Đi cùng nhau trong 'cuộc chiến' chống dịch

.

ĐNO - Trong bối cảnh các đơn vị y tế lớn như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh việc C, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng đang bị phong tỏa, đã có những bệnh viện khác sẵn sàng “chia lửa” cùng họ trong “cuộc chiến” với Covid-19 tại Đà Nẵng.

a
Bệnh viện Gia đình hỗ trợ, tiếp nhận bệnh nhân và người nhà bệnh nhân từ bệnh viện tuyến trên chuyển đến. Ảnh: Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng 

"Chia lửa" cùng thành phố

Tại Bệnh viện Đà Nẵng, tình trạng số ca mắc Covid-19 tăng đã gây nên áp lực cho đội ngũ y tế tại đây khi vừa thực hiện chữa trị cho các ca dương tính với SARS-CoV-2 vừa phải bảo đảm các công việc chuyên môn khác. Trước tình hình đó, bác sĩ Trần Hùng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Gia đình Đà Nẵng bày tỏ nguyện vọng được “chia lửa” cùng các đơn vị đồng nghiệp trên trang Facebook cá nhân của mình. Theo bác sĩ Hùng, hiện các đơn vị tiếp nhận và điều trị trực tiếp các ca nghi nhiễm và nhiễm SARS-CoV-2 là Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Đà Nẵng dường như trong tình trạng quá tải. Hiện tại thành phố chỉ có các trung tâm y tế quận, huyện mà một vài cơ sở y tế tư nhân. Vì thế, ông và các nhân viên bệnh viện mình sẵn sàng hỗ trợ các bệnh viện tuyến trên trong công tác điều trị mùa dịch.

“Chúng ta là một trong số rất ít những bệnh viện còn trụ vững. Giờ phút này, chúng ta không được phép chỉ lo nghĩ đến sự an nguy của mình nữa. Bệnh viện của chúng tôi sẽ giữ lại những ca nghi ngờ. Thậm chí, chúng ta sẽ phải sẵn sàng cho thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 để “chia lửa” với thành phố”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Hùng, Bệnh viện đa khoa Gia đình Đà Nẵng sẽ thiết lập một khu vực riêng cho những nhóm bệnh nhân và người nhà từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển tới, vừa bảo đảm vấn đề tiếp tục điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân, trong khi vẫn bảo đảm yếu tố an toàn và cách ly với những bệnh nhân hiện tại.

Ngay trong đêm 31-7, sau khi lời chia sẻ của bác sĩ Hùng được lan tỏa, đã có hơn 30 ca bệnh được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 cùng người thân (cũng đã có kết quả xét nghiệm âm tính) được chuyển từ Bệnh viện Đà Nẵng sang khu điều trị cách biệt tại Bệnh viện đa khoa Gia đình Đà Nẵng. Hiện tại, đơn vị đã bố trí khu vực cách ly riêng biệt với 70 giường bệnh và 70 giường thân nhân để tiếp nhận bệnh nhân. Những người này được liên tục chuyển về để điều trị và cách ly, trong số này có bệnh nhân nặng và rất nặng liên quan tới hội chứng gan thận, suy thận cấp, suy hô hấp, ung thư…

Các bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2 sẽ được bệnh viện tiếp nhận, điều trị nhằm giảm tải cho Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Đà Nẵng. “Bệnh nhân đến khám sẽ được chúng tôi tiếp nhận ở khu cách ly riêng, tránh xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo. Các y, bác sĩ làm việc ở khoa này luôn được trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ theo đúng quy chuẩn của Bộ Y tế", bác sĩ Hùng chia sẻ.

“Trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, chúng tôi nhận thấy sự vào cuộc của mình là vô cùng cần thiết. Tất cả vì mục tiêu không để một ai bị bỏ lại phía sau”, bác sĩ Hùng nói.

"Nếu mình bỏ cuộc, lấy ai chăm sóc cho người bệnh lúc này?"

Đó là chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Văn Đăng, Phó Giám đốc Bệnh viện 199 (Bộ Công an) trong những ngày nơi này đang cùng thành phố "chiến đấu" với "giặc Covid". Ông cho biết, hiện bệnh viện đang tiếp nhận hơn 200 ca bệnh từ Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, Bệnh viện C Đà Nẵng chuyển về. Trong đó có 36 ca bệnh nhân chạy thận.

Ảnh: XUÂN SƠN
Bệnh viện 199 Bộ Công an triển khai công tác phòng, chống dịch. Ảnh: T.T

"Sau khi các ca lẫy nhiễm mới trong cộng đồng ở thành phố được công bố chính thức, Bệnh viện 199 đã chuẩn bị các kịch bản tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nghi mắc Covid-19 để có thể "chia lửa", giảm bớt phần nào gánh nặng cho các đơn vị bệnh viện tuyến trên", bác sĩ Đăng cho hay.

Hiện tại, hầu hết những bệnh nhân có bệnh lý nền và tình trạng diễn tiến bệnh nặng đã được chuyển về điều trị và chăm sóc tích cực tại Bệnh viện 199. Tất cả 19 khoa, phòng và 450 giường bệnh đã được huy động để phục vụ công tác điều trị. "Toàn thể nhân viên bệnh viện đã được điều động, phân chia ca trực luân phiên, hết công suất để đáp ứng công tác chống dịch. Phải bảo đảm cho mọi hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện được diễn ra an toàn, trong đó có tổ chức sàng lọc, thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19", bác sĩ Đăng cho biết.

Bệnh nhân N.V.K (quận Hải Châu) đang chạy thận tại Bệnh viện C, được đưa về Bệnh viện 199 do ảnh hưởng của dịch bùng phát. Ông cho biết: "Khi có dịch, tôi được kịp thời đưa về chạy thận tại đây, được các y, bác sĩ chăm sóc tận tình nên cũng đỡ lo lắng phần nào trong mùa dịch này".

Bác sĩ Đăng chia sẻ, trong thời điểm này bất kỳ một sai sót nào xảy ra cũng sẽ để lại nguy cơ lây nhiễm cao trong bệnh viện, nặng nhất là khả năng cách ly cả bệnh viện. Chính vì thế, ở đây mỗi bệnh nhân và cán bộ y tế luôn được nhắc nhở thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. "Với kết quả của đợt dịch đầu năm, chúng ta coi như đã chiến thắng trận đầu, lần này, trận thứ hai cũng sẽ quyết thắng dù biết là khó khăn. Tất cả sẽ đồng lòng cố gắng, bởi nếu mình bỏ cuộc, lấy ai chăm sóc cho người bệnh lúc này!".

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.
.