'Siêu thị di động' hỗ trợ người khó khăn qua mùa dịch

.

ĐNO - Một “siêu thị di động” với những nhu yếu phẩm, khẩu trang… được phát miễn phí cho người nghèo, người khuyết tật, lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn đã được lập nên trong mùa dịch. Đó là hoạt động ý nghĩa của nhóm Công tác xã hội Đà Nẵng trong những ngày qua.

Ảnh: XUÂN SƠN
Siêu thị di động được thực hiện đầu tiên tại quận Thanh Khê. Ảnh: XUÂN SƠN

Mới đây, mô hình “siêu thị di động” được tổ chức tại quận Thanh Khê với điểm đến là Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây, mọi công tác tổ chức, vận hành mô hình đều được thực hiện nghiêm ngặt, kỹ lưỡng nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống Covid-19 cho người dân đến nhận. 

Ngay ở cổng vào, đơn vị tổ chức đặt máy sát khuẩn tự động, thiết bị đo thân nhiệt tự động. Người dân đến “siêu thị” lựa chọn thực phẩm cũng được chia thành nhóm 2 người/lần để bảo đảm giãn cách, tránh tụ tập đông người. Các tình nguyện viên mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay cao su cẩn thận. Bên cạnh đó, đều đặn 2 lần/ngày, trước mỗi buổi "mở bán", đơn vị tổ chức tiến hành phun khử trùng khu vực để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ở “siêu thị” này, những người khó khăn trong mùa dịch có nhiều sự lựa chọn với đầy đủ các loại thực phẩm, từ sữa, bún, mì, miến, gạo, gia vị các loại cho đến rau, củ, quả, trứng... Ngoài ra, “siêu thị” còn cung cấp dung dịch sát khuẩn, nước muối sinh lý và đặc biệt là phát khẩu trang miễn phí thông qua "ATM khẩu trang". Mọi người được chọn lựa tùy theo nhu cầu của mình. Nếu mặt hàng nào đã có rồi có thể nhường cho người đến sau.

Ảnh: XUÂN SƠN
Các mặt hàng ở “siêu thị” khá phong phú. Ảnh: XUÂN SƠN

Trước đó chưa lâu, 200 phiếu mua sắm miễn phí tại “siêu thị di động” này đã được các nhóm phối hợp các phường tại quận Thanh Khê khảo sát, trao tận tay người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trên địa bàn quận.

Trung bình, mỗi suất mua hàng miễn phí ở “siêu thị” có giá trị từ 300.000 đồng đến 350.000 đồng. “Siêu thị” được tổ chức vào 2 ngày cuối tuần, mỗi buổi sẽ phát ra 50 phiếu. Trên phiếu hẹn sẽ chia ra 5 khung giờ, các khung giờ cách nhau 30 phút để bảo đảm số lượng người tập trung vào 1 thời điểm không quá đông.

Ảnh: XUÂN SƠN
Ông Trần Văn Đẩu (áo sọc ngang) đang lựa chọn thực phẩm tại “siêu thị” dưới sự hỗ trợ của tình nguyện viên. Ảnh: XUÂN SƠN

Bị tai nạn và mất khả năng đi lại đã 20 năm nay, ông Trần Văn Đẩu (55 tuổi, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) hiện sống cùng em gái, hoàn cảnh rất khó khăn. Nhận những túi thực phẩm tươi ngon trên tay, ông chia sẻ: “Tôi cũng không biết nói gì hơn ngoài cảm ơn các mạnh thường quân đã quan tâm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi vượt qua thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh”.

Đang sống cùng cha mẹ già, hai con nhỏ và hai người cháu tại tổ 31, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, bà Nguyễn Thị Thôm (52 tuổi) đến “siêu thị” từ sớm và lựa nhiều mặt hàng gồm gia vị, ít sữa cho các con, rau tươi và nước rửa tay, khẩu trang y tế. Bà kể, chồng bà chạy thận nhiều năm nay trong bệnh viện và đang cách ly từ lúc có dịch đến nay. Bà làm nghề dọn dẹp nhà cửa cho các gia đình, qua hai đợt dịch nên nghỉ làm.

Ảnh: XUÂN SƠN
Máy "ATM khẩu trang" được đặt tại siêu thị. Ảnh: XUÂN SƠN

Đối với máy "ATM khẩu trang", anh Phan Nhật Nam, đại diện đơn vị lắp đặt máy cho biết, người dân có nhu cầu nhận khẩu trang chỉ cần nhìn vào camera được đặt trước máy để nhận diện khuôn mặt rồi nhấn nút, khẩu trang sẽ được máy “nhả” ra. Mỗi người được nhận 1 túi 10 khẩu trang/lần. Theo anh Nam, các hệ thống tự động được lắp tại “siêu thị” này giúp giảm tương tác giữa người với người, bảo đảm giãn cách trong mùa dịch.

Chị Trương Thị Như Hoa, công tác tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố là người lên ý tưởng cho mô hình đầy ý nghĩa này. Chị Hoa chia sẻ, chương trình đã nhận được sự ủng hộ, tham gia của gần chục mạnh thường quân và những tình nguyện viên đắc lực.

Chương trình hướng đến việc tổ chức mô hình hỗ trợ thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân một cách chuyên nghiệp, bảo đảm yêu cầu về cách ly xã hội cũng như không khiến người nghèo cảm thấy tủi thân khi được giúp đỡ. Tại mỗi quầy, mọi người đều có sự lựa chọn lấy cái này hoặc lấy cái kia, lấy đủ dùng, nhường những phần còn lại cho những người đến sau.

"Hiện tại, chúng tôi đã thực hiện ở quận Thanh Khê trong 2 ngày 22 và 23-8, sắp tới thực hiện ở quận Hải Châu và sẽ tổ chức luân phiên tại các quận, huyện trong thời gian đến. Chúng tôi mong muốn mô hình được triển khai ở 7 quận, huyện của thành phố để qua đó mọi người dân khó khăn đều được chia sẻ", chị Hoa cho biết thêm.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.
.