San sẻ yêu thương với người nghèo

.

Những người lao động kiếm sống qua ngày, không có lương cố định, không bảo hiểm thất nghiệp, không bảo hiểm y tế… là những đối tượng bị tổn thương nặng sau Covid-19. Rất mừng là cả cộng đồng đang chung tay cùng người lao động nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Người khó khăn quận Thanh Khê nhận gạo tại điểm cấp phát trên địa bàn quận trong thời gian Covid-19. Ảnh: Q.T
Người khó khăn quận Thanh Khê nhận gạo tại điểm cấp phát trên địa bàn quận trong thời gian Covid-19. Ảnh: Q.T

“Chưa bao giờ thèm lao động như lúc này”

Bà Đoàn Thị Gái (sinh năm 1966, trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) có một xe đẩy nhỏ bán các loại nước giải khát đối diện Trường Đại học Thể dục - Thể thao Đà Nẵng. Thực hiện nghiêm chỉ thị cách ly của chính quyền, bà chỉ vừa bán trở lại được hơn chục ngày nay.

Tay thoăn thoắt đập đá viên, đánh tan đường cát, rửa ly tách, bà trò chuyện rôm rả với những người bán hàng vỉa hè bên cạnh. Tiếng cười khanh khách vui vẻ đã rất lâu mới trở lại trên môi người phụ nữ lam lũ này. Bà Gái bảo, những ngày nghỉ bán vì Covid-19 thực sự là cơn ác mộng với gia đình bà.

Cả nhà 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào xe nước giải khát. Hôm nghe mấy người bán buôn trước trường nói từ ngày mai không được bán nữa, hai tai bà ù đi, chỉ vọng lên ong ong câu hỏi: “Rồi lấy gì ăn?”. “Chiều trước ngày cách ly, tôi ra chợ Kỳ Đồng mua đồ ăn như thường lệ, thấy người ta chen chúc mua bán còn hơn mấy ngày giáp Tết. Nhìn họ mua lấy mua để mà tui sững sờ. Chỉ nghĩ đơn giản “tiền mô mà họ mua lắm rứa hè”.

Đến tối xem thời sự mới biết người ta mua trữ đồ ăn trong nhà. Mình chạy ăn từng bữa chưa xong, còn người ta mua trữ cả tuần, cả tháng. Nhìn thùng gạo cạn đáy của nhà mình mà tui rầu thúi ruột”, bà Gái kể.

Nói rồi, bà lắc đầu cười: “Thôi bỏ qua đi. Chừ cuộc sống trở lại bình thường rồi. Sáng tui lại đẩy xe ra đường, chiều đẩy về, kiếm vài chục bạc. Từ hồi nghỉ dịch mới thèm làm việc khủng khiếp. Trước đây cứ than cực than khổ vì cả ngày luôn tay luôn chân chuẩn bị các thứ từ làm thạch, chanh dây, rau má, ca cao, nấu nước đường… Hôm nào cũng giữa đêm mới được ngả lưng. Chừ tui thèm được cực như rứa. Mấy chị quanh đây ai cũng nói rứa. Được bán lại mừng dễ sợ”.

“Thèm được lao động” không chỉ là khát khao riêng của bà Gái mà của hàng nghìn lao động nghèo. Họ là những người bán vé số, hàng rong, ve chai, sửa xe, thợ hồ, bồi bàn, phụ bếp… Những người chỉ cần buổi sáng không bước chân ra khỏi nhà làm việc thì nguy cơ không có bữa trưa, bữa tối rất lớn.

Bà Lê Thị Yến Nga (sinh năm 1968, trú xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) kể, "những người ở tuổi trung niên như bà tại xã Hòa Ninh nếu không làm nông thì đa phần đi làm tạp vụ, buồng phòng, rửa chén bát cho các nhà hàng, khách sạn, hoặc “cao cấp” hơn là làm việc ở Khu nghỉ dưỡng Bà Nà Hills.

