnh nhân may mắn vẫn còn trong “thời gian vàng” (4,5 giờ đồng hồ đối với phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết và 6 giờ đồng hồ đối với phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ - P.V). Đội Đặc nhiệm đột quỵ (Đội ĐNĐQ) đã nhanh chóng dùng thuốc tiêu sợi huyết cho bệnh nhân. Sau dùng thuốc, các triệu chứng liệt và nói khó bắt đầu cải thiện dần. Sau 24 giờ, bệnh nhân phục hồi gần như hoàn toàn và các hoạt động sinh hoạt gần như bình thường. Bệnh nhân sau đó được làm tất cả các xét nghiệm để tầm soát nguyên nhân gây đột quỵ trong đó có siêu âm Doppler xuyên sọ có ghi nhận bệnh nhân hẹp nặng mạch máu lớn nội sọ cần theo dõi và điều trị tích cực”, bác sĩ Thông cho hay.

Quay trở lại cuộc sống bình thường, chị L. vẫn chưa dám tin mình có thể vượt qua bệnh tật. “Lúc được đưa đi cấp cứu, tôi cứ sợ mình không thể hồi phục. Những ngày điều trị ở bệnh viện, bên cạnh việc thăm khám, điều trị, bác sĩ Thông luôn động viên khiến tôi mạnh mẽ và nỗ lực hơn”, chị L. xúc động.

Trường hợp khác, ông Trần L. (SN 1955, ngụ huyện Hòa Vang) bị đột quỵ nhồi máu não cấp vừa được xuất viện sau 4 ngày điều trị tại Khoa Đột quỵ. Bác sĩ Thông cho biết, “Sau khi tiếp nhận bệnh nhân Trần L., chúng tôi liền khởi động quy trình điều trị cấp với lấy máu làm các xét nghiệm tối khẩn, chụp CT sọ não và hội chẩn bác sĩ trực Đội ĐNĐQ tối hôm đó. Bệnh nhân được nhanh chóng chuẩn đoán xác định và điều trị thuốc tiêu sợi huyết sau 30 phút nhập viện. Ngay sau dùng liều nạp thuốc tiêu sợi huyết, Đội ĐNĐQ đã đưa bệnh nhân đi chụp CT mạch máu não khẩn để xác định phương án điều trị lấy huyết khối nếu có tắc mạch máu lớn.

Bệnh nhân Trần L. là trường hợp tắc động mạch thân nền, đây là mạch máu cực kì quan trọng, nếu tắc mạch máu này nguy cơ tử vong là trên 90%. Tiếp đó, bệnh nhân được nhanh chóng đưa vào phòng can thiệp và lấy huyết khối thành công. Ngay sau can thiệp, bệnh nhân cải thiện tri giác, tỉnh chậm, hỏi thì có vẻ biết, thực hiện y lệnh nhưng còn chậm, còn liệt nửa người nên được theo dõi đặc biệt tại phòng Hồi sức Khoa Đột quỵ. Những ngày tiếp theo, bệnh nhân được điều trị với tập vận động, phục hồi chức năng và điều trị dự phòng tái phát.

Đó là 2 trong nhiều bệnh nhân bị đột quỵ não hay tai biến mạch máu não được cứu sống nhờ đội ngũ y, bác sĩ tận tụy, tranh thủ “giờ vàng” để cấp cứu và điều trị. Điều này có sự đóng góp không nhỏ của bác sĩ Thông. Cuối năm 2017, với mục tiêu tăng cường liên kết bác sĩ đột quỵ, bác sĩ cấp cứu, can thiệp mạch não trong công tác chẩn đoán điều trị bệnh nhân đột quỵ cấp nhằm cải thiện quy trình, rút ngắn thời gian điều trị, bác sĩ Thông đề xuất thành lập Đội ĐNĐQ. Hiện Đội ĐNĐQ gồm 9 thành viên nồng cốt là 9 bác sĩ của Khoa Đột quỵ.

Bác sĩ Thông chia sẻ: “Trong điều trị đột quỵ, “thời gian là não”, càng chậm trễ điều trị càng làm tiêu tốn tế bào não của bệnh nhân do đó công tác điều trị luôn đi đôi với việc đánh giá cải tiến quy trình. Chúng tôi đã làm nghiên cứu nhận xét điều trị bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não, qua đó nhận thấy một số điểm cần cải thiện trong quy trình điều trị và đã được Ban Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng quan tâm để họp và đưa ra một quy trình mới tăng cường phối hợp giữa các khoa liên quan”.

Bác sĩ Phạm Như Thông thăm khám một bệnh nhân nam bị đột quỵ nhồi máu não.
Bác sĩ Phạm Như Thông thăm khám một bệnh nhân nam bị đột quỵ nhồi máu não.

Từ khi Đội ĐNĐQ được thành lập, quy trình điều trị được thực hiện nhanh hơn, giúp tránh bỏ sót những bệnh nhân khó chẩn đoán, giảm thời gian chờ đợi các xét nghiệm, tăng số lượng bệnh nhân tiếp cận điều trị cấp, tăng số bệnh nhân được dùng các phương pháp điều trị hiệu quả trong “thời gian vàng”, tăng số lượng bệnh nhân phục hồi…

“Đội ĐNĐQ luôn làm việc khẩn trương, nhanh chóng, hội chẩn nhanh qua mạng xã hội (zalo) để đưa ra quyết định chính xác và kịp thời nhất. Bên cạnh đó, việc thành lập Đội ĐNĐQ còn có vai trò đào tạo, hỗ trợ cho các bác sĩ để nâng cao trình độ, học tập kinh nghiệm từ các đàn anh đi trước, trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong điều trị”, bác sĩ Thông bày tỏ.

