Trao tận tay cơm miễn phí cho người khó khăn

.

ĐNO - Những ngày này, trên nhiều tuyến đường của thành phố, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những tấm bảng thông báo với nội dung: “Cơm miễn phí”, “Phát cơm miễn phí”, “Điểm tặng thực phẩm hằng ngày - Ai cần cứ lấy”. 

Mọi người xếp hàng trật tự, đứng cách nhau 2 mét đợi nhận cơm miễn phí. Ảnh: L.P
Mọi người xếp hàng trật tự, đứng cách nhau 2m để nhận cơm. Ảnh: L.P

Một ngày đầu tuần, tại điểm phát cơm miễn phí ở ngã tư Phan Châu Trinh - Hùng Vương, hàng dài người đang xếp hàng đợi để nhận cơm miễn phí. Phần lớn trong số họ là những người lao động khó khăn: ve chai, xe thồ, xích lô, công nhân vệ sinh môi trường, người khuyết tật.

Mặc kệ thời tiết đầu hè oi bức, các tình nguyện viên luôn tay gói những phần cơm, canh, nước suối vào túi và đưa tận tay người nhận. Mọi việc diễn ra trật tự, nề nếp. Ai nấy đều đứng đúng vạch kẻ, cách nhau 2m theo quy định. Mỗi người khi tiến đến nhận cơm đều sát khuẩn tay. Nhận cơm xong là đi ngay, không đứng lâu hay tụ tập.

Tại điểm phát cơm miễn phí trên đường Điện Biên Phủ, hơn 11 giờ trưa, bà Ngô Thị Lan (69 tuổi) dắt chiếc xe chất đầy ve chai từ từ tiến đến. Bà dựng xe, sát khuẩn tay rồi đứng vào vạch xếp hàng đợi đến lượt. Khi tình nguyện viên đưa suất cơm cùng chai nước suối, bà Lan giơ tay đón nhận rồi cảm ơn rối rít.

“May quá có điểm phát cơm miễn phí này chứ trưa nay tôi không biết ăn gì. Từ ngày cách ly xã hội, mấy quán cơm bụi, bánh mỳ đóng cửa hết nên nhiều hôm tôi chỉ uống nước cho qua bữa”, bà Lan xúc động nói.

Những suất cơm miễn phí giúp người nghèo, người có thu nhập thấp vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: L.P
Những suất cơm miễn phí giúp người nghèo, người có thu nhập thấp vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: L.P

Vừa nhận suất cơm từ tình nguyện viên, ông Trần Bình (65 tuổi, làm nghề xe ôm) gật đầu cảm ơn liên tục. Hơn một tháng nay, vì dịch bệnh nên ông Bình luôn trong tình trạng ế khách. Bữa cơm trưa hàng ngày vì thế cũng trở nên chật vật hơn.

“Trưa nay tôi không phải ăn bánh mỳ rồi. Những bữa cơm miễn phí thế này rất ý nghĩa với người lao động phổ thông như chúng tôi, nhất là trong thời điểm khó khăn này”, ông Bình bộc bạch.

Theo anh Nguyễn Bình Nam (Chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau), hoạt động phát cơm miễn phí được anh và những người bạn thiện nguyện lên kế hoạch thực hiện từ ngày 6-4 đến hết ngày 16-4, nhằm hỗ trợ cơm trưa cho những người khó khăn, những người lao động thu nhập thấp.

Cũng theo anh Nam, kinh phí để thực hiện phát cơm được anh kêu gọi, vận động từ mọi người. “Trước tình hình dịch phức tạp, công việc mưu sinh của những người bán vé số, ve chai, lao động phổ thông vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Từ đó, chúng tôi mong muốn nấu những suất cơm gửi tặng đến họ, chia sẻ với họ phần nào khó khăn, giúp mọi người cùng nhau vượt qua giai đoạn này”, anh Nam nói.