Từ khi Covid-19 xuất hiện, các điểm du lịch không được đón khách, những lao động như bà đành phải mất việc, ở nhà không lương. Ở nhà đi ra đi vô, tiền bạc không có lại thèm cái không khí tất bật của những ngày đi làm. Đến chừ nhà hàng cũng chưa mở lại nhưng họ đã gọi tôi đi làm 1 tuần/ngày để dọn dẹp. Tạm thời như rứa cũng đỡ rồi”.

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng về việc dừng hoạt động xổ số kiến thiết từ ngày 1 đến hết ngày 15-4, hàng nghìn người bán vé số ở Đà Nẵng rơi vào cảnh lao đao. Họ không thể trở về quê tranh thủ lúc rảnh rỗi để cày xới đất, gieo trồng vụ rau mà phải ở lại phòng trọ, sống qua ngày. Bà Nguyễn Thị Bốn (62 tuổi, quê Quảng Ngãi, trú đường Lê Hữu Trác, quận Sơn Trà) cho hay, ngay khi không được ra đường bán vé số, bà và mấy chị em cùng phòng nhấp nhổm không yên, ai nấy buồn rầu trong lòng, chẳng ai nói với ai lời nào. May sao chủ đại lý ghé đến cho mỗi người 10kg gạo và 100.000 đồng. Ông ấy cũng chỉ một số điểm phát cơm từ thiện để bà con đến nhận. Sau đó nghe đến máy “ATM gạo”, mấy chị em, cô cháu trong dãy nhà trọ chia nhau ra đi nhận. Người khỏe nhận giùm cho người yếu; người trẻ nhận giùm người già. “Nhờ vậy hơn nửa tháng nằm nhà, chúng tôi không bị đói bữa nào”, bà Bốn mừng tủi nói.

Sau đại dịch, nhà nhà người người thắt chặt chi tiêu. Những thứ không thực sự cần thiết, dù với số tiền nhỏ, như mua một tờ vé số cũng khiến người ta đắn đo. Bà Bốn bảo, từ ngày đi bán lại, không chỉ bà mà cả những chị em trong khu nhà trọ đều bán được rất ít, chỉ bằng 1/2, 1/3 trước đây. Bữa ăn của mọi người vì thế cũng phải “cân đong đo đếm” từng lát thịt, cọng rau. “Dù vậy, chúng tôi thèm đi bán quá rồi. Ngồi nhà lâu, xương khớp cũng trệu trạo. Cứ bán chậm chậm rồi nhích dần lên từng tờ một, miễn kiếm ra vài đồng mỗi ngày là vui rồi”, bà Bốn bày tỏ.

Cùng người lao động nghèo vượt khó

Điều dễ nhận thấy nhất qua đợt dịch này là người dân đồng tình, ủng hộ và vui mừng với các chính sách hỗ trợ từ các cấp, đặc biệt là Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và các văn bản của thành phố về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Ông Mai Xuân Linh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quận Ngũ Hành Sơn cho hay, việc xác định đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng dịch bệnh không đơn giản. Đối tượng bị ảnh hưởng nhưng phải có mức thu nhập theo tiêu chuẩn hộ cận nghèo. Khi khảo sát, nhiều người dân chia sẻ bị ảnh hưởng, nằm trong đối tượng bị ảnh hưởng, nhưng không thể xác minh thực tế cụ thể cho nên bắt buộc tổ dân phố, cấp ủy chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận cùng tham gia để tránh cấp phát không đúng đối tượng.

Đồng thời, công tác rà soát, xác định đối tượng phải khẩn trương để người dân sớm nhận được hỗ trợ, ổn định cuộc sống. “Đối tượng lao động tự do trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn gồm có người buôn bán nhỏ (giày dép, quần áo - những hộ bị đóng cửa ở các chợ), thợ nề, thợ điện nước, sửa xe… Đối tượng bán hàng rong, bán vé số chiếm số ít. Phòng LĐ-TB&XH quận đã tổ chức các buổi tập huấn cho lãnh đạo và cán bộ chuyên trách ở các phường thực hiện về biểu mẫu thống kê và xác định đối tượng.