2. Giỏi chuyên môn, luôn tận tâm cứu chữa bệnh nhân, song trở thành bác sĩ không phải là lựa chọn đầu tiên của bác sĩ Thông thời còn đi học. “Định hướng ban đầu của tôi là thi vào Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) để dễ xin việc sau khi ra trường và đỡ tốn kém chi phí học tập”, bác sĩ Thông kể. Tuy nhiên, vốn có năng khiếu về môn Sinh học, 3 năm THPT đều tham gia đội tuyển học sinh giỏi Sinh học của trường, thêm phần mẹ hay đau ốm, bác sĩ Thông đã lựa chọn học Trường Đại học Y Dược Huế, chuyên ngành Bác sĩ đa khoa sau khi thi đậu cùng lúc Trường Đại học Bách khoa và Đại học Y Dược Huế.

Cuối tháng 12-2013, theo diện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố (Đề án 922), bác sĩ Thông được phân công về nơi được mệnh danh là “đầu sóng ngọn gió” của Bệnh viện Đà Nẵng - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Đến tháng 4-2019, Khoa Đột quỵ được thành lập, bác sĩ Thông chuyển về công tác tại đây. Bác sĩ Thông bộc bạch: “Tôi không chọn nghề mà nghề đã chọn tôi.

Trong quá trình công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, tôi nhận thấy chuyên ngành đột quỵ mới phát triển tại Bệnh viện Đà Nẵng. Điều trị đột quỵ cấp có thể đưa bệnh nhân từ rất nặng, tàn phế trở về cuộc sống bình thường hoặc gần như bình thường nên tôi thích chuyên ngành này. Tại Bệnh viện Đà Nẵng, các bác sĩ đều được tạo nhiều điều kiện để theo đuổi chuyên ngành yêu thích, đặc biệt là các học viên theo đề án 922, chính vì vậy, tôi luôn được ủng hộ và cho đi đào tạo chuyên sâu về đột quỵ”.

Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7-2016, bác sĩ Thông được cử đi học chuyên sâu về bệnh lý đột quỵ và siêu âm Doppler xuyên sọ tại Bệnh viện Nhân Dân 115 (thành phố Hồ Chí Minh). Sau khi học về, bác sĩ Thông tiếp tục cùng các y bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đẩy mạnh và cải thiện công tác điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp, giúp tăng số lượng bệnh nhân phục hồi và quay lại cuộc sống bình thường từ liệu pháp này.

3. Hằng năm, bác sĩ Thông cùng các cộng sự luôn có các đề tài nghiên cứu khoa học mang tính thực tiễn được hội đồng khoa học của bệnh viện và Sở Y tế công nhận trong đó có nhiều đề tài liên quan đến đột quỵ...

Nhờ đó, từ năm 2013 đến cuối năm 2016, bệnh viện đã điều trị cho hơn 200 bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não sớm với tỷ lệ thành công 81,7%, tỷ lệ biến chứng 3,3%, thời gian điều trị trung bình 72,98 phút. Đặc biệt, việc ứng dụng đề tài việc điều trị tiêu sợi huyết đã giúp bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não có thêm nhiều cơ hội được phục hồi nhanh hơn, có cơ hội được trở lại cuộc sống gần như bình thường khi đến bệnh viện sớm trong 4,5 giờ đầu. Số lượng bệnh nhân được điều trị tiêu sợi huyết tăng dần theo từng năm.

Tháng 8-2016, Bệnh viện Đà Nẵng cũng đã triển khai thành công phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ Solitaire đem lại cơ hội phục hồi cho những bệnh nhân không có chỉ định hoặc dùng alteplase không cải thiện do tắc mạch não lớn với thời gian kéo dài đến 6 giờ đầu. Điều trị lấy huyết khối bằng dụng cụ đã tiến hành trên 22 trường hợp với tỷ lệ tái thông tốt mạch máu là 83,3%.

Để tăng cường tỷ lệ bệnh nhân được tiếp cận và điều trị kỹ thuật mới, Đơn vị Đột quỵ đã không ngừng cải tiến quy trình điều trị, giảm bớt các thủ tục, áp dụng sáng kiến cải tiến “túi đột quỵ” giúp rút ngắn bớt thời gian điều trị thuốc rTPA. Túi này luôn có đầy đủ thiết bị, dụng cụ, thuốc tiêu sợi huyết kèm theo đó là bảng thông tin bệnh nhân, kết quả CT mạch máu não.

Kết thúc cuộc trò chuyện, bác sĩ Thông bày tỏ: “Tôi luôn mong người dân có những hiểu biết đúng đắn về đột quỵ để có thể cứu được những người xung quanh khi họ chẳng may gặp phải. Hiện Khoa Đột quỵ vẫn luôn tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục về bệnh lý đột quỵ thông qua báo chí, truyền hình, trang mạng xã hội facebook “Đơn Vị Đột Quỵ Bệnh viện Đà Nẵng”, thông qua địa chỉ mail: dotquynaobvdn@gmail.com, duy trì số hotline 0898.244.555 để tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân trong thành phố cũng như các tỉnh lân cận để biết về bệnh lý đột quỵ”.

Bài và ảnh: MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.