Sát khuẩn tay trước khi nhận cơm để bảo đảm an toàn trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: L.P
Sát khuẩn tay trước khi nhận cơm để bảo đảm an toàn trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: L.P

Anh Hồ Ngọc Thanh (đầu bếp chính phụ trách nấu cơm) cho biết, thực đơn mỗi bữa gồm 2 món mặn, 1 món canh, 1 món rau và cơm. Những ngày rằm, mồng 1 sẽ phát cơm chay, những ngày thường là cơm mặn. Thực đơn được thay đổi hàng ngày để người ăn không ngán. Bên cạnh đó, để bảo đảm vệ sinh, an toàn trong mùa dịch, mọi người khi tham gia sơ chế, nấu ăn, phát cơm đều đeo khẩu trang, đeo găng tay đầy đủ và sát khuẩn tay thường xuyên.

“Từ sáng sớm, chúng tôi đến chợ đầu mối để mua rau, củ quả tươi; xuống bến cá để mua được cá tươi ngon. Sau khi mua về, thực phẩm được các tình nguyện viên sơ chế cẩn thận. Đích thân tôi sẽ chế biến món ăn. Sau đó mọi người đóng hộp và đưa đến điểm phát”, anh Thanh cho biết.

Bạn Huỳnh Thị Thùy Trang (SN 1990) là một trong những tình nguyện viên đăng ký hỗ trợ nấu cơm hàng ngày. Trang vốn là nhân viên khách sạn nhưng đang nghỉ việc do ảnh hưởng bởi Covid-19. Khi thấy thông tin cần người phụ nấu cơm từ thiện, Trang lập tức đăng ký tham gia.

“Thời gian này tôi tạm nghỉ việc do khách sạn không có khách. Do đó, tôi muốn góp chút công sức để nấu những bữa cơm gửi tặng đến những người khó khăn trong mùa dịch. Đây là việc làm ý nghĩa nên tôi sẽ cố gắng tham gia mỗi ngày”, Trang chia sẻ.

Mọi người xếp hàng nhận cơm tại điểm phát cơm số 291 Phan Châu Trinh (quận Hải Châu). Ảnh: L.P
Mọi người xếp hàng nhận cơm tại điểm phát cơm số 291 Phan Châu Trinh (quận Hải Châu). Ảnh: L.P

Cũng theo anh Nam, trong ngày phát cơm đầu tiên, nhóm anh nấu 300 suất và phát hết. Nhiều người đến sau không còn cơm. Do đó, từ ngày thứ 2 trở đi, anh Nam tăng số lượng lên 500 suất cơm. Hiện tại, anh Nam tổ chức 5 điểm phát cơm miễn phí gồm: ngã tư Phan Châu Trinh - Hùng Vương, ngã tư Hải Phòng - Ông Ích Khiêm, ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Trưng Nữ Vương, số 515 Tôn Đức Thắng và số 592 Điện Biên Phủ. 5 điểm phát cơm trải rộng khắp các quận để những người khó khăn ở mọi nơi đều được nhận cơm. Đồng thời, đây cũng là cách để mọi người không tập trung đông tại một nơi, bảo đảm an toàn trong mùa dịch.

“Ngoài 5 điểm phát cơm miễn phí trên, chúng tôi đang tìm thêm các địa điểm khác để ngày càng có nhiều người được nhận cơm miễn phí. Trước mắt, chúng tôi sẽ phát mỗi ngày 500 suất cơm đến hết ngày 16-4. Sau thời gian này, nếu có chỉ đạo tiếp tục thực hiện cách ly xã hội và tùy vào sự chung tay của mọi người, chúng tôi sẽ tiếp tục có những hoạt động hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ đến những người khó khăn”, anh Nam nói.

Hiện tại, ngoài 5 điểm phát cơm miễn phí trên, nhiều mạnh thường quân còn tổ chức phát cơm miễn phí tại nhiều địa điểm khác trên địa bàn thành phố như: số 291 Phan Châu Trinh, số 31 Yên Bái… để chung tay chia sẻ, giúp đỡ những người khó khăn bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.