Theo đó, yêu cầu chính quyền địa phương tiếp nhận và thẩm định các nhóm đối tượng, lập danh sách niêm yết công khai tại UBND phường. Đồng thời, cán bộ chuyên trách LĐ-TB&XH phường có nhiệm vụ tập huấn lại cho tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ khu dân cư để họ nắm rõ các quy định chi trả của Chính phủ, thành phố. Thực hiện theo tinh thần của Chính phủ là không để sót đối tượng nhưng cũng không để lợi dụng chính sách”, ông Linh nói.

Công tác rà soát đối tượng được hỗ trợ sau Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Chính phủ đang được thực hiện khẩn trương ở hầu hết các quận, huyện. Dù là Chủ nhật nhưng anh Trần Phước Đông (cán bộ chuyên trách LĐ-TB&XH phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) vẫn đến cơ quan làm việc. Trên bàn làm việc của anh là hàng nghìn tờ đơn kê khai của người dân. Theo anh Đông, phường An Hải Đông đã lập một tổ công tác gồm 5 cán bộ của phường để giúp công tác chi trả đến người dân kịp thời, nhanh chóng.

Trên địa bàn phường có 52 tổ dân phố, đến thời điểm này, công tác rà soát, kê khai từ phía người dân cơ bản đã xong. “Ngoài các ngành nghề nằm trong danh mục được hỗ trợ của thành phố, hiện nay, quận Sơn Trà đang đề nghị thành phố bổ sung hỗ trợ cho nhóm ngành nghề cắt tóc, spa, massage, giúp việc, dọn vệ sinh. Phường đã ban hành các hướng dẫn đến các tổ dân phố hướng dẫn cho những người lao động trong tổ làm nhóm ngành nghề này liên hệ UBND phường để làm hồ sơ lập danh sách riêng. Khi thành phố đồng ý, phường sẽ tiến hành các bước hoàn thiện hồ sơ đề nghị theo đúng quy định”, anh Đông nói.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê cho rằng, tinh thần “tương thân tương ái”, hỗ trợ “một miếng khi đói bằng một gói khi no” của người Việt trỗi dậy trong lúc dịch bệnh. Bằng chứng là Mặt trận quận đã tiếp nhận sự hỗ trợ từ hầu hết các mạnh thường quân, doanh nghiệp, đơn vị đóng chân trên địa bàn. Theo đó, Mặt trận phường và các Ban Công tác Mặt trận khu dân cư vận động tiếp nhận hơn 230 triệu đồng và 200 USD tiền mặt; vận động cấp phát 6.080 suất quà; cấp phát 21.820kg gạo, 50 thùng mì tôm; chuyển về các phường 50 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ 500 hộ nghèo trên địa bàn 10 phường. “Qua nắm tình hình, mỗi hộ gia đình khó khăn trên địa bàn quận đều nhận 4-5 suất quà. Trong cơn hoạn nạn, mọi người, nhất là người nghèo luôn cần đến trách nhiệm của chính quyền và tình thương của cộng đồng. Rất mừng là cả cộng đồng đang chung tay lo cho người khó khăn, cả xã hội cùng nắm tay vượt qua đại dịch”, ông Tuấn nói.

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, thành phố Đà Nẵng có khoảng 16.300 hộ nghèo, hộ cận nghèo và 57.700 đối tượng chính sách bảo trợ xã hội, người có công cách mạng được nhận hỗ trợ đợt đầu tiên theo Nghị quyết 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19. Đến nay, thành phố cơ bản hoàn thành chi trả cho nhóm đối tượng này và đang chuẩn bị triển khai đợt 2 hỗ trợ các nhóm đối tượng còn lại.